Ngày 23/11/2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng – Ông Nguyễn Trọng Thao trao Bằng xếp hạng
Di tích lịch sử cấp thành phố cho Ban lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ năm 1915, mở cửa cho khách tham quan từ năm 1919. Bảo tàng Điêu khắc Chăm tự hào là nơi lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm.
Tòa nhà Bảo tàng đồng thời là một công trình độc đáo, có bề dày tuổi đời trong lịch sử phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng, vừa mang các đặc trưng phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, vừa kết hợp một cách hài hòa, tinh tế các đường nét kiến trúc đặc trưng của các đền tháp Chăm trên dải đất miền trung Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng – Ông Nguyễn Trọng Thao phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu lại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc xếp hạng di tích đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm là cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn để các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tích cực đóng góp vào các chương trình quảng bá văn hóa và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố”.
Sau Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, vào ngày 24/11/2023, Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong cũng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố đối với Mộ Thống chế Lê Văn Hoan theo Quyết định số 5450/QĐ-UBND ngày 29/11/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố
đối với Mộ Thống chế Lê Văn Hoan
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trao Bằng xếp hạng Mộ Thống chế Lê Văn Hoan cho lãnh đạo xã Hòa Phong, đại diện tộc Lê và thôn Cẩm Toại Tây
Lê Văn Hoan là một trong những vị tướng tài dưới triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Ông đã có những đóng góp to lớn từ cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh dưới triều Tây Sơn cho đến những năm tháng cống hiến vì nước vì dân, bảo vệ vùng biên giới Kỳ Sơn, Trấn Ninh dưới triều Nguyễn. Cái chết của ông đã để lại sự tiếc nuối đối với vua Minh Mạng và người dân quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ. Để tri ân và tưởng nhớ công ơn của ông, ngôi mộ được xây dựng tại chính nơi ông sinh ra là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.
Di tích lịch sử cấp thành phố – Mộ Thống chế Lê Văn Hoan
Trải qua gần 200 năm lịch sử, Mộ Thống chế Lê Văn Hoan không chỉ trở thành biểu tượng của xã Hòa Phong ở truyền thống yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc; mà còn là nơi ghi dấu, tôn thờ người con ưu tú của quê hương Hòa Vang – Thống chế Lê Văn Hoan. Cuộc đời và sự nghiệp làm quan của ông đã để lại tấm gương sáng về chí khí, tài năng của người dân xứ Quảng, được quần chúng nhân dân thành kính tri ân, đồng thời là niềm tự hào của người dân Hòa Vang nói riêng và Đà Nẵng nói chung.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện đã giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích cho chính quyền và nhân dân xã Hòa Phong theo đúng tinh thần của các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa. Cùng với đó, đề nghị Hội đồng các chư phái tộc thôn Cẩm Toại Tây cũng như chính quyền xã Hòa Phong cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với di tích đến thế hệ trẻ của huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.
Trần Khánh Ly
(Phòng Giáo dục và Truyền thông)