CÁNH CỬA NHÀ LAO CON GÀ

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, thực dân Pháp tuy mất quyền thống trị nhưng chúng vẫn thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Lợi dụng Hiệp định sơ bộ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp ngày 06/3/1946, tại Đà Nẵng vào tháng 4/1946 Pháp đưa ngay 1.000 quân thay quân Tưởng rút đi. Cũng trong năm này, thực dân Pháp lập nên “Lao Con Gà Đà Nẵng” trên cơ sở cải tạo lại trại lính khố xanh trên đường Đồng Khánh (sau năm 1975 là Khu triển lãm Văn hóa Thông tin – số 84 Hùng Vương). Gọi là “Nhà lao Con Gà” vì phía trước nhà lao là một vườn hoa (nay là công viên) có một tượng đài với biểu tượng con gà ở trên đỉnh tượng đài này. Nhà lao Con Gà còn có tên là “Trại 676”.

Hiện nay, tại  Bảo tàng Đà Nẵng, bộ cửa sắt của Nhà lao Con Gà đang được trưng bày trong một tủ kính lớn cùng với các kỷ vật của những tù nhân yêu nước như: khăn thêu, áo quần, radio… Đây là cổng chính của nhà lao được Trung tâm Văn hóa Thông tin Đà Nẵng giao lại cho Bảo tàng vào tháng 5/1991. Ẩn chứa trong nội dung trưng bày là câu chuyện kể về những chiến sĩ kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân. Ở đó, mặc dù phải hứng chịu bao trận tra tấn cực hình dã man, tàn bạo nhưng các đồng chí vẫn một lòng với Đảng.

Theo lời kể của các nhân chứng còn sống, Nhà lao Con Gà là nơi giam cầm, là địa ngục trần gian nhằm làm khuất phục ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Từ 1946 – 1948, nơi đây chẳng có một luật lệ nào, bọn chúng muốn đánh ai thì đánh, giết ai thì giết. Chúng thường đem tù nhân đến cột vào các trụ điện bắn chết rồi phao tin là đêm qua Việt Minh về gỡ bóng điện bị bắn chết; hoặc chúng đem tù nhân chặt đầu rồi cắm cọc tại cồn cát Thạc Gián (nay là bến xe Chợ Cồn) rồi đưa tin là Việt Minh về hoạt động nên cảnh sát bắt chặt đầu để làm gương. Tù nhân đi chậm, làm chậm hoặc công việc nặng làm không nổi đều bị đánh. Những tù nhân đấu tranh thì chúng bắt làm việc nặng, tối về bị giam vào xà lim, cạo đầu cho nhịn đói và bắt phơi nắng dưới cột cờ. Thức ăn là loại cá thiu thối mua về cho lợn ăn. Đồ đựng thức ăn bằng hũ cưa đôi lấy phần dưới; cơm cho vào thùng gỗ, đến giờ sắp hàng lấy cơm cũng bị chúng đánh đập.

Lao Con Gà đặt dưới quyền giám hộ của Phòng Nhì Pháp mà cụ thể là cơ quan tin tức Trung Việt do tên mật thám Bernard đứng đầu. Trưởng nhà lao là tên sếp Tây Delaunay. Tại đây chúng đưa cai Hà – một tên tù thường phạm lâu năm lên làm cai coi giữ anh em tù. Tên này chịu sự điều khiển trực tiếp của tên Bernard và rất gian ác, hắn thường đánh đập anh em tù nhân vô cùng dã man. Từ năm 1949 nhà lao có ba trại giam: Trại giữa giam những người bị bắt tại mặt trận, trong các hầm bí mật và những người được coi là cán bộ Việt Minh. Trại thứ hai gần cổng, giam giữ những người bị bắt trong các cuộc bố ráp bao gồm ông bà già, trẻ em và thường dân theo chúng là ít nguy hiếm. Đây là trại giam cung cấp những người phục dịch, lao công cho chúng. Trại giam thứ ba là nơi giam giữ phụ nữ. Từ 1950 trở đi số lượng tù nhân tăng lên nên nhà lao cũng mở rộng thêm, đỉnh điểm có khi lên tới 1.000 – 1.500 người, trong đó nữ chiếm 100- 150 người.

Bất chấp mọi hành vi tàn bạo của kẻ thù, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng trung kiên xem nhà tù của bọn thực dân là nơi rèn luyện ý chí và biến nhà tù của chúng thành trường học cách mạng. Nhiều phong trào đấu tranh đã diễn ra tại nhà lao này. Đặc biệt từ khi Chi bộ nhà lao lấy tên gọi “Quyết tiến” do đồng chí Trần Thanh Kim làm Bí thư ra đời thì phong trào đấu tranh càng sục sôi mạnh mẽ. Sau này số lượng đảng viên đông dần lên nên Liên Chi ủy nhà lao được thành lập và mỗi phòng có một Chi bộ. Chi bộ và Liên Chi ủy nhà lao sau này đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống bắt tù nhân đi lính cho địch, chống chào cờ, chống tra tấn tù nhân trong nhà tù, đòi thực hiện các hiệp định quốc tế về tù binh, tù chính trị, tổ chức dạy học, vận động tuyên truyền lôi kéo và ly gián địch. Công tác địch vận cũng được chú trọng. Chi bộ và Liên Chi ủy nhà lao sau này chủ trương dùng quần chúng tốt gây cảm tình với lính gác, dần dần giáo dục cảm hóa họ để khi có điều kiện ta tổ chức vượt ngục mà thành tích nổi bật là trong một tháng ta tổ chức hai lần vượt ngục thành công. Tháng 6/1950 có năm đồng chí đào thoát, đến đêm 14/7/1950 có hai đồng chí tiếp tục vượt ngục.

Bên cạnh đó, Chi bộ nhà lao cũng bố trí cho những người là quần chúng tốt đi làm lao công phục dịch ở bên ngoài, đi lấy nước cho trại để có thể liên lạc được với Thành ủy Đà Nẵng. Để gây tiếng vang rộng lớn, Thành ủy chủ trương bên trong nhà lao nổ ra tuyệt thực, bên ngoài thành phố rải truyền đơn lên tiếng ủng hộ anh em nhà lao đấu tranh. Cuộc tuyệt thực tuy bị địch khủng bố trắng trợn nhưng đã có tiếng vang không nhỏ và giành được một số thắng lợi nhất định.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, tù nhân được trao trả, nhưng thực dân Pháp ngoan cố không chịu trao trả một số người, anh chị em lại đấu tranh buộc chúng phải thả hết không còn một ai trong trại, buộc lòng bọn Pháp phải nhượng bộ. Sau 1954, Nhà lao Con Gà bị phế bỏ.

Ngày nay tất cả các vết tích liên quan về nhà lao xưa giờ không còn nữa, chỉ còn là địa điểm và trong ký ức của một số tù nhân cao tuổi còn sống.

Tuy nhiên, cánh cửa của Nhà lao Con gà được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng đã góp phần tăng tính khách quan, chân thực cho du khách và cũng để mọi người cùng nhìn ngắm và suy ngẫm. Đằng sau cánh cửa ấy, mọi gian khổ, hy sinh đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước.

                                                                                   Thế Liên

                                                                            (Phòng STTBBQ)

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?