HƠN 300 HIỆN VẬT ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM “TIỀN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ”

Hệ thống tiền Việt Nam đã có một lịch sử lâu đời và trải qua nhiều thời kỳ, có cả những thăng trầm và biến động lớn. Để giới thiệu đến công chúng một phần của lịch sử Việt Nam thông qua hệ thống tiền tệ trong hơn 10 thế kỷ, Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp hợp với nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa ra mắt triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ” với hơn 300 hiện vật là tiền giấy và kim loại.

Triển lãm tái hiện một phần lịch sử tiền tệ Việt Nam từ giai đoạn Phong kiến đến nay, với sự nối tiếp, kế thừa, đan xen và loại trừ nhau cho thấy quá trình chuyển biến lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và cách mạng Việt Nam, từ sự chia cắt đất nước trên mỗi vùng miền để đi đến sự thống nhất lãnh thổ quốc gia với một chế độ xã hội và hệ thống tiền tệ như ngày nay.

Thời kỳ phong kiến, dưới triều Đinh Tiên Hoàng (năm 968) đồng Thái Bình Hưng Bảo là đồng tiền riêng đầu tiên của nước ta, đánh dấu nền độc lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc. Sau đó gần như mỗi một triều đại đều cho phát hành tiền. Thậm chí, khi thay đổi niên hiệu, vua lại phát hành loại tiền mới.

Đồng tiền “Thái Bình Hưng Bảo” là đồng tiền đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập

Thời Pháp thuộc (1874 – 1954) là thời kì khá phức tạp về hệ thống chính quyền, do đó tiền tệ liên tục được thay đổi phục vụ cho từng mục đích khác nhau. Dưới thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888), để ổn định tình hình tiền tệ tại các xứ thuộc địa, Pháp cho phát hành Đồng bạc Đông Dương với 3 đơn vị piastre, cent/centime và sapèque. Trong đó nổi bật là đồng bạc hoa xòe 1 piastre và đồng 1 centime được đúc năm 1875 tại Pháp, sau đó đem sang Việt Nam và được đục lỗ tại nhà máy Ba Son gọi là đồng sapèque… và các loại tiền giấy khác.

Tờ 5 piastres con công năm 1926 – 1931 thuộc bộ tiền Đông Dương kiểu 3 (1920 – 1939)

Sau năm 1945, ngoài hệ thống tiền của chính quyền cách mạng còn có tiền của Ngân hàng Indochine phát hành, tiền của chính quyền Bảo Đại (1952 – 1954) và tiền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1972). Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục phát triển nền tài chính độc lập, tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm chủ thị trường miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra. Còn ở miền Nam, Ngô Đình Diệm dưới sự giúp đỡ của Mỹ đã thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và cho phát hành bộ tiền giấy Việt Nam Cộng hòa với tổng cộng năm lần phát hành từ 1955 – 1972.

Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập sau năm 1945 thường được gọi tên là giấy bạc Cụ Hồ

Tờ 500 đồng thuộc bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa năm 1966 Bộ Tướng

Khi đất nước thống nhất, sau năm 1975, Chính phủ ra quyết định thống nhất tiền tệ. Ngày 25/4/1978, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức phát hành hệ thống tiền tệ mang quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay.

Có thể nói, với những thay đổi đáng kể thì dù trong thời kỳ nào tiền tệ vẫn thực hiện đầy đủ chức năng của nó là để biểu hiện và đo lường giá trị của các hàng hóa cũng như là phương tiện lưu thông, môi giới trong quá trình trao đổi hàng hóa.

* Thời gian tổ chức triển lãm: Từ ngày 30/01/2021 đến hết ngày 28/02/2021.

* Địa điểm tổ chức: Khu vực tiền sảnh Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

* Triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ” miễn phí vé tham quan.

Tin: Trương Thế Liên

Hình ảnh: Khánh Ly

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?