DUYÊN DÁNG TRANG SỨC NGƯỜI CƠ TU

Thứ Sáu, 11/9/2020

Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang trưng bày bộ sưu tập đồ trang sức của đồng bào Cơ Tu tại không gian trưng bày “Di sản văn hóa các dân tộc ở Đà Nẵng và Quảng Nam” tại tầng 3 của Bảo tàng. Những hiện vật trong bộ sưu tập này được cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng sưu tầm trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2002 tại các gia đình người Cơ Tu ở huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang và huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).

Đối với người Cơ Tu, trang sức vừa mang nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, phong tục tập quán, tôn giáo. Trong bất kỳ lễ hội lớn nhỏ nào của người Cơ Tu, thường thấy những người đàn ông, thanh niên, phụ nữ, trẻ em Cơ Tu với những chuỗi mã não trên cổ. Riêng phụ nữ Cơ Tu có rất nhiều loại trang sức được làm từ những chất liệu đơn giản như nhôm, đồng hoặc bạc hay mã não, cườm… Từ rất lâu rồi, đời này truyền qua đời khác, những trang sức đơn giản ấy được phụ nữ Cơ Tu mang vào lễ hội của bản làng, làm cho họ đẹp và duyên hơn trong những điệu múa của dân tộc mình.

Loại trang sức đeo cổ và đeo tay phổ biến nhất của người Cơ Tu chủ yếu được làm từ chất liệu mã não. Vì đá mã não đẹp, bền, nhiều màu sắc bắt mắt nên nó được người Cơ Tu lưu truyền qua hàng ngàn năm. Những hạt chuỗi mã não hình quả trám có màu huyết dụ là đồ trang sức được nam nữ Cơ Tu ưa dùng nhất. Mã não cũng là sính lễ không thể thiếu trong lễ cưới hỏi của người Cơ Tu. Ngoài vòng đeo cổ và tay bằng mã não, ngày nay người Cơ Tu cũng rất thích đeo các chuỗi cườm bằng nhựa trên cổ. Họ mua những hạt cườm nhựa nhiều màu sắc như xanh, trắng, đỏ, vàng… có sẵn trên thị trường để làm phong phú thêm cách phục sức. Trong các loại màu kể trên, người Cơ Tu thích nhất là đeo những chuỗi cườm nhựa màu trắng vì màu trắng gần gũi với hoa văn trên trang phục truyền thống của họ.

Bộ vòng đeo cổ và tay trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng được xâu bằng nhiều hạt cườm tròn trắng xen kẽ với các hạt mã não hình quả trám; lại có loại dây cổ xâu bằng cườm xanh có mặt là mã não. Mã não được họ xem như là vật thiêng giúp người tránh xa tà ma, bệnh tật, là cái để làm đẹp, tránh gió độc, bảo vệ sức khỏe. Theo lời kể của bà Pling Trưi (thôn Arêh ĐhRồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chủ nhân của các bộ vòng tay và cổ là khi đeo các loại này bao giờ người Cơ Tu cũng mặc thổ cẩm và thường đeo thêm kiềng bạc to, tròn.

Bên cạnh trang sức mã não, sưu tập còn giới thiệu vòng cổ, vòng tai và vòng tay bằng kim loại của người Cơ Tu. Đặc biệt là chiếc vòng tay có đường kính 9cm và chiều dài 12cm  được quấn thành một ống dài để đeo trên ống tay. Loại vòng này khác lạ so với những chiếc vòng thông thường. Nhìn bên ngoài nó giống như hình chóp cụt, làm bằng đồng được quấn vòng tròn kiểu lò xo, đeo trên ống tay. Đây cũng là loại trang sức cổ xưa nhất mà ngày nay đồng bào vẫn còn lưu giữ và sử dụng. Trong những năm gần đây các cụ bà Cơ Tu ở Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang trên cổ tay vẫn còn đeo chiếc vòng ống bằng đồng như vậy. Trang sức bằng vòng ống đồng là nét độc đáo trong lối phục sức của người Cơ Tu nói riêng  và các tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung, lối trang sức này là một nét riêng của tập quán, kiểu cách làm đẹp của đồng bào các dân tộc.

Thêm một nét lạ và đặc sắc trong trang sức của người Cơ Tu là chiếc răng nanh heo dùng cài búi tóc. Trước đây, họ dùng chiếc nanh heo để cắm trên búi tóc phía sau ót cùng với một vài thứ khác như lược đồng, que tre vót nhọn, lông nhím… Nanh heo có thể là heo rừng hoặc heo nhà nuôi. Thông thường mỗi lần săn được heo rừng, người Cơ Tu giữ lại bộ nanh để làm đồ trang sức. Heo càng già thì chiếc nanh càng dài và quý. Việc có được chiếc nanh heo rừng được coi như là kỳ tích săn bắn và cũng là vật chứng tỏ lòng dũng cảm, thiện chiến của người thợ săn.  Ngoài ra, theo phong tục người Cơ Tu, họ còn nuôi heo nhà để lấy nanh, người ta phải chọn giống heo đực còn nhỏ, đẹp và khỏe mạnh. Để cho những chiếc răng nanh hàm dưới phát triển tự do, người Cơ Tu phải nhổ bỏ đi những chiếc răng nanh tương ứng ở hàm trên. Tất cả những con heo này được chăm sóc đặc biệt. Chúng được ăn các loại chế biến từ ngô, sắn, chuối, cám và gạo. Sau từ 7-8 năm chăn nuôi, những nanh hàm dưới của heo nhà có thể dài tới 10-15 cm, lớp ngà mặt răng trắng bóng và mịn. Hai chiếc nanh heo trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng là nanh heo nhà xưa có đường kính từ 8cm – 10cm, được sưu tầm vào năm 1991 tại huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang và huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Đây là hiện vật quý, có ý nghĩa như một thứ bùa tín ngưỡng nhằm tránh khỏi ốm đau, bệnh tật đồng thời phản ánh tập quán phục sức lâu đời và độc đáo của dân tộc Cơ Tu.


Với Bảo tàng Đà Nẵng, bộ sưu tập trang sức của người Cơ Tu không chỉ là đồ vật trang sức của cộng đồng Cơ Tu mà còn là một tài sản văn hóa vật thể chung của dân tộc Cơ tu đang được  lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị tại Bảo tàng./.

                                                                                                          Trương Thế Liên

(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)

Tin liên quan