LỄ ĂN THỀ KẾT NGHĨA CỦA NGƯỜI C’TU

Cộng đồng người C’tu Đà Nẵng còn lưu giữ một tập tục độc đáo đó là “Lễ ăn thề kết nghĩa”. Đây là nghi lễ truyền thống giữa hai làng hoặc nhiều làng để củng cố, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các làng và giữa những người C’tu anh em, được tổ chức hàng năm vào mùa Xuân – tháng Hai âm lịch.

Tập tục này có từ xa xưa. Tương truyền trước đây, do niềm tin tâm linh thần bí, họ có tục săn đầu người làng khác về cúng tế thần linh sau mỗi vụ mùa. Làng có người bị săn phải săn lại đầu người của làng đối thủ theo số lượng tương xứng. Bị mất một, phải lấy lại một. Từ niềm tin tâm linh, tập tục này gây ra những hận thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác giữa các ngôi làng và số người bị giết cứ tăng lên. Tục này được bộ đội Việt Minh vận động bà con bỏ và hoàn toàn chấm dứt vào khoảng nửa thế kỷ trước. Lễ ăn thề kết nghĩa được người C’tu tổ chức để hóa giải mối thù oán chất chồng này, từ đây mở ra mối quan hệ đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, cùng nhau chống chọi với sự khắc nghiệt của tự nhiên, thanh niên nam nữ giữa các làng có điều kiện tìm hiểu để đến với nhau mà không đòi hỏi nhiều về vật sính lễ…

Lễ ăn thề kết nghĩa của Cộng đồng người C’tu ở xã Hòa Bắc,huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Để tổ chức nghi lễ, các làng mời nhau. Làng đăng cai đứng ra chuẩn bị lễ vật, heo và rượu để cùng uống thề. Trước đây, người C’tu có cắt máu hòa vào rượu uống để thề kết nghĩa anh em, đoàn kết đời đời, nhưng nay, việc cắt máu đã được loại bỏ. Làng khách khi đến dự cũng mang heo để làm lễ và sau đó là để liên hoan. Theo nghi thức kết nghĩa, trước hết phải cúng Giàng, thần linh và tổ tiên ông bà. Thanh niên nam nữ thi múa tung tung – dza dzá giữa tiếng cồng chiêng rộn ràng, các cụ già chếnh choáng trong men rượu cần và hát lí, nói lí với nhau trong câu chuyện nghĩa tình giữa những người C’tu anh em. Sau lễ kết nghĩa, hai làng đặt một tượng gỗ bán thân cao tầm mét rưỡi, gọi là Bhanooc ngay biên giới hai làng và úp một cái chiêng có núm bên cạnh, làm dấu hiệu để người dân biết là hai làng đã làm lễ kết nghĩa, từ bây giờ đã là anh em nên phải đoàn kết gắn bó, không đụng chạm nhau và quan trọng hơn hết là không săn đầu nhau nữa. Ngày nay, nghi lễ này vẫn còn duy trì.

Trần Thị Phương

(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

Tin liên quan