TRIỂN LÃM PHƯƠNG ÁN DỰ THI CUỘC THI TUYỂN PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM CƠ SỞ 2 (TẠI PHONG LỆ) – GIAI ĐOẠN 1

Từ ngày 10/4/2024 đến ngày 17/4/2024, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng thành phố Đà Nẵng – đơn vị tư vấn tổ chức “Thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) – Giai đoạn 1” tổ chức trưng bày 14 phương án dự thi của 13 đơn vị tham gia và tiến hành lấy phiếu nhận xét của khách tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) – giai đoạn 1 đã được chính thức phát động từ ngày 08/01/2024 và thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị. Cuộc thi nhằm lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tối ưu, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, bảo tồn toàn bộ di tích Chăm được khảo cổ phát lộ có sự bền vững lâu dài và thẩm mỹ. Đồng thời, bảo đảm công năng sử dụng phù hợp các yêu cầu kỹ thuật khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan hài hòa với không gian xung quanh, tạo điểm nhấn và mang nét đặc trưng riêng về kiến trúc văn hóa Chăm cho khu vực và thành phố Đà Nẵng; phục vụ nhu cầu người dân, du khách và làm cơ sở triển khai thiết kế đầu tư xây dựng dự án.

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ thuộc địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Trong năm 2011, 2012 và 2018, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc trường Đại học quốc gia Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ tại di chỉ này.

Kết quả khai quật Phong Lệ đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Chăm như tượng sư tử, rắn thần, bệ trụ có điêu khắc voi… giống như hàng chục đền tháp đã phát hiện trên dải đất miền Trung Việt Nam. Quần thể kiến trúc Phong Lệ có thể là một công trình quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Chăm hiện biết ở miền Trung Việt Nam. Dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng với loại trang trí dây lá đặc trưng và các trang trí kiến trúc bằng đá cát Chăm, gốm men thời Tống… đoàn khai quật đề xuất niên đại khởi dựng của Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỉ X và được người Chăm duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.

Với những giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ này, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công nhận Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích khảo cổ cấp thành phố tại Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27/11/2020. Đây cũng là di tích khảo cổ duy nhất được xếp hạng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Khánh Ly

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan