Kỳ bí mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh

 

 Đến Bảo tàng Đà Nẵng du khách thường dừng bước thật lâu để ngắm nhìn vẻ bí ẩn của chiếc mộ chum hình trụ, đáy tròn được sưu tầm tại di chỉ khảo cổ học Tam Mỹ (Tam Xuân, Núi Thành) năm 1976. Mộ chum  là di vật và là đặc trưng dễ nhận biết của Văn hóa Sa Huỳnh.  

Văn hóa Sa Huỳnh khởi phát trên dải đất từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên và để lại những dấu ấn vàng son trong lịch sử Việt Nam, tạo thành tam giác văn hóa trên mảnh đất Việt: Đông Sơn ở phía Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở Nam Bộ. Một trong những địa bàn quan trọng và phân bố tập trung nhất của văn hóa Sa Huỳnh là Quảng Nam. Năm 1976, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học với quy mô lớn, trên dải đồi cát rộng và khá cao, được hình thành từ những cồn cát ven biển có diện tích 300m2 tại thôn Tam Mỹ (xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Tại đây đã tìm thấy di tích khảo cổ học với những chiếc chum lớn và Tam Mỹ là khu mộ chum đầu tiên được phát hiện và nghiên cứu ở Quảng Nam. Theo các nhà khảo cổ thì Tam Mỹ không phải là di chỉ cư trú mà là khu thuần mộ táng bằng chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh, mỗi chum là một mộ.

Mai táng người đã khuất trong mộ chum là nét đặc thù của văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, người chết được chôn trong chum như thế nào, lại là vấn đề còn nhiều bí ẩn. Gần như không định dạng được cách mai táng duy nhất của người Sa Huỳnh. Họ có cả nguyên táng, tức là chôn người chết nguyên vẹn, có cả hỏa táng, tức là thiêu người chết rồi đưa tro hài vào chum, và có cả cải táng. Mộ chum Sa Huỳnh có nhiều kiểu dáng như hình trụ, hình trứng, hình cầu, hoặc lồng nhau.. và trong mộ chum bao giờ cũng kèm theo đồ tuỳ táng như đồ gốm, công cụ đá, công cụ sắt, đồ đồng và đồ trang sức.

Chiếc mộ chum Tam Mỹ tại Bảo tàng Đà Nẵng có kích thước lớn, hình trụ, chiều cao 80cm, đường kính miệng 59cm. Chum làm bằng đất sét pha cát hạt mịn màu đỏ nhạt, kỹ thuật chế tác khá  tinh xảo được làm bằng bàn xoay, tạo cho xương gốm có độ mỏng đều. Dáng chum cân  xứng và đẹp, vai hơi phình, cổ thắt, miệng  loe tạo thành một đường gấp khúc từ vai-cổ-miệng. Nắp chum hình nón cụt đáy bằng đậy vừa khít miệng chum. Mộ chum được tìm thấy ở Tam Mỹ thuộc giai đoạn sớm của thời đại sắt ở nước ta, niên đại khoảng 2.300 đến 2.500 năm cách ngày nay. Có thể người chết được chôn trong chiếc chum này theo cách hỏa táng hoặc cải táng nhưng chắc chắn rằng đây không phải là chiếc quan tài chôn trẻ em.

Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về hình dáng và kích thước của các loại mộ chum liên hệ như thế nào với thân phận, địa vị của người chết. Cũng như chưa có giải thích nào làm sáng tỏ vì sao lại có nhiều loại như vậy và mỗi loại mang đặc tính kỹ thuật, cách sử dụng hoặc ý nghĩa tâm linh ra sao.

Như vậy, từ những đặc trưng của mộ chum chúng ta có thể nhận thấy những biểu hiện chung về quan niệm tín ngưỡng của cư dân thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Đó là sự sùng bái linh hồn người chết, là sự biểu hiện mối quan hệ gắn bó giữa con người – linh hồn và biển cả, qua việc lựa chọn những địa hình cao ráo ven biển, ven sông để đặt khu mộ táng. Từng mộ chum được làm cẩn thận chứng tỏ thái độ kính trọng và tiếc thương với người đã khuất được bầy tỏ sâu sắc và tỉ mỉ, qua đó thể hiện tín ngưỡng đất mẹ và sự bất tử của linh hồn. Đó cũng chính là điều bận tâm muôn thuở của con người./.

Trương Thế Liên

Phòng Sưu tầm – Trưng bày và Bảo quản

Tin liên quan