ỨNG DỤNG MÃ QR TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HIỆN VẬT TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Đà Nẵng. Ngày 17/6/2021, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số, xã hội số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực văn hóa cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó.

Tận dụng thế mạnh của công nghệ số cũng như xu hướng xây dựng bảo tàng mở hiện nay, đồng thời nhận thấy nhu cầu tiếp cận thông tin trên môi trường Internet rất cao – đặc biệt là trong giới trẻ, những năm gần đây, Bảo tàng Đà Nẵng đã đầu tư, ứng dụng công nghệ cả trong hoạt động chuyên môn lẫn hoạt động trải nghiệm và các tiện ích mới phục vụ cho công chúng; trong đó, công tác số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện vật và quản lý thông tin hiện vật bằng mã QR (Quick Response Code) được Bảo tàng Đà Nẵng chú trọng triển khai.

Số hóa hiện vật bảo tàng nhằm hiện đại hóa hoạt động của bảo tàng, giúp quản lý hiện vật thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn cũng như hỗ trợ cho công tác truyền thông, quảng bá và tăng tương tác với người xem; đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tối đa giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của công nghệ số.

Năm 2023, Bảo tàng Đà Nẵng đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quy trình hoạt động chuyên môn nghiệp vụ bằng việc xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hiện vật và quản lý hiện vật trong kho cơ sở bằng mã QR. Mỗi hiện vật khi được thêm mới thành công vào Phân hệ Quản lý thông tin hiện vật Bảo tàng Đà Nẵng thuộc Phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành Văn hóa và Thể thao của thành phố Đà Nẵng thì toàn bộ dữ liệu của hiện vật như: Vị trí lưu trữ, hoạt động bảo quản, trưng bày, tài liệu tham khảo… đều được quản lý, lưu trữ trong phần mềm. Đến nay, Bảo tàng đã thực hiện gắn mã QR cho 500 hiện vật thuộc các chất liệu đồ giấy, đồ dệt và đồ mộc đang lưu giữ trong kho cơ sở.

Gắn mã QR cho hiện vật

Sau khi đưa vào triển khai, ứng dụng đã làm thay đổi cách thức làm việc của bộ phận kiểm kê – bảo quản tại Bảo tàng, cán bộ phụ trách chỉ cần quét mã QR là có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin hiện vật nhanh chóng và chính xác, góp phần nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hoạt động chuyên môn. Từ đây, cán bộ bảo tàng có thể thuận lợi trong việc tìm kiếm hiện vật, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp vào hiện vật nhằm tránh rủi ro trong quá trình cầm nắm, di chuyển hiện vật.

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý hiện vật này còn tích hợp thêm tiện ích tra cứu theo từ khóa, từ đó tạo được danh mục hiện vật theo chủ đề, sự kiện, nhân vật.. để hỗ trợ các khâu công tác nghiên cứu, trưng bày và giáo dục. Trong tương lai, khi hồ sơ hiện vật được scan số hóa đầy đủ, việc nghiên cứu chuyên sâu về hiện vật được thực hiện một cách dễ dàng mà không cần phải sử dụng đến hồ sơ giấy, giúp cho công tác bảo quản hồ sơ hiện vật được đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, mỗi hiện vật được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động xuất ra 2 mã QR: 01 mã QR dành cho cán bộ quản lý hiện vật và 01 mã QR dành cho khách tham quan trực tiếp hoặc trực tuyến, có thể tra cứu thông tin hiện vật ngay tại không gian trưng bày và chia sẻ với bạn bè trên mạng internet đối với những hiện vật yêu thích; sẽ góp phần không nhỏ trong công tác truyền thông, quảng bá các giá trị lịch sử – văn hóa của Bảo tàng đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Xuất 02 mã QR đối với mỗi hiện vật được quản lý trên phần mềm

 

Trần Văn Chuẩn

(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)

 

Tin liên quan