HOÀNG SA QUA TẤM BẢN ĐỒ ĐÀ NẴNG NĂM 1898

 

Dương Thanh Mừng[1]

Bản đồ Tourane (Đà Nẵng) được Sở Địa dư Đông Dương (Service Géographique de l’Indochine) phát hành vào tháng 11/1898, tại Hà Nội. Bản đồ có kích thước: 65 x 93 cm, với tỉ lệ 1/500.000. Hiện tấm bản đồ này đang được lưu giữ tại thư viện của Trường Đại học Bordeaux Montaigne (phía Nam nước Pháp), và một ấn bản điện tử đang được lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp.

Bản đồ Đà Nẵng năm 1898

Điểm đặc biệt của tấm bản đồ này là đã đưa Quần đảo Hoàng Sa vào địa phận của thành phố Đà Nẵng. Các đảo lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được thể hiện qua bản đồ như: Đảo Passu Keah (Bạch Quy), Récif de la Decouverte (Đá Lồi), Récif Vuladdore (Đảo Chím Yến), Money (Vĩnh Lạc), Duncan (Quang Hoà), Drummond (Duy Mông), Antelope (Đá Hải Sâm), Roberts (Cam Tuyền), Pattle (Hoàng Sa), Bancs des Observations (Cồn quan sát, Bãi Xà Cừ), Group de Croissant (nhóm Nguyệt Thiềm, nhóm Trăng khuyết), Triton (Tri Tôn). Đây là một trong những nguồn tài liệu rất quan trọng bởi nó đã góp phần cung cấp thêm minh chứng nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này ở thời điểm trước thế kỉ XX.

Theo dòng lịch sử, năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam. Đến năm 1883 và 1884, thông qua hai bản Hiệp ước Harmand và Patenôtre thực dân Pháp chính thức thiết đặt nền bảo hộ đối với Việt Nam. Sau sự kiện này, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy quản lí và thiết đặt lại một số đơn vị hành chính nhằm đáp ứng cho các chiến lược khai thác thuộc địa tại Đông Dương. Đối với Đà Nẵng được xem là nơi có vị trí địa hết sức quan trọng nên thực dân Pháp đã sớm triển khai công tác quy hoạch để xây dựng khu vực này trở thành vùng đất nhượng địa.

Đứng trước yêu cầu và sức ép của thực dân Pháp, năm 1888, triều đình nhà Nguyễn đã buộc phải ban hành đạo dụ chấp thuận việc thiết lập nhượng địa ở Đà Nẵng. Đề cập đến sự kiện này, sách Đại Nam thực lục có đoạn viết: Mậu Tí, Đồng Khánh năm thứ 3 (1888). Mùa thu, tháng tám… Lấy đất thuộc Đà Nẵng (bờ biển ở Quảng Nam) làm nhượng địa của người Pháp. Khi trước, viên Khâm sứ Hách Tô tới sơn phòng ấy, lấy các xứ thuộc địa phận Đà Nẵng (từ cầu Thương Chính đến trụ sở viên Châu sứ (địa phận thôn Thạch Thang), lại định đặt sở Dây thép ở xã Hải Châu chính); trích ra làm đất nhượng địa, vẽ thành đồ bản, yêu cầu Phòng sứ là Thái Văn Trung đóng dấu và kí để làm bằng; viên Phòng sứ ấy tạm kí xong, rồi đem việc tư đi để xét[2]. Theo phụ đính của đạo dụ này, năm xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập nhượng địa Tourane.

Đến ngày 3/10/1888, giữa vua Đồng Khánh và Toàn quyền Richaud đã thông qua một bản Sắc lệnh số 567, về việc thành lập các khu vực nhượng địa của Pháp tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng[3] (Sắc lệnh này do Đồng Khánh ban hành vào ngày 01/10/1888 và đến ngày 3/10 thì Toàn quyền Richaud kí), với 3 điều khoản cơ bản: Điều 1: Chính phủ Annam chuyển giao một số vùng đất thuộc Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng kèm theo quyền sở hữu tuyệt đối cho chính quyền Pháp để thành lập nhượng địa. Chính phủ Annam từ bỏ mọi quyền hạn của mình đối với vùng đất này. Điều 2: Các quyền mà Pháp đã có trước đây đối với những vùng đất này sẽ được duy trì (ý là căn cứ vào các điều khoản của bản hiệp ước Patenôtre). Chính phủ Đông Dương sẽ căn cứ dựa theo các điều khoản của đạo dụ do Trẫm ban hành để thi hành quyền sở hữu của mình đối với những vùng đất thuộc quyền bảo hộ ở Bắc Kì và Trung Kì. Điều 3: Phạm vi giới hạn của những vùng đất này sẽ được xác định dựa theo các sơ đồ của bản phụ lục; Toàn quyền Đông Dương và quan Kinh lược sẽ có trách nhiệm cùng nhau cắm mốc để xác định ranh giới của các khu nhượng địa… Tuy nhiên, tại thời điểm này Toàn quyền Đông Dương Richaud không tán thành đề xuất thiết lập Hội đồng thành phố Đà Nẵng. Phải đến đầu tháng 8/1891, khi Lanessan lên thay thế Richaud thì tình hình mới có sự thay đổi. Ngày 31/03/1892, Toàn quyền Lanessan ban hành nghị định thành lập hội đồng thành phố Đà Nẵng. Đến ngày 04/04/1892, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định giao cho Khâm sứ Trung Kì trách nhiệm quản lí Hội đồng thành phố. Ngày 03/01/1893, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định tách thành phố Đà Nẵng ra khỏi các tỉnh Quảng Nam. Tháng 04/1893, ban hành nghị định sửa đổi thành phần Hội đồng thành phố gồm: 5 uỷ viên người Pháp, 2 uỷ viên người Việt và 2 uỷ viên người Hoa. Đến ngày 15/01/1901, Vua Thành Thái kí một đạo dụ về việc mở rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã. Đến ngày 26/01/1901, Toàn quyền Paul Doumer ban hành Sắc lệnh Số 132 phê chuẩn việc mở rộng thành phố Đà Nẵng theo đúng tinh thần của triều đình nhà Nguyễn[4].

Như vậy, thời điểm mà Sở Địa dư công bố tấm bản đồ thì Đà Nẵng đã trở thành nhượng địa của thực dân Pháp. Chúng tôi rất tiếc là chưa tìm thấy được văn bản nào của chính quyền thuộc địa để khẳng định việc Hội đồng thành phố Đà Nẵng có được giao quyền quản lí Hoàng Sa vào thời điểm đó hay không. Tuy nhiên, việc thể hiện Hoàng Sa trên bản đồ hành chính Đà Nẵng – một vùng đất nhượng địa với toàn quyền sở hữu đã chứng tỏ rằng, thực dân Pháp muốn khẳng định quyền bảo hộ của mình đối với quần đảo này. Đây là một thực tế cần phải được ghi nhận.

Một phần bản đồ Đà Nẵng thể hiện quần đảo Hoàng Sa

Điểm đặc biệt thứ hai là cùng trong năm mà tấm bản đồ Đà Nẵng được công bố, chính quyền Trung Quốc lại đưa ra thông cáo cho rằng vùng lãnh hải thuộc quần đảo Hoàng Sa không liên quan tới họ. Nguyên do của vấn đề này bắt nguồn từ năm 1895, khi tàu Bellona của Đức chở kim loại (đồng) đi ngang qua vùng biển Hoàng Sa bị vướng vào đá ngầm ở phía Bắc và chìm (trước đó, năm 1891 cũng có tàu Marianna của Đức bị chìm ở hòn đảo này). Đến năm 1896, tàu Itnegi-Maru của Nhật Bản cũng đã bị chìm ở Hoàng Sa. Cả tàu Bellona và Itnegi-Maru đều chở một khối lượng đồng và được bảo trợ bằng một công ty bảo hiểm của Anh. Công tác trục vớt hàng hoá trên hai tàu này đã được triển khai nhưng vì thời tiết xấu nên hiệu quả mang lại không cao. Đoàn tàu trục vớt đã quay về lại Hồng Kông. Ngay sau khi các tàu bị đắm, chính quyền Anh đã thông báo đến chính quyền Quảng Đông về việc họ nên có những giải pháp để ngăn ngừa việc cướp bóc của các ngư dân địa phương và họ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vấn đề đó. Tuy nhiên, ngư dân Trung Quốc đã dùng những tàu nhỏ để bóc dỡ toàn bộ hàng hoá này trên hai con tàu này. Sau đó, thông qua Lãnh sự Hoihow, các ngư dân Trung Quốc đòi tiền chuộc bằng ½ giá trị hàng hoá mà hai tàu này đã chở. Các công ty của Anh đã không chấp nhận vấn đề này. Bộ trưởng Anh tại Bắc Kinh và Lãnh sự Hoihow đã có những văn bản can thiệp để thu hồi lại các hàng hoá nói trên. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã phản đối vì cho rằng, Hoàng Sa là quần đảo bỏ hoang và nó thuộc về Việt Nam nhiều hơn là Trung Quốc; chính quyền Trung Quốc không có bất cứ sự gắn bó nào về mặt hành chính đối với quần đảo này[5]. Sau vụ đắm tàu, báo chí Anh đã nhiều lần bày tỏ mong muốn của chính phủ Luân Đôn trong việc thiết đặt một ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ những lợi ích thuần tuý về mặt hằng hải cho quốc gia này. Trước tình hình như vậy, Toàn quyền Đông Dương đã đưa ra nhận định rằng, để có thể ngăn chặn nguy cơ một lực lượng khác có thể định cư ở Hoàng Sa (Anh, Đức và cả Trung Hoa) thì Bộ thuộc địa nên thiết lập một ngọn hải đăng vừa là để bảo vệ những quyền lợi vừa để biện minh cho chủ quyền của Pháp tại quần đảo này.

Như vậy, có thể thấy rằng, tại thời điểm mà tấm bản đồ này được công bố thì Trung Quốc đã khước từ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Và để chối bỏ trách nhiệm trước sức ép của chính quyền Anh, Trung Quốc đã quy kết trách nhiệm vấn đề an toàn hằng hải cho phía Việt Nam. Về phía chính quyền Pháp, nhận thấy được tầm quan trọng của Hoàng Sa cũng như nguy cơ về sự chen chân của các lực lượng bên ngoài, chính quyền thuộc địa cũng đã có những động thái nhất định nhằm khẳng định sự bảo hộ của mình ở quần đảo này. Việc thể hiện quần đảo Hoàng Sa trên địa phận Đà Nẵng được xem như là một động thái rất quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đặt dưới sự bảo hộ của Pháp[6].

[1] Học viện Chính trị Khu vực III, Đà Nẵng.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam Thực lục, tập 9, quyền 11, Nxb Giáo dục, Hà Nội, Nxb tr.429.

[3] “Ordonnance Royale relative à l’érection en concessions françaises des terrains de Hanoi, Haiphong et Tourane”, Moniteur du protectorat de l’Annam et du Tonkin, No.10, 10/1888, pp.604-605.

[4] Arrêté rendant exécutoire Ordonnance royale du 15 janvier 1901, étendant les limites du périmètre de la concession Francaise de Tourane, Bulletin officiel de l’Indochine Francaise, No.2, pp.280-281.

[5] Lacombe (1932), “L’histoire moderne des Iles Paracels”, L’Éveil économique de l’Indochine, No.738, pp.5-7.

[6] P. Pasquier (1932), L histoire moderne des Iles Paracels, L’Éveil économique de l’Indochine, No.741, pp.4-5.

Tin liên quan