DI SẢN CÒN LẠI TỪ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG LIÊN QUÂN PHÁP – TÂY BAN NHA (1858 – 1860) TẠI ĐÀ NẴNG

Mở đầu

Quá trình hình thành và phát triển của Đà Nẵng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Vào thế kỉ XIX, mảnh đất Đà Nẵng là nơi đầu tiên mà liên quân Pháp và Tây Ban Nha đặt chân đến để thực hiện kế hoạch xâm chiếm toàn bộ Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử ấy, nhân dân Đà Nẵng trở thành những người đầu tiên và đại diện cho nhân dân cả nước đứng lên chống lại các thế lực xâm chiếm đến từ phương Tây hùng mạnh, đầy tham vọng với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.

Khi nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, liên quân Pháp và Tây Ban Nha cho rằng đây là một mục tiêu dễ dàng, vì thế họ chọn phương châm chiến tranh là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, thực tế ngược lại hoàn toàn với những suy đoán của đội quân xâm lược. Dưới sự chiến đấu kiên cường của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng và quân đội triều đình nhà Nguyễn, cùng với sự lãnh đạo tài tình của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đội quân Tây phương đã bị sa lầy trong cuộc chiến này và sau 18 tháng 22 ngày, phải rút quân trong thất bại. Sự kiện này được xem là thắng lợi lớn và duy nhất của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược từ 1858 đến 1884. Cuộc chiến ấy đã trôi qua 165 năm, phần lớn những dữ liệu, dấu tích của cuộc chiến giờ chỉ còn lưu lại trên các bức ký họa, bản đồ, qua sử sách, tên đất, tên làng. Phần nhiều những di tích gắn liền với cuộc chiến cũng dần phai mờ và mất đi qua năm tháng. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn lại một số dấu ấn của cuộc chiến mang nhiều giá trị, minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu và sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Đà Nẵng – đó chính là những di sản còn lại của trận chiến đấu hào hùng năm xưa.

Thành Điện Hải

Nổi bật nhất trong số đó chính là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải – biểu tượng yêu nước của người Đà Nẵng. Từ sớm, triều đình nhà Nguyễn đã nhận thấy Đà Nẵng nằm ở một vị trí chiến lược quan trọng với cảng biển sâu và ngay trung độ của đất nước nên đã lọt vào “tầm ngắm” của các nước tư bản Phương Tây trong âm mưu xâm lược của chúng. Vì vậy, nhà Nguyễn hết sức coi trọng việc phòng thủ tại đây nên đã đặt các hệ thống kiểm soát và phòng thủ cửa biển Đà Nẵng; xây dựng hệ thống đồn luỹ, thành trì như: thành An Hải, thành Điện Hải, pháo đài Phòng Hải, Trấn dương thất bảo đàiTrong đó, Thành Điện Hải giữ vai trò quan trọng và là tiền đồn chống thực dân Pháp ngay từ buổi đầu khi chúng đặt chân lên đất nước chúng ta. Thành được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1813 và dời về vị trí như hiện nay vào năm 1823. Có thể nói, Thành chính là một trong số các di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của thành phố Đà Nẵng và là kiến trúc quân sự thời Nguyễn còn lại hiếm hoi ở Đà Nẵng hiện nay. Khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, Thành cũng là một trong những vị trí đầu tiên bị quân địch đánh phá. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh lớn, quân ta đã dũng cảm đánh trả quyết liệt và nhiều lần cản trở được bước tiến của quân địch như trận đánh ngày 01/9/1858 và ngày 20/4/1859. Về cơ bản, quân ta vẫn làm chủ được Thành mặc dù bị đánh phá ác liệt. Cuộc chiến kéo dài hơn 1,5 năm, quân Pháp vẫn không chiếm được Đà Nẵng. Trước khi rút quân, chúng đã phá hủy nhiều đồn lũy của ta, trong đó có thành Điện Hải.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử và kiến trúc, Thành Điện Hải được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1988 và được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25/12/2017. Năm 2018, thành phố đã tiến hành thực hiện dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 1 và hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội; bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo nên một không gian lịch sử, không gian trưng bày kết nối với Bảo tàng Đà Nẵng tại địa điểm 42 – 44 Bạch Đằng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thu hút khách tham quan, du lịch.

Hải Vân Quan

Trong hệ thống kiểm soát và phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, một công trình phòng thủ được xây dựng sớm và quan trọng đến nay vẫn còn sừng sững hiên ngang giữa đất trời, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vùng vịnh Đà Nẵng là Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân – nơi tiếp giáp giữa Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng. Hải Vân Quan -được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” – được xây dựng năm 1826, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí hết sức đắc địa, án ngữ độc đạo trên tuyến đường bộ từ Đà Nẵng ra kinh đô Huế. Với tầm nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng một thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự. Từ vị trí này, ta có thể canh giữ bao quát toàn bộ cửa biển Đà Nẵng. Trong những năm tiếp theo, Hải Vân Quan liên tục được củng cố tăng cường sức mạnh quân sự. Điều này chứng tỏ các vua nhà Nguyễn rất quan tâm, lo lắng cho cửa ải quan yếu này.

Di tích quốc gia Hải Vân Quan

Với những giá trị nổi bật như vậy, ngày 14/4/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia. Đây là di tích liên tỉnh do hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng quản lý. Trải qua thời gian, di tích đã bị hư hại nặng nề, nhiều dấu tích xưa không còn. Ngày 19/12/2021, hai địa phương đã cùng chung tay khởi công Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Thời gian triển khai trùng tu trong hai năm với tổng diện tích thi công 6.500 m2. Đến nay, các hạng mục của dự án đã hoàn thành cơ bản và dự kiến tháng 10/2023 sẽ hoàn thành chính thức. Sau đó, hai địa phương sẽ xây dựng và triển khai phương án khai thác, vận hành và mở cửa đón khách du lịch.

Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hoà Vang, Nghĩa trủng Nam Ô

Thắng lợi của chiến sự năm 1858 – 1860 tại Đà Nẵng khiến cho kẻ địch phải rút quân đã ghi công nhiều anh hùng dân tộc, tôn vinh các vị tướng lĩnh với công trạng đầy tự hào. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự hy sinh quên mình vì dân vì nước, trung thành chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền dân tộc của các anh hùng nghĩa sĩ. Vì vậy, việc an táng các nghĩa sĩ đã ngã xuống sau cuộc chiến là việc làm hết sức quan trọng và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Vua Tự Đức đã ban lệnh cho quy tập hài cốt các nghĩa sĩ và đồng bào vào Nghĩa trủng Phước Ninh và Nghĩa trủng Hòa Vang với gần 3.000 phần mộ. Qua đó, cho thấy được tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và là trách nhiệm của những người được hưởng thụ sự đóng góp, hi sinh vì đại nghĩa của các anh hùng nghĩa sĩ khí tiết kiên trung. Hai nghĩa trủng này được xem là hai nghĩa trang quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Nghĩa trủng Phước Ninh nằm tại Phường Nam Dương (Quận Hải Châu) lập năm 1876. Ngày trước, tại đây có hơn 1.500 thi hài các chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh vì nước trong buổi đầu chống Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860). Hiện nay, các phần mộ này đã được di dời về nghĩa trang Sơn Gà (Hòa Khương, Hòa Vang). Trên nền nghĩa trủng xưa vẫn dành lại khu đất rộng để lưu giữ 03 tấm bia tưởng niệm. Nghĩa trủng Phước Ninh được công nhận là di tích cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.

Nghĩa trủng Hòa Vang, hay còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung (Phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ), được thành lập năm 1866 – là nơi an nghỉ của hơn 1.000 chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong trận chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860). Nghĩa trủng Hòa Vang đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào ngày 04/01/1999.

Ngoài ra, tại khu vực Nam Ô (Phường Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu) còn có Nghĩa trủng Hóa Ổ, còn gọi là Nghĩa trủng Nam Ô – nơi yên nghỉ của hơn 400 ngôi mộ dân binh, nghĩa sĩ đã ngã xuống sau những trận chiến khốc liệt chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại khu vực nhà trạm, đồn trại cửa sông Cu Đê, đồn Chơn Sảng. Nghĩa trủng Nam Ô thuộc Cụm di tích lịch sử Nam Ô đã được công nhận di tích cấp thành phố vào ngày 27/11/2020. Cả ba nghĩa trủng này đều được thành phố quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo lại khang trang để bày tỏ tấm lòng tri ân đối với tiền nhân, các bậc anh hùng nghĩa sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến.

Di tích cấp quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh

Di tích cấp quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang

Nghĩa trủng Nam Ô

Nghĩa địa Pháp – Tây Ban Nha

Nói về dấu ấn của cuộc chiến, chúng ta cũng cần phải nói đến Nghĩa địa Pháp – Tây Ban Nha (hay còn gọi Nghĩa địa Y – Pha – Nho) nằm dưới chân núi Sơn Trà, được người Pháp thiết lập lần đầu tiên vào năm 1897. Đây là nơi chôn cất hài cốt của binh lính Pháp – Tây Ban Nha tử trận trong cuộc chiến. Hàng chục ngôi mộ tại đây có bia khắc rất rõ thời điểm qua đời của những người quá cố năm 1858-1859-1860. Khi chiến tranh đã qua đi, Nghĩa địa Y -Pha – Nho như một minh chứng cho thất bại của liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại mặt trận Đà Nẵng. Mặc dù là mồ chôn của quân xâm lược nhưng vẫn không bị đập phá mà nơi đây cũng thường xuyên được hương khói. Di tích này cho thấy lòng bao dung, vị tha và tinh thần nhân văn của người dân Đà Nẵng.

Lời kết

Nhìn chung, các di sản còn lại từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng không còn nhiều. Tuy nhiên, đó chính là những dấu ấn tiêu biểu, là minh chứng hùng hồn cho những tháng ngày nhân dân Đà Nẵng cùng quan quân triều đình dũng cảm chiến đấu hết mình, quyết tâm đẩy lùi bước tiến công của quân địch và làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp. Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích gắn liền với sự kiện này của nhân dân Đà Nẵng như: Hải Vân Quan, Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Nam Ô. Về cơ bản, các di tích đều được trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh, khang trang đã làm nổi bật lên được giá trị, tạo cảnh quan hài hòa cho di tích và đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn.

Nhân kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 – 2023), một lần nữa, chúng ta cùng ôn lại quá khứ hào hùng, các giá trị lịch sử cũng như tôn vinh giá trị của các di sản liên qian đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860).Qua đó để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ vùng đất Đà Nẵng.

Trần Văn Chuẩn

(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)

Tin liên quan