Các bạn trẻ tham quan triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông” khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng chiều 27/11 (Ảnh: HC) |
“Triển lãm và dự án mà GS Graeme Were phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện đã tập trung nghiên cứu một nhóm cộng đồng tuy nhỏ nhưng cuộc sống của họ đã phải trải qua rất nhiều biến động trong quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng. Đến thời điểm này, sau một tháng cùng làm việc với GS Graeme Were, chúng tôi có thể khẳng định dự án đã được thực hiện thành công!” – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.
Ông Thiện nhắc lại, những năm 2000 – 2005, chính quyền TP Đà Nẵng đã di dời các hộ dân sống trong khu nhà Chồ ven bờ Đông sông Hàn đến những khu nhà ở hiện đại ở vùng Nại Hiên Đông, vùng ven đô thuộc quận Sơn Trà. Điều này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của TP, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh ở châu Á hiện nay.
Không gian trưng bày nguyên mẫu “Nhà Chồ” tại Bảo tàng Đà Nẵng |
“Triển lãm này kể câu chuyện của một số gia đình trong cộng đồng này, sử dụng lời kể của chính họ và những hiện vật mà họ đã lựa chọn từ các bộ sưu tập của Bảo tàng Đà Nẵng. Những câu chuyện này cho thấy sự mạnh mẽ của một cộng đồng, mối liên hệ của họ với dòng sông và sinh kế thay đổi của họ!” – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay.
GS Graeme Were cho biết rõ thêm, cách thức tổ chức triển lãm trong dự án lần này là một hướng đi khá mới cho việc tổ chức các trưng bày ở bảo tàng. Thông thường cán bộ bảo tàng sẽ lựa chọn và quyết định chủ đề, nội dung, các sưu tập liên quan cho một trưng bày. Tuy nhiên với triển lãm này, mặc dù quy mô nhỏ nhưng cách làm lại khác hẳn.
GS Graeme Were – Trưởng khoa Nhân học, Đại học Bristol (Vương quốc Anh) với các nhân chứng là người dân từng sinh sống ở những nhà Chồ trên sông Hàn. |
Bà Phạm Thị Cung vui mừng gặp lại hình ảnh của mình với chiếc bẫy cua tại cuộc triển lãm. |
Bà Nguyễn Thị Vân bồi hồi nhớ lại góc bếp ngày xưa ở nhà Chồ mà bà từng sinh sống. |
Nhiều người dân phường Nại Hiên Đông thấy lại cả một quá khứ chưa xa của mình dưới những mái nhà Chồ. |
“Chúng tôi đưa ra chủ đề, nội dung triển lãm sau khi đã dành nhiều thời gian cho các cuộc phỏng vấn và trao đổi với nhóm cộng đồng liên quan, cụ thể ở đây là nhóm những ngư dân từng sống ở nhà Chồ ven sông Hàn ngày xưa, sau đó mời họ đến tham quan Bảo tàng, nhất là những trưng bày gắn bó mật thiết với cuộc sống của họ trong quá khứ.
Từ đó triển lãm được hình thành với những nội dung lấy từ lời kể, tâm sự của chính những thành viên trong cộng đồng đó, thông qua hiện vật bảo tàng. Những hình ảnh chúng ta thấy trong triển lãm có lẽ chỉ nói lên được một phần nhỏ trong phương pháp tiếp cận và xây dựng trưng bày dựa vào cộng đồng trong một tháng nghiên cứu vừa qua!”– GS Graeme Were cho biết.
Các bạn trẻ tham quan nguyên mẫu nhà Chồ được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng |
Hiện ở Bảo tàng Đà Nẵng có dành hẳn một không gian trưng bày với tên gọi “Nhà Chồ”, trong đó giới thiệu: “Nhà Chồ là tên gọi dân gian của người Đà Nẵng để chỉ kiểu thức nhà ở của một bộ phận dân cư sống trên sông Hàn, gần bờ phía Đông sát biển, từng tồn tại một thời gian dài trong quá khứ chưa xa.
Nhà được dựng hoàn toàn bằng các vật liệu tạm bợ trên mặt sông và chỉ được nối với bờ bằng một chiếc cầu ván. Hình thức kết cấu đơn giản theo kiểu nhà hai mái hoặc một mái xuôi thẳng ra sau. Không gian nhà chật hẹp, diện tích mặt sàn không quá 40m2, nhưng với một số gia đình, đó là nơi sinh sống của nhiều thế hệ”.
Du khách nước ngoài tham quan… |
và chụp hình lưu niệm tại không gian trưng bày nhà Chồ ở Bảo tàng Đà Nẵng. |
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện bày tỏ, nhìn những gương mặt hạnh phúc và xúc động của những người dân chài khi tham quan không gian trưng bày về nhà Chồ ngày xưa của họ trong bảo tàng, chúng tôi hiểu được sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận sẽ mang lại sự khác biệt như thế nào trong hiệu ứng của một trưng bày.
“Việc đưa tiếng nói của cộng đồng vào trong trưng bày thực sự không đơn giản như những gì chúng ta đọc trên lý thuyết. Nó cần phải được thực hiện từng bước và bởi những cán bộ, nhà nghiên cứu thực sự dành tâm huyết cho hướng phát triển bền vững này của bảo tàng!” – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhấn mạnh.
TS Erik Lithander, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bristol cho biết sang năm 2020 sẽ còn quay lại Đà Nẵng một lần nữa với những chương trình hợp tác mới. |
Theo ông, sự quan tâm đặc biệt mà dự án này dành cho cộng đồng ngư dân ở nhà Chồ ven sông Hàn, cho di sản nghề cá của Đà Nẵng đã giúp nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống, trong đó có các ngành nghề truyền thống, trong bối cảnh hiện nay.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhấn mạnh: “Thông điệp gắn kết bảo tàng với cộng đồng thông qua hiện vật bảo tàng, đưa tiếng nói của cộng đồng vào trưng bày tại bảo tàng chính là điều khiến triển lãm lần này thực sự mới mẻ, hấp dẫn và giàu tính nhân văn. Như một thành viên trong nhóm cộng đồng khi đến thăm không gian trưng bày về nghề cá và nhà Chồ ở Bảo tàng Đà Nẵng đã nói: “Thật xúc động khi thấy một phần quá khứ của mình được giới thiệu trân trọng trong trưng bày của bảo tàng TP!”.
Lời các nhân chứng tại triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông”:
Bà Phan Thị Cương (Nội trợ, phường Nại Hiên Đông): “Thời sống ở nhà Chồ chỉ cần ra khỏi nhà, bước xuống thuyền là có thể đi đánh cá, bắt cua. Từ gần 10 năm nay tôi không còn làm công việc này nữa. Tôi rất nhớ công việc cũ của mình, nhất là khi nhìn thấy những ngư cụ được trưng bày trong Bảo tàng”. Ông Trần Thanh Hổ (ông Thu – Tô trưởng, phường Nại Hiên Đông): “Chiếc ghe là tài sản lớn nhất của tôi khi sống ở nhà Chồ. Với tôi, nó không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là một người bạn gắn bó thân thiết. Từ khi những chiếc cầu được xây dựng, công việc chèo đò của tôi trở nên khó khăn và tôi quyết định đổi nghề”. Bà Nguyễn Thị Vân (Buôn bán nhỏ, phường Nại Hiên Đông): “Góc bếp ngày xưa cũng được làm từ những vật liệu tạm bợ như chính ngôi nhà chồ vậy. Giờ nhìn lại những đồ vật này khiến tôi nhớ về khoảng thời gian nhiều kỷ niệm ấy, cảm xúc thật khó tá!”. Ông Nguyễn Văn Minh (Ngư dân, phường Nại Hiên Đông): “Dụng cụ cào nghêu này gợi lại quãng thời gian tôi sống ở nhà Chồ, khi mọi thứ trong cuộc sống của gia đình tôi đều gắn với sông, biển. Giờ đây chúng tôi đã di chuyển chỗ ở, nhiều thứ đã thay đổi, trong đó có công việc của tôi”. Bà Nguyễn Thị Liên (Nội trợ, phường Nại Hiên Đông): “Đèn dầu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình ở xóm nhà Chồ. Nó không chỉ gợi lại cuộc sống vất vả ngày xưa mà còn nhắc nhớ đến hành trình nhọc nhằn tìm con chữ của những đứa trẻ xóm Chồ”. Bà Mai Thị Tâm (Nghề đan lưới, phường Nại Hiên Đông): “Đan lưới là nghề kiếm cống của tôi từ thời tôi còn ở nhà Chồ, đến nay mặc dù đã chuyển lên ở chung cư nhưng tôi vẫn duy trì công việc này”. |
HẢI CHÂU