HẢI VÂN QUAN MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN

Sáng ngày 01/8/2024, thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức mở cửa Di tích quốc gia Hải Vân Quan chào đón du khách đến tham quan sau hơn 2 năm trùng tu, tôn tạo.

Di tích quốc gia Hải Vân Quan chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 01/8/2024

Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 496m so với mặt nước biển. Hải Vân Quan nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc. Di tích Hải Vân Quan từng là đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí đắc địa, được mệnh danh là “Yết hầu” của Kinh đô Huế. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, hùng vĩ, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và thiên tai, tổng thể di tích Hải Vân Quan đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích đã được thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là nhiệm vụ cấp thiết. Năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng nhau phối hợp xây dựng chung bộ hồ sơ đề trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hải Vân Quan là Di tích cấp quốc gia. 

Ngày 14/4/2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích cấp quốc gia và là di tích được quản lý bởi 2 tỉnh, thành phố.

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã “bắt tay nhau” khởi công dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan với kinh phí hơn 42 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của cả 02 địa phương. 

Sau hơn 2 năm trải qua cuộc đại trùng tu, hiện nay Hải Vân Quan đã được trả lại vẻ bề thế uy nghiêm của hệ thống phòng thủ quan trọng phía Nam kinh thành Huế thời Nguyễn. Theo ghi nhận, các hạng mục như Hải Vân Quan, Thiên hạ đệ nhất hùng quan, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố, tường đá, lối đi trong thành… đều được hoàn tất cơ bản, đem đến một hình dung rõ ràng nhất về thành lũy phòng thủ thời Nguyễn trên đỉnh đèo Hải Vân.

Không chỉ trả lại danh xưng – Thiên hạ đệ nhất hùng quan, trả lại vóc dáng nguyên sơ cho công trình phòng thủ quan trọng thời Nguyễn này mà việc phối hợp thực hiện thành công dự án “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” là biểu tượng của tình đoàn kết, hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, là tiền đề để 2 bên tiếp tục phối hợp tốt trong công tác phát huy giá trị di tích trong tương lai.

Di tích Hải Vân Quan thu hút rất đông khách tham quan ngay sau khi mở cửa

Hiện tại, việc tham quan sẽ tạm thời miễn phí cho đến khi các đơn vị liên quan của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp. Trong thời gian này, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp thu ý kiến của cộng đồng để hoàn chỉnh phương án, hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ còn thiếu, đảm bảo an toàn và phục vụ tốt nhất cho du khách.

 Khánh Ly

(Phòng Giáo dục và Truyền thông)

Tin liên quan