Hơn 70 hiện vật quý là kỷ vật kháng chiến của các cán bộ lão thành cách mạng và cổ vật của các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài địa bàn TP đã được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận sáng 22/11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IX (23/11/2013).
Từ khẩu súng lục đến mái tóc dài…
Hưởng ứng thư kêu gọi của UBND TP Đà Nẵng, tại lễ tiếp nhận sáng 22/11, đã có 19 cá nhân, đơn vị chính thức hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng hơn 70 hiện vật quý, gồm 22 kỷ vật kháng chiến của các cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; 05 hiện vật chứng tích chiến tranh; 06 hiện vật văn hóa dân tộc; 23 cổ vật và 01 tranh ký họa của cố họa sĩ Đỗ Toàn để lưu giữ, bảo quản và góp phần quảng bá các gốc tích văn hóa – lịch sử của TP Đà Nẵng.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Trần Chí Cường tặng giấy khen cho nhà sưu tập cổ vật Lâm Zũ Xênh (phải) vì những cống hiến của ông cho Bảo tàng Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai cho hay, bảo tàng này hiện lưu giữ và phát huy có hiệu quả hơn 14.000 tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý hiếm tầm cỡ quốc gia. Đáng chú ý, trong hàng chục bộ sưu tập mà Bảo tàng Đà Nẵng đang sở hữu có nhiều sưu tập được nhiều cá nhân là người Đà Nẵng và các địa phương khác hiến tặng.
Những người tham dự lễ tiếp nhận sáng 22/11 thực sự cảm động khi được biết ông Chế Viết Tấn, vị Chủ tịch đầu tiên của TP Đà Nẵng năm 1945, sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, trước khi qua đời đã căn dặn vợ con trao lại kỷ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng. Và tại lễ tiếp nhận sáng 22/11, gia đình ông Chế Viết Tấn đã chính thức trao cho Bảo tàng Đà Nẵng kỷ vật là một khẩu súng lục hiệu Mauser- Werke mà ông Tấn được cấp năm 1953 và sử dụng suốt trong thời gian hoạt động cách mạng sau này.
Các vị lão thành cách mạng trao tặng kỷ vật qua hai cuộc kháng chiến cho Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai (trái) – Ảnh: HC |
Bên cạnh đó là chiếc bình bi-đông chiến lợi phẩm mà Dũng sĩ diệt Mỹ Trần Thị Bưởi thu của địch tại cao điểm 31, Cồn Tiên (Gio Linh, Quảng Trị) ngày 20/1/1968; phần tóc dài Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Thơ từng cắt ra từ mái tóc của mình để cải trang trốn thoát trước mũi súng quân địch sau khi ném lựu đạn giải vây cho cán bộ lãnh đạo cách mạng quận 3 (nay là quận Ngũ Hành Sơn) tháng 10/1972; chiếc khay làm từ mảnh xác máy bay “thần sấm” F105 của Mỹ bị bắn rơi tại Yên Bái năm 1966 khi ông Lê Sơn làm Giám đốc xưởng A39 – xưởng sửa chữa máy bay đầu tiên của Việt Nam đóng tại đây…
Bộ đồ đá thời tiền sử
Theo ông Hà Phước Mai, là một địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời, Đà Nẵng đã hình thành nên nhiều nhà sưu tập cổ vật tư nhân nặng lòng với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa địa phương, đã bỏ nhiều công sức, tiền của để sưu tầm cổ vật, giữ lại vốn quý cho TP này và mấy năm qua cũng đã có nhiều đóng góp cho các bộ sưu tập của Bảo tàng Đà Nẵng thêm phong phú.
Chiếc đỉnh đồng có niên đại từ thế kỷ 19 được Hòa thượng Thích Huệ Vinh hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Trong đó, Hòa thượng Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, ngoài nhiệm vụ Phật sự còn sưu tầm được nhiều bộ cổ vật đồ sộ để hướng tới hình thành một Bảo tàng Phật giáo ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tại lễ tiếp nhận sáng 22/11, Hòa thượng Thích Huệ Vinh đã chính thức trao cho Bảo tàng Đà Nẵng một chiếc đỉnh đồng có niên đại từ thế kỷ 19, cao 1m, nặng 100kg, khảm trai quanh thân và nắp; núm và quai đỉnh đắp nổi kỳ lân. Nhà sưu tập Nguyễn Đình Bằng hiến tặng một chiếc vò cổ thuộc văn hóa Chăm có niên đại khoảng thế kỷ 14 – 15…
Đặc biệt, nhà sưu tập nổi tiếng Lâm Zũ Xênh (hiện sở hữu gần 10.000 món cổ vật quý giá, trong đó có những báu vật độc nhất vô nhị) đã lặn lội từ Quảng Ngãi mang ra hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng 21 hiện vật, gồm 5 hiện vật thuộc nhóm chứng tích chiến tranh và 01 bộ sưu tập khảo cổ học. Bộ sưu tập rất có giá trị, thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, có niên đại cách đây khoảng 3.500 – 4.000 năm; gồm 6 chiếc cuốc, 10 chiếc rìu làm từ các chất liệu đá hết sức đa dạng, từ đá basalte, đến đá phtanite và cả đá silic, hầu hết còn nguyên hình dáng ban đầu, đã qua quá trình sử dụng, có tiêu bản được ghè lại phần lưỡi sau khi đã sử dụng một thời gian.…
Nhà sưu tập cổ vật Lâm Zũ Xênh giới thiệu về bộ sưu tập đồ đá thời tiền sử mà ông hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Ông Lâm Zũ Xênh tâm sự: “Bộ cuốc và rìu đá tiền sử này tôi sưu tập được ở vùng An Khê (Gia Lai) vào tháng 5/2008. Qua những hiện vật này, ta có thể tìm hiểu phương thức chế tác công cụ sản xuất và hé lộ phần nào cuộc sống của người tiền sử. Nhiều năm đi sưu tầm cổ vật tôi nhận ra rằng di sản văn hóa của cộng đồng dân cư vẫn lẩn khuất đâu đó, đang chờ được khám phá, khai quật. Những cổ vật ấy đều là của cộng đồng nên việc tôi hiến tặng cho bảo tàng là việc trả lại những gì thuộc về cộng đồng, để nhiều người dân được chiêm ngưỡng và tìm hiểu, cùng gìn giữ văn hóa lâu đời của dân tộc”.
“Về nguồn” cùng những họa sĩ bậc thầy
Cũng nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng 21/11, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với nhà sưu tập Nguyễn Ba Lân (một người con Đà Nẵng hiện công tác tại TP.HCM) khai mạc triển lãm chuyên đề “Về nguồn”, giới thiệu 45 tác phẩm của nhiều họa sĩ trên mọi miền đất nước, thể hiện sự độc đáo và nghệ thuật sắp xếp khá đa dạng, phong phú.
Nhà sưu tập tranh Nguyễn Bá Lân giới thiệu về cuộc triển lãm tranh “Về nguồn” (Ảnh: HC) |
Người xem còn được chiêm ngưỡng tranh của họa sĩ Vĩnh Phối được đào tạo tại Học viện La Mã, tranh của họa sĩ Cao Bá Minh có tranh treo thường trực tại Bảo tàng Chiacago (Mỹ), các phụ bản của họa sĩ “Hiệp sĩ cung đình” Tôn Thất Sa vẽ một văn bản cực kỳ quý hiếm về tiền vay của Chính phủ toàn quyền Đông Dương năm 1922 – EMPRUNT INDOCHINOIS – được thiết kế bởi họa sĩ tài danh Victor Tardieu, Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Những người trong giới mỹ thuật Đà Nẵng say mê thưởng thức tác phẩm “Kiều – Kim Trọng” của danh họa Trần Văn Thọ (Ảnh: HC) |
Và một trong những điểm nhấn đặc biệt tại cuộc triển lãm này là tác phẩm “Kiều – Kim Trọng” của Trần Văn Thọ (1917), người được bằng khen và huy chương đồng của Hội An Nam khuyến khích mỹ thuật và kỹ nghệ (Sadeai) năm 1936, 1937. Không chỉ chuyên về lụa mà Trần Văn Thọ còn tài hoa trong lĩnh vực sơn dầu (nổi tiếng với bức Thiếu nữ Mường tắm) và đạt được đỉnh cao với sơn mài qua “Kiều – Kim Trọng” được nhiều tạp chí phê bình mỹ thuật quốc tế ca ngợi.
“Ở đây ta còn gặp sự phá cách đầy bất ngờ, lối biểu đạt hình tượng sống động bởi nghệ thuật bậc thầy của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung trong tác phẩm “Kình ngư”; sự ngẫu hứng nghệ thuật mang đậm tính nhân văn trong tác phẩm tự họa của cố nhà thơ Thái Ngọc San… Có thể nói tuy số lượng khiêm tốn nhưng “Về nguồn” thực sự là một cuộc triển lãm đặc sắc, giúp chúng ta có sự nhìn nhận đúng đắn, tự hào về nền văn hóa nước nhà, vun đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc” – nhà sưu tập Thái Bá Lân nói.