CHIẾN CÔNG MẸ NHU VÀ BẢY DŨNG SĨ THANH KHÊ – HỒI ỨC QUA NHỮNG KỶ VẬT

Cách đây 55 năm, một “ngọn lửa cách mạng” đã gây tiếng vang lớn, đi vào lịch sử và tâm thức của nhân dân Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đó là “Chiến công mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê”. Chiến công thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, sự hi sinh cao cả vì sự nghiệp cách mạng của quân dân quận Nhì nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung, góp phần tô đậm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng đất Đà Nẵng anh hùng. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, những người làm nên chiến công ấy phần nhiều cũng không còn nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu quên mình, về những người dũng sĩ đó vẫn không hề phai mờ và đọng lại trong tâm tưởng của nhiều người. Và càng trân quý hơn khi những hoài niệm đó đến nay vẫn còn hiện hữu thông qua những kỷ vật mà Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện gắn với thời kỳ đấu tranh cách mạng gian khổ, hào hùng của mẹ Nhu và các dũng sĩ Thanh Khê.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đà Nẵng là trọng điểm ở Trung Trung Bộ. Riêng tại Thanh Khê, trong đêm 31/01/1968, các chiến sĩ biệt động thành đã mở một cuộc tấn công truy kích địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn thành phố nói chung và nhân dân quận Thanh Khê nói riêng tuy không đạt yêu cầu đặt ra, nhưng bước đầu ta đã làm tiêu hao lực lượng địch. Sau cuộc tập kích chiến lược mùa xuân năm 1968, địch ráo riết lùng sục, đánh phá các cơ sở cách mạng ở nội thành. Hoạt động của ta gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xây dựng cơ sở trong quần chúng.

Trong bối cảnh đó, tháng 9/1968, chúng ta đã đưa một tổ lực lượng biệt động gồm 08 chiến sĩ vào hoạt động ở khối phố Thanh Khê (nay là phường Thanh Khê Đông), tại nhà mẹ Nhu (tên thật là Lê Thị Dảnh) và nhà mẹ Hiền (Lê Thị Hiền). Đó là những người mẹ đã nuôi giấu cán bộ, nhà của các mẹ làm nơi hội họp, chôn giấu vũ khí, thông tin liên lạc… Trú ẩn tại nhà mẹ Nhu có 04 người gồm: Lữ Hùng, Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Huề, Trần Đình Trung. Còn ở nhà mẹ Hiền có các anh Nguyễn Văn Chi, Ngô Văn Mười, Võ Văn Năm, Nguyễn Văn Phương. Nhiệm vụ của đội biệt động là tích cực hoạt động diệt ác, phá kìm, tiêu hao sinh lực của địch; đánh địch bằng mọi cách, tiến lên làm chủ từng khu vực, từng phường, gây thanh thế cách mạng trong quần chúng, chuẩn bị thời cơ nổi dậy. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, ta đã đánh địch 3 trận, tiêu diệt hơn 100 tên địch và chuyển một số vũ khí vào chôn dấu ở một số cơ sở. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì Lữ Hùng (lúc bấy giờ là quận đội phó quận Nhì) đã phản bội, chỉ điểm cơ sở hoạt động hòng lập công với địch. Sau khi biết tin, địch đã kéo quân bao vây đánh phá, khủng bố ác liệt. Chúng nắm rõ lực lượng của ta ở hai cơ sở nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền nên đã tổ chức tấn công vào hai địa điểm hòng bắt gọn lực lượng của ta. Nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, các chiến sĩ ta phản công quyết liệt, giành thắng lợi vẻ vang, làm nên sự kiện anh hùng “Chiến công mẹ Nhu và 07 dũng sĩ Thanh Khê” vào ngày 26/12/1968. Trận đánh của các dũng sĩ Thanh Khê là trận đánh địch giữa ban ngày. Chỉ với 7 chiến sĩ cùng với sự yểm trợ của nhân dân Thanh Khê đã tiêu diệt và làm bị thương gần 80 tên địch, tự mình phá vòng vây trở về căn cứ an toàn trước sự vây ráp của kẻ thù. Chiến công này gây được tiếng vang lớn, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hi sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng của quân và dân quận Nhì, trong đó sự hy sinh của mẹ Nhu và đồng chí Nguyễn Văn Huề đã gây niềm tiếc thương, cảm phục mạnh mẽ; góp phần tô đậm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân thành phố Đà Nẵng. Sự kiện ngày 26/12/1968 tại Thanh Khê là một nét son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Nẵng anh hùng, kiên cường.

Bước ra khỏi cuộc chiến, nhiều người vẫn giữ lại được những kỷ vật dù là không nhiều. Đó là vật chứng của một quãng đời gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi oanh liệt, tự hào. Những kỷ vật đó giờ đây là những “báu vật”, là hồi ức phần nào giúp chúng ta hình dung được cuộc sống và chiến đấu của các mẹ, các dũng sĩ năm xưa và đang được Bảo tàng Đà Nẵng trân trọng gìn giữ, trưng bày về sự kiện “Chiến công mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê”.

 

 

 

 

 

 

 

Những kỷ vật của mẹ Nhu và các dũng sĩ Thanh Khê là những hiện vật kháng chiến quý giá, chân thực, mang đậm tính lịch sử, tính nhân văn. Mỗi hiện vật là mỗi câu chuyện khác nhau của các chiến sĩ biệt động quận Nhì năm xưa, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của nhân dân Đà Nẵng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về niềm tự hào dân tộc, ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Trần Văn Chuẩn

(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng ủy – Ban Chỉ huy Quân sự Quận Thanh Khê (2010), Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân Quận Thanh Khê (1945 – 2005), Trung tâm In, Kĩ thuật và Dịch vụ Ảnh, Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng.

2. Tỉnh ủy Quảng Nam – Thành ủy Đà Nẵng (2006), Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam Đà Nẵng (1930 – 1975), NXB Chính trị quốc gia.

 

                                                                                                                                                                                     

Tin liên quan