Ngày 21/11/2023, UBND xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố đối với 02 di tích: Đình làng Hương Lam theo Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 và Văn chỉ La Châu theo Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 05/7/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Đến dự Lễ đón nhận Bằng xếp hạng có ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang, lãnh đạo xã Hòa Khương cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn xã.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trao Bằng xếp hạng Đình làng Hương Lam
và Văn chỉ La Châu cho lãnh đạo xã Hòa Khương
Trải qua gần 175 năm xây dựng, Văn chỉ La Châu không chỉ trở thành biểu tượng của làng La Châu ở khía cạnh hiếu học, coi trọng sự học, phản ánh thực tiễn văn tài của địa phương, mà còn là nơi ghi dấu, tôn thờ một con người – một nhân vật lịch sử của đất nước vào giữa thế kỷ 19. Đó chính là người con ưu tú của quê hương Hòa Vang – Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh. Ông là tiến sĩ đầu tiên và cũng là duy nhất của huyện Hòa Vang thời phong kiến; đồng thời là vị tiến sĩ thứ tư trong danh sách 14 trí thức nho học đất Quảng dưới triều Nguyễn ở độ tuổi 30. Sau này ra làm quan, Đỗ Thúc Tịnh đã tích cực vận động, chủ trương xây dựng các văn chỉ/văn thánh/văn miếu nhằm khuếch trương đạo học. Chính ông là người đã khởi xướng và tích cực vận động thân hào, nhân sĩ tại địa phương xây dựng Văn chỉ La Châu vào năm 1850 lúc xin từ quan về thọ tang mẹ ở quê nhà và là tác giả bài văn bia cho Văn chỉ La Châu. Với những ý nghĩa quan trọng đó, di tích Văn chỉ La Châu là biểu hiện sinh động đạo lý ghi ân những người có công với đất nước, với quốc gia, dân tộc. Nơi đây trở thành địa chỉ tiêu biểu truyền dạy những bài học lịch sử, truyền thống yêu nước của con người Việt Nam cho các thế hệ mai sau.
Đại biểu dâng hương tại Di tích lịch sử cấp thành phố – Văn chỉ La Châu
Đối với Đình làng Hương Lam, trải qua hàng trăm năm lịch sử, nơi đây không chỉ trở thành một thiết chế tín ngưỡng gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân cư, của làng, mà còn là nơi thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn, khai canh, lập nên làng Hương Lam; đồng thời là một trung tâm tín ngưỡng, văn hoá của cộng đồng dân làng địa phương. Đặc biệt, đình làng Hương Lam còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, nhất là những biến động chính trị, xã hội trong thế kỷ XX.
Việc được công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố là dấu mốc quan trọng khắc ghi vào lịch sử Đình làng Hương Lam, Văn chỉ La Châu và trong tâm thức của những người con của xã Hòa Khương. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh hạnh lớn lao cho cán bộ và nhân dân địa phương mà còn gắn liền với trách nhiệm phải giữ gìn di sản, giữ gìn những truyền thống quý báu của cha ông để lại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang – ông Nguyễn Thúc Dũng phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Thúc Dũng đã giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích cho chính quyền và nhân dân xã Hòa Khương theo đúng tinh thần của các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, mong muốn chính quyền và nhân dân phải trân trọng, gìn giữ Đình làng Hương Lam và Văn chỉ La Châu, xem đây là hình bóng, nguồn cội của quê hương – nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên, được giáo dục, hình thành nhân cách và là nơi chúng ta tìm về…Cùng với đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống gắn liền với di tích đến thế hệ trẻ của huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo xã Hòa Khương cũng đã công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý các di tích lịch sử trên địa bàn xã Hòa Khương.
Trần Khánh Ly
(Phòng Giáo dục và Truyền thông)