ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG – NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG

Đồng chí Võ Chí Công, tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 07/8/1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Với truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của quê hương, đồng chí Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở ngay từ những năm 1930-1931. Được rèn luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng, đồng chí được kết nạp vào Đảng năm 1935, sớm trở thành cán bộ lãnh đạo từ chi bộ, Tổng ủy, Phủ ủy, đến Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (1940) và Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ (1941). Đồng chí là người kiên trì bám trụ trong lòng dân, lặn lội đến nhiều địa phương để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Năm 1943, đồng chí bị địch bắt và đưa đi đày tại Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm. Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, tháng 3/1945, đồng chí được trả tự do và trở về tham gia Ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền nhanh gọn ở Quảng Nam – Đà Nẵng trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Năm 1952, sau thời gian làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng các nước bạn Lào và Campuchia, trên cương vị Liên khu ủy viên, đồng chí Võ Chí Công được Liên khu ủy chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Trở về lãnh đạo phong trào cách mạng quê hương, đồng chí Võ Chí Công tập trung củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh nhân dân, từng bước đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích.., góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ ở miền Nam, đồng chí Võ Chí Công là người lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng Khu 5 và Nam Bộ, là người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, gắn với nhiều đề xuất quan trọng, quyết định táo bạo, sáng tạo, kịp thời, tạo nên những bước ngoặt lịch sử của đất nước. Đối với Quảng Nam, Đà Nẵng đồng chí luôn theo dõi sát sao, bám sát chiến trường, đưa ra nhiều chỉ đạo đúng đắn để Đảng bộ lãnh đạo quân và dân Quảng Nam lập được những chiến công vang dội như: Chiến thắng Núi Thành – trận đầu đánh Mỹ, chiến dịch Hè năm 1972, chiến thắng Thượng Đức,… góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam.

Đặc biệt trong chiến dịch Huế – Đà Nẵng (1975) với sự nhạy bén nắm bắt tình hình, đồng chí Võ Chí Công kịp thời đề xuất Bộ Chính trị, chớp thời cơ giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975, sớm hơn kế hoạch dự kiến, góp phần đẩy nhanh sự tan rã của quân địch, tạo nên thế và lực để quân và dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Võ Chí Công (thứ 2, từ trái sang) và Đại tướng Chu Huy Mân (đeo kính, thứ 4 từ trái sang) trong chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng,  tháng 3-1975

Trong quá trình xây dựng kiến thiết đất nước, đồng chí Võ Chí Công đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, nghiên cứu và đề xuất những vấn đề lớn trước những biến động của thời cuộc. Từ năm 1975 đến 1997, Ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như: từ năm 1976 là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987-1991). Ông được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV,V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa V; Thường trực Ban Bí thư khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV,V, VI; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII,VIII), Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, gần gũi, quý trọng nhân dân, được đồng chí, đồng bào quý mến tin cậy; bạn bè quốc tế trân trọng. 

Ngày 08/9/2011, đồng chí Võ Chí Công từ trần khi đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí cho đất nước vẫn luôn là dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ tiếp nối.

Để tri ân công lao của ông, tại thành phố Đà Nẵng, tên của ông đã được chọn để đặt cho con đường Võ Chí Công, dài 5,8 km, chiều rộng 2×10,5 (m), điểm đầu từ phía Nam cầu Nguyễn Tri Phương đến đường Trần Đại Nghĩa và ngôi trường THPT Võ Chí Công trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.

 Phan Ngọc Mỹ

(Phòng Giáo dục và Truyền thông)

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?