THỰC TRẠNG NGHỀ LÀM NƯỚC MẮM NAM Ô GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Nam Ô – làng chài nằm nghiêng mình bên bờ biển phía Nam đèo Hải Vân được xem là một trong những làng chài cổ nhất xứ Đàng Trong, mảnh đất nhỏ bé nơi đây không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, các di tích văn hóa đan xen với nhiều câu chuyện kể, giai thoại.

Nơi đây nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống bao đời nay. Nước mắm Nam Ô vốn vang danh gần xa bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung, với bí quyết làm nước mắm 3 cá 1 muối riêng biệt. Một trong những nét đặc trưng của mắm Nam Ô là cách làm mắm hoàn toàn thủ công truyền thống, nước mắm làm ra được ủ ròng trong một năm để tinh chế ra loại mắm nhỉ ngon nhất có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẫm như màu cánh gián. Trong quá khứ, nước mắm Nam Ô đã từng là sản vật tiến Vua. Ngày nay, nghề làm nước mắm Nam Ô đang có những bước chuyển mình để phù hợp với bối cảnh của xã hội. Giá trị của nghề làm nước mắm mang lại không chỉ dừng lại ở khía cạnh đơn thuần của việc sản xuất các sản phẩm nước mắm truyền thống bằng phương pháp thủ công mà còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, cụ thể ở đây là du lịch cộng đồng.

1. Du lịch cộng đồng – nhu cầu và xu hướng phát triển tại Đà Nẵng

Du lịch là một hoạt động vốn đã có từ rất lâu đời nhưng thực sự được các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nhân học văn hoá quan tâm đến thì phải đến những năm 70 của thế kỷ XX. Theo tổ chức du lịch thế giới: “Du lịch là một hoạt động du hành đến một nơi khác với địa điểm thường trú thường xuyên của mình nhằm mục đích thỏa mãn những thú vui của họ, không vì mục đích làm ăn”.

Theo định nghĩa của Luật Du lịch, du lịch cộng đồng (DLCĐ) là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Nói cụ thể hơn, đây loại hình du lịch sẽ khuyến khích các cộng đồng cư dân tại nơi khách đến tham gia vào các hoạt động du lịch và tạo thêm thu nhập, giảm nhẹ một phần những khó khăn trong đời sống vật chất và tinh thần mà họ đang phải chịu đựng, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Theo Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội của Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, du lịch cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế – xã hội từ các hoạt động du lịch và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương

Trong nhiều năm trở lại đây, ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang có nhiều bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của thành phố thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận thì phát triển du lịch cộng đồng tại Đà Nẵng chưa tương xứng với tiềm năng và còn khá mới mẻ. Vì vậy, thành phố đang quan tâm thúc đẩy loại hình du lịch này để tạo sức hút mới cho du khách đến với thành phố và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Với những tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa, Nam Ô có tiềm năng rất lớn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đẩy mạnh khai thác tối đa lợi thế du lịch cộng đồng với 04 lợi thế chủ yếu về thiên nhiên cảnh quan, câu chuyện di tích, làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương. Khi đến với Nam Ô khách du lịch không chỉ tận hưởng nghỉ dưỡng hòa mình với cảnh quan ven biển mà còn hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương tìm hiểu văn hóa làng nghề, thưởng thức ẩm thực, khám phá trải nghiệm theo mô hình du lịch cộng đồng.

Khách du lịch tham quan làng cổ Nam Ô

Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện phát huy tiềm năng lợi thế du lịch cộng đồng tại nơi đây, cần xác định được thực trạng của nghề làm nước mắm Nam Ô mà rộng hơn là của cả làng cổ Nam Ô để sớm triển khai khắc phục, hạn chế tồn tại đồng thời có định hướng đúng đắn để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực.

2. Thực trạng nghề làm nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Từ sản xuất nước mắm đến phát triển du lịch là một câu chuyện dài đòi hỏi phải có sự vận động, thay đổi từ bên trong chủ thể – những hộ dân sản xuất nước mắm và sự phối hợp đồng bộ của các thành tố đi cùng (cảnh quan, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, môi trường…)

* Ngun nhân lc

Yếu tố con người – nhân lực trong tất cả các ngành nghề hay hoạt động sản xuất đều đóng vai trò hết sức quan trọng và đối với ngành du lịch cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt là với loại hình du lịch cộng đồng, yếu tố con người có thể được xem là yếu tố tiên quyết.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại khu vực này chủ yếu là người dân địa phương, ngư dân với trình độ thấp, trình độ học vấn của người lao động đa số từ tiểu học đến trung học phổ thông, chưa được đào tạo qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch hay phát triển kinh tế từ hoạt động du lịch.

Hiện nay tại khu vực làng Nam Ô có trên dưới 1,254 hộ dân, đa số mọi người là bà con họ hàng quen biết nhau, nhà ở cư dân là những căn nhà nhỏ được xây dựng từ lâu với những con hẻm nhỏ ngoằn nghèo chỉ vừa đủ hai xe máy tránh nhau khi đi ngược chiều. Nhà dân Nam Ô thường sống chung 3 thế hệ, nhà nhỏ, hẻm nhỏ chỉ đủ đáp ứng như cầu ăn ở, đi lại cho người dân trong làng.
Với nghề lao động thủ công như nghề sản xuất nước mắm tại làng nghề và hình thức “cha truyền con nối” nên tại các cơ sở sản xuất, người đứng đầu cũng là chủ hộ và sử dụng người nhà là lao động chính. Lao động thường xuyên chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên chiếm 50% số lượng lao động, còn lại là con cháu trong gia đình tham gia hỗ trợ trong các đợt cao điểm như Tết Nguyên Đán… Vào thời điểm vào mùa vụ muối cá hoặc thu hoạch đòi hỏi nhiều lao động, các cơ sở sản xuất có thể thuê thêm người dân địa phương làm việc thời vụ.

Các hộ dân trước đây chủ yếu đi biển và làm nước mắm truyền thống tuy nhiên đến nay chỉ còn lại những người trên 40 tuổi theo nghề biển, nghề nước mắm, các lớp trẻ về sau đang dần bỏ nghề liên quan đến biển để theo xu hướng xã hội hiện đại mới. Trước kia, làng còn có nghề làm pháo, tuy nguy hiểm nhưng mang lại nhiều lợi nhuận nên đa số người dân Nam Ô bỏ nghề nước mắm đi làm pháo. Đến cuối năm 1994, nhà nước cấm pháo thì người dân quay lại với nghề nước mắm tuy nhiên đến nay số lượng cơ sở nước mắm giảm dần chỉ còn khoảng trên dưới 20 cơ sở sản xuất. Các nguyên liệu chế biến: cá cơm than, chum muối cá bằng gỗ mít, chum nẹp gỗ, chum đất cũng khan hiếm dần, chỉ còn lại công thức sản xuất truyền thống. Người Nam Ô sống và tâm huyết với nghề mắm không thể cạnh tranh lại với các loại nước mắm công nghiệp đang sản xuất bán đại trà trên khắp các chuỗi siêu thị trên toàn quốc.

Xét về yếu tố tâm lý của đại đa số các cơ sở và người lao động, họ đều sẵn sàng tham gia các hoạt động để phát triển du lịch tại làng nghề thể hiện thông qua việc: dọn dẹp môi trường, trang trí cảnh quan, thành lập đội văn nghệ, tập huấn kỹ năng đón tiếp khách du lịch….Người lao động mong muốn bảo tồn nghề làm nước mắm tại Nam Ô và họ tiếp tục tham gia làm việc tại địa phương, theo họ thông qua việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp họ vừa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cha ông vừa nâng cao thu nhập cũng như giải quyết vấn đề lao động tại địa phương

Tuy nhiên để lồng ghép việc phát triển du lịch cộng đồng với việc sản xuất nước mắm tại làng nghề, người dân mong muốn chính quyền quan tâm đến nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ,…

* Không gian tng thlàng ngh

Để nghề làm nước mắm Nam Ô gắn phát triển du lịch cộng đồng thì bắt buộc phải được đặt trong không gian tổng thể của làng cổ Nam Ô, khi đó nghề làm nước mắm Nam Ô là một thành tố – nghề truyền thống, trở thành một nguồn tài nguyên cùng với các nguồn tài nguyên khác (cảnh quản thiên nhiên, văn hóa, dịch vụ…) góp phần vào mục đích xây dựng Nam Ô thành một địa điểm du lịch cộng đồng.

Khách du lịch tham quan, tìm hiểu cơ sở sản xuất nước mắm “Hương làng cổ”

Nhìn tổng thể, làng Nam Ô có nét đẹp của một khu vực làng chài truyền thống với nhiều nghề đặc trưng: nghề đánh bắt hải sản bằng thuyền thúng và ngư lưới cụ truyền thống, nghề chế biến hải sản trong đó nổi bật là nghề làm nước mắm…Các hoạt động trải nghiệm sản xuất làm ra sản phẩm từ các nghề nêu trên hứa hẹn sẽ mang lại cảm giác thú vị, trải nghiệm khó quên trong lòng du khách.
Về cảnh quan thiên nhiên, Nam Ô có nhiều lợi thế khi phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng tại đây khi có vị trí nằm ở ven biển thuộc khu vực phía Tây Bắc vịnh Đà Nẵng, nằm gần chân đèo Hải Vân với nhánh sông Cu Đê đổ ra biển. Khu vực được thiên nhiên ưu đãi bao bọc bởi núi, sông, biển, cây cối xanh tươi, khí hậu mát mẻ, nước biển xanh trong cùng sóng nhẹ nhàng và đặc biệt là khu vực ghềnh đá và bãi rêu với nhiều cảnh quan đẹp khác.

Với ngành nghề đi biển đánh bắt, người dân Nam Ô đã dần quen với con sóng, ngọn gió, bám biển mưu sinh, biển đem lại cho con người nhiều nguồn lợi, song nó cũng đi kèm với nhiều rủi ro, bất trắc không ai có thể lường trước được. Với ngư dân, mỗi lần ra khơi như đặt cược tính mạng của mình. Chính vì phải luôn đối mặt thường trực với hiểm nguy nên những ngư dân luôn có một niềm tin “tâm linh” để bám víu, nương tựa trong lúc lênh đênh ngoài biển khơi vì lẽ đó, văn hóa và những tín ngưỡng của người dân nơi đây mang đậm nét hơi thở của biển cả, thể hiện thông qua các lễ hội và di tích như Lăng Ông, dinh âm linh, lễ hội Cầu ngư. Ngoài ra Nam Ô còn có một bề dày về văn hóa thể hiện qua hệ thống các di tích phong phú và đan xen ở đây như miếu Bà Liễu Hạnh, mộ Tiền Hiền, giếng vuông, đình làng Xuân Dương, nghĩa trủng Nam Ô…đây đều là các tài nguyên du lịch quý báu để giúp thu hút du khách đến với khu vực.

Văn hóa ẩm thực tại Nam Ô cũng mang đậm nét đặc trưng của văn hóa biển, người dân Nam Ô biết chế biến nhiều món ăn dân dã nhưng cũng đã trở thành đặc sản như gỏi cá Nam Ô, rong biển Nam Ô, bún chả cá, cháo chờ (bánh canh nấu bằng cá), bún mắm …khiến du khách không thể nào quên được hương vị khi thưởng thức.

Tuy nhiên, khu vực làng chài Nam Ô hiện nay vẫn còn tình trạng nhếch nhác. Việc dự án Khu du lịch Nam Ô còn đang thực hiện thủ tục, chưa được triển khai dẫn đến tình trạng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, rác thải vứt bừa bãi và xà bần chưa được chuyển đi. Bên cạnh đó trong quá trình sản xuất nước mắm tại các hộ gia đình cũng như các cơ sở sản xuất vừa thải ra xác mắm và nước thải từ hoạt động vệ sinh các thùng chứa, chai lọ. Trong đó, tỉ lệ xác mắm còn lại khoảng 30% lượng cá sử dụng làm mắm nên hàng năm toàn bộ làng nghề có thể thải ra khoảng 60.000kg xác mắm. Trong đó, một phần xác mắm được các hộ chăn nuôi ở các địa phương khác đến thu gom, còn lại người dân xả thải ra môi trường. Đối với nước thải, các hộ gia đình thu và xả theo đướng cống nước thải sinh hoạt chung. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất nước mắm gây ra mùi hôi, đây là các vấn đề cấp thiết về môi trường cần được lưu tâm nếu muốn thu hút và giữ chân khách du lịch khi đến với làng nghề.

* Cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối

Làng Nam Ô thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cách trung tâm thành phố khoảng 13 km về phía Tây Bắc và được kết nối với trung tâm thành phố chủ yếu bằng tuyến giao thông đường bộ Nguyễn Tất Thành, tuyến đường quốc lộ 1A đã được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ nên tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, tiếp cận khu vực.

Làng Nam Ô nhìn từ trên cao. Ảnh: KIM LIÊN

Hiện nay tại khu vực Nam Ô có khoảng 1,254 hộ dân sống trong những căn nhà nhỏ, thấp tầng. Hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ trong khu vực chủ yếu là những con hẻm nhỏ, ngoằn nghèo, rộng từ 0,5 – 1 m kết nối ra những hẻm lớn hơn, rộng từ 1 – 1,5 m bao bọc quanh khu vực để đi ra đường chính Nguyễn Tất Thành và quốc lộ 1A. Đây là lợi thế khi phát triển du lịch cộng đồng cho mô hình xe đạp, không ảnh hưởng tiếng ồn và tạo nên làng chài bình yên, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa địa phương tuy nhiên cũng phần nào hạn chế việc đi lại cũng như vận chuyển.
Trước kia các hộ dân chưa được gắn số nhà, gây khó khăn trong việc kết nối và tìm địa chỉ. Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai gắn số nhà, việc gắn số nhà đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ và thống nhất để thuận tiện cho đời sống người dân và việc tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng về sau.

Hệ thống cấp điện, cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư và đưa đến từng hộ dân trong khu vực. Hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đã thành phố đầu tư và rác thải sinh hoạt tại khu vực đã được thu gom hàng ngày.

Các nhà ở vẫn còn tình trạng xây dựng tạm bợ, không tuân theo kiến trúc nhất định, nhà ở thấp tầng, chắp vá, không có kiến trúc đặc biệt. Các công trình được xây dựng sát nhau, không có đất trống nên khó có không gian tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng trong khu dân cư (các hoạt động này chủ yếu diễn ra ngoài bãi biển và tại các di tích)

Riêng hệ thống cây xanh công cộng trong làng còn thiếu do quỹ đất công cộng còn khá hạn hẹp, các tuyến giao thông chủ yếu là hẻm nhỏ nên không có vỉa hè để trồng cây xanh bóng mát. Cây xanh trong khu vực chủ yếu tập trung tại khu vực ghềnh Nam Ô.

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng còn thiếu do khu vực chưa phát triển mạnh các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch.

* Về sản phẩm, dịch vụ du lịch

Trong các nguồn tài nguyên du lịch có tiềm năng đưa vào khai thác khi thực hiện du lịch cộng đồng tại Nam Ô thì du lịch làng nghề đóng yếu tố trọng tâm. Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan, trải nghiệm, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng. Cụ thể khi nghề làm nước mắm Nam Ô được đưa vào để phục vụ du lịch cộng đồng, các hình thức sản phẩm và dịch vụ có thể hình thành như tham quan và trải nghiệm các công đoạn của nghề làm mắm, trải nghiệm ẩm thực và đời sống người dân Nam Ô, mua sắm các sản phầm mắm thành phẩm hoặc sản phẩm từ biển (hải sản, vỏ ốc…). Bên cạnh đó các dịch vụ có thể kể đến như đạp xe đạp, cắm trại trên bãi biển, chèo thuyền thúng, kéo lưới, câu mực…

Hiện nay, đã có một số mô hình du lịch trải nghiệm sản xuất nước mắm cho du khách như tại Công ty TNHH mắm Hồng Hương (K884/74/04 Nguyễn Lương Bằng). Tuy nhiên hoạt động du lịch hiện nay tại khu vực chủ yếu là hoạt động du lịch tự phát (chụp ảnh, ăn uống tại khu vực bãi đá rêu và tham quan xung quanh ghềnh). Các dịch vụ phục vụ khách tại đây cũng mang yếu tố tự phát: dựng lều bạt, bán quán ăn nhỏ (khoảng 15 hộ) và dịch vụ trông giữ xe gắn máy (khoảng 05 hộ) dẫn đến việc xả rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm, tranh chấp tranh giành khách gây mất an toàn trật tự, du khách ở lại qua đêm gây mất an ninh và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Bên cạnh đó, khu vực này chưa có lực lượng cứu hộ nên không đảm bảo an toàn cho du khách khi tự ý tắm biển tại đây. Về vấn đề này, UBND quận Liên Chiểu đã nhiều lần ra quân yêu cầu tháo dỡ các lều quán tự phát, cắm bảng khuyến cáo, nội quy nhưng đến nay tình trạng này vẫn có dấu hiệu tiếp diễn.

Các hoạt động lễ hội văn hóa tại các khu vực di tích như lăng Ngư Ông, miếu Âm hồn, miếu Bà Liễu Hạnh, mộ Tiền Hiền, đình Xuân Dương chưa được nhiều người biết đến, đa phần chỉ có người dân Nam Ô đến thắp hương và tổ chức các lễ hội truyền thống định kỳ của dân làng.

* Về thị trường và nhu cầu khách

Hiện nay, khách tham quan tại khu vực đa số là khách địa phương và các sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố như trường đại học Sư phạm, trường đại học Bách khoa, trường đại học Duy Tân, trường cao đẳng Giao thông Vận tải, Trường Cao Đẳng Lương thực – Thực phẩm, trường đại học FPT Đà Nẵng đến tham quan, tắm biển, chụp ảnh tại rạn Nam Ô. Số lượng khách quốc tế đến Nam Ô trải nghiệm còn tương đối hạn chế và lẻ tẻ. Gần đây khi Công ty CP Trung Thủy (Chủ đầu tư dự án KDL Nam Ô) mở đường dân sinh rộng 4 mét vào khu vực ghềnh lượng khách đã tập trung đông hơn, ước tính ngày cao điểm có ngày đạt khoảng 1,000 khách đến tham quan.

* Về quản lý Nhà nước

Theo chủ trương phân cấp quản lý tại Công văn số 10635/UBND-SDL ngày 30/12/2016 của UBND thành phố, việc quản lý các hoạt động du lịch tự phát tại khu vực này được giao cho UBND quận Liên Chiểu chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, do lực lượng quản lý còn mỏng nên tình trạng này vẫn có dấu hiệu tiếp diễn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý địa phương chưa có cơ chế quản lý, quy định hoạt động tham quan của du khách nên hoạt động du lịch tại khu vực còn khá nhiều vấn đề bất cập (an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn tham quan, an toàn thực phẩm…).

Ngày 2-3-2020, UBND thành phố có Quyết định số 720/QĐ-UBND ban hành đề án Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô với kinh phí thực hiện đề án là 46,1 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách của thành phố là 10,7 tỷ đồng, còn lại là vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng) hỗ trợ.

Tiếp theo đó, ngày 31-3-2020, UBND thành phố có Quyết định số 1142/QĐ-UBND ban hành đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô với phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng.

UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 3472/KH-UBND ngày 29-5-2020 về triển khai đề án Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô nhằm đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện đề án, tạo sản phẩm du lịch tại khu vực Nam Ô theo nội dung đề án đã phê duyệt.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, nhà đầu tư, UBND quận Liên Chiểu tổ chức thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hình thành các gói sản phẩm du lịch; nghiên cứu thực hiện các giải pháp quản lý phù hợp với nội dung đề án, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tập quán văn hóa, sinh hoạt, đời sống vật chất tinh thần… của người dân địa phương; huy động, vận dụng tối đa các nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả đề án…

3. Đánh giá chung những thuận lợi và khó khăn

* Thun li

Nhìn chung chính quyền thành phố rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triền làng nghề Nam Ô, trong đó chú trọng đến việc phát triển du lịch tại làng nghề. Thành phố đã điều chỉnh quy hoạch của Khu du lịch sinh thái Nam Ô, trong đó thu hồi một số diện tích đất nằm trong dự án so với phê duyệt ban đầu gồm: vệt đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành (nối dài), toàn bộ ghềnh đá Nam Ô, bãi cát để phục vụ công cộng, mở rộng đường dân sinh từ 4 m lên 5,5 m. Đồng thời, giữ nguyên các khu di tích tâm linh ở khu vực dự án, giữ nguyên hồ chứa nước sinh thái bên trong.

Nam Ô hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi hứa hẹn trở thành một địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, từ yếu tố văn hóa làng nghề đến cảnh quan thiên nhiên. Trên địa bàn quận Liên Chiểu có nhiều di tích và hoạt động lễ hội diễn ra rất phong phú, phía Bắc làng Nam Ô có làng Vân và Hải Vân quan với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vì vậy có thể lồng ghép các địa điểm cảnh quan, lễ hội, di tích này vào một số tour du lịch tại quận để thu hút khách thập phương tới dự.

Với xu hướng phát triển nhanh chóng của truyền thông và mạng xã hội hiện nay, Gềnh đá Nam Ô và bãi tắm Nam Ô là những địa điểm ngày càng trở nên phổ biến và thu hút du khách và được các trang du lịch uy tín như VNtrip, Tago, Dulich24, Foody… đưa vào danh mục Cẩm nang du lịch tại Đà Nẵng.

Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng đến Nam Ô và trong làng Nam Ô ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Nam Ô vốn nằm bên đường quốc lộ nên các dịch vụ ăn uống, mua sắm xung quanh làng nghề khá đầy đủ, thuận lợi.

* Khó khăn

Việc chuyển đổi từ các hoạt động quen thuộc như đi biển, sản xuất nước mắm, chế biến hải sản…sang hoạt động du lịch cộng đồng còn khá xa lạ với người dân địa phương dẫn đến người dân chưa “quen” và chưa có kỹ năng về tiếp đón, phục vụ khách du lịch.

Công tác tổ chức hoạt động du lịch còn diễn ra lẻ tẻ, tự phát và chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối, chung tay của cả cộng đồng. Hoạt động truyền thông quảng bá chưa hiệu quả và hướng đúng đối tượng, đặc biệt là đối tượng khách ngoại quốc. Làng nghề cũng như các di tích, điểm du lịch chưa trở thành điểm du lịch trong bản đồ du lịch của thành phố nên rất ít du khách biết đến.

Cở sở hạ tầng, đường giao thông trong làng nghề và giao thông đến các điểm du lịch như gềnh Nam Ô hay các di tích ở một số địa điểm còn khá hẹp và khó khăn. Khuôn viên một số hộ sản xuất nước mắm còn khá chật, hẹp. Một số hộ sản xuất nước nắm chưa coi trọng việc vệ sinh và trang trí cảnh quan.

Kết luận

Việc nhận diện và đánh giá được thực trạng phát triển của làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô trong những năm qua, từ đó, phân tích được thuận lợi, khó khăn khi triển khai các hoạt động phục vụ du lịch tại đây là việc làm cần thiết nhắm có định hướng đúng đắn để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực. Để làm được việc này, cần có sự tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý của chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của người dân và sự hỗ trợ của doanh nghiệp đồng thời các cấp quản lý nhà nước cần định hướng để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực.

Huỳnh Đình Quốc Thiện

Tin liên quan