Theo đó, triển lãm giới thiệu hơn 200 đơn vị tài liệu là những văn bản, bản đồ, hình ảnh được chọn lọc trong kho tài liệu của các trung tâm lưu trữ quốc gia Việt Nam, sưu tầm từ Bảo tàng Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và từ một số tổ chức khác.
Tài liệu trưng bày tập trung nội dung về chặng đường lịch sử dài hơn 700 năm quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển của thành phố biển Đà Nẵng. Đặc biệt, trong đó có những tài liệu quý hiếm được công nhận là di sản tư liệu thế giới, như: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn.
Triển lãm được bố cục theo 3 chủ điểm chính gắn liền với từng mốc lịch sử quan trọng, như: Đà Nẵng – Vùng đất và con người, từ những năm 1306 khi tên gọi Đà Nẵng vẫn chưa xuất hiện đến thời điểm thành phố Đà Nẵng chính thức được thành lập; Đà Nẵng trong quá trình đấu tranh, bảo vệ nền độc lập của dân tộc (1858-1975); Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển (1975 đến nay).
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, triển lãm giúp người dân và du khách tiếp cận những tư liệu lịch sử chân thực, hiểu rõ thêm những dấu mốc lịch sử, những giá trị truyền thống tốt đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của Đà Nẵng, góp phần bồi đắp lòng tự hào của người dân, từ đó đóng góp công sức trí tuệ xây dựng Đà Nẵng cùng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ngay sau triển lãm, toàn bộ phiên bản các di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ này sẽ được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao tặng lại thành phố Đà Nẵng để bổ sung, làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử và xây dựng cơ sở dữ liệu của thành phố Đà Nẵng.
Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.