Việt Nam có hơn 3.260km bờ biển, lại nằm trên con đường thương mại quốc tế, từ sớm đã đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa với các nước trên thế giới. Trên con đường giao thương buôn bán tập nập ngày xưa, đã có không ít con tàu vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương cùng với hàng hóa mà nó vận chuyển. Những con tàu đắm trong vùng biển Đông của Việt Nam đã bổ sung nhiều bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của Con đường Tơ lụa trên biển mà nhiều người cho rằng nó thực sự là “con đường gốm sứ” được hình thành từ thế kỷ IX qua hải phận nước ta, bao gồm cả vùng Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ xa xưa…
Từ năm 1990 đến nay, đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học và khảo sát tìm kiếm những dấu tích tàu cổ có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI trên vùng biển Việt Nam. Hiện vật trên mỗi con tàu cổ đều có những nét đặc trưng riêng, khẳng định các giá trị di sản và vai trò của nước ta trong con đường gốm sứ trên biển.
Để du khách được tiếp cận và tìm hiểu về đồ gốm sứ trên các con tàu đắm này, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm sưu tập “Đồ gốm sứ theo những con tàu khai quật ở biển Việt Nam” của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Với ông Lâm Dũ Xênh, cổ vật là di sản văn hoá chứ không phải là tài sản đơn thuần và cần phải giới thiệu rộng rãi đến với công chúng trong và ngoài nước.
Du khách thích thú trước những hiện vật được trưng bày trong triển lãm
Triển lãm giới thiệu đến công chúng khoảng 150 hiện vật thuộc các sưu tập gồm:
– Nhóm hiện vật từ tàu đắm cổ Bình Thuận với các loại như: chén, đĩa, lọ, hộp phấn… có men nâu hoặc men trắng hoa lam thuộc thời Minh (Trung Quốc), niên đại thế kỷ XV;
– Hiện vật từ tàu đắm cổ Cà Mau là khối đĩa kết dính có niên đại thế kỷ XVII –XVIII vào thời Ung Chính (nhà Thanh-Trung Quốc);
– Hiện vật từ tàu đắm cổ Phú Quốc là sưu tập đồ gốm men ngọc và men nâu Thái Lan có xuất xứ từ lò gốm cổ Sanwankhalok, đặc biệt loại hình gốm men nâu phủ trùm men không hết còn để lộ chân đế, có niên đại thế kỷ XV;
– Phần lớn các hiện vật còn lại là từ tàu đắm cổ Bình Châu, Quảng Ngãi có niên đại từ thế kỷ XIII với nhiều thể loại như bình có quai, ấm, tượng người, lư hương, chậu… cùng với các loại men bạch định, tam thái, xanh lục…Đáng chú ý là sưu tập hũ rượu là gốm Gò Sành (Bình Định-Việt Nam) niên đại thế kỷ XV, điều này cũng cho biết thêm về lịch sử thương mại của Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước đó.
Bộ sưu tập gốm sứ thời Minh (Trung Quốc) thế kỷ XIV-XV phát hiện tại vùng biển Bình Châu, Quảng Ngãi năm 2013
Gốm sứ thời Ung Chính (Nhà Thanh – Trung Quốc), thế kỷ XVIII phát hiện tại vùng biển Cà Mau năm 1998-1999
Cùng với đó, triển lãm còn trưng bày một số loại tiền cổ, chiêng, neo tàu, bàn mài đá… được tìm thấy trên các con tàu đắm cổ.
Triển lãm “Đồ gốm sứ theo những con tàu khai quật ở biển Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng là một cuộc du ngoạn về quá khứ để hình dung lại một thời vang bóng của “con đường tơ lụa trên biển”, mang đến cho công chúng sự cảm nhận vẻ đẹp của gốm sứ đồng thời giúp họ hiểu hơn về giá trị lịch văn hóa của các di sản văn hóa dưới nước để mọi người cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ Di sản văn hóa quốc gia.
* Thời gian và địa điểm:
– Thời gian: từ 05/10/2020 – 25/11/2020
– Địa điểm: Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng.
Trương Thế Liên
(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)