VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG TRONG VIỆC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HÓA CỦA BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Mở đầu

Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác[1]. Nhờ di sản văn hóa, những giá trị truyền thống của dân tộc được lưu giữ và trao truyền cho nhiều thế hệ. Trong hệ thống các nguồn lực để xây dựng và phát triển xã hội hiện nay, di sản văn hóa ngày càng khẳng định được tiềm năng, vị thế trong lĩnh vực giáo dục cho thế hệ trẻ cũng như khai thác để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Là một thành phố trẻ năng động, hiện đại nhưng Đà Nẵng vẫn lưu giữ được nhiều ký ức của lịch sử với một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Thành phố hiện có 09 bảo tàng, 89 di tích đã được xếp hạng (02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp thành phố), 07 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia – trong đó, di sản Bài chòi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và gần 30 lễ hội diễn ra trong năm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng có hệ thống bia ma nhai tại Di tích Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương[2].

Ngay từ khi mới thành lập, giống như các bảo tàng khác trong cả nước, bên cạnh những chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản…, Bảo tàng Đà Nẵng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục cho công chúng về những giá trị văn hóa – lịch sử của địa phương thông qua những bộ sưu tập tại Bảo tàng. Vì mang tính “tuyên truyền” nên hoạt động bấy giờ chỉ đơn giản là thuyết minh, hướng dẫn tham quan do Phòng Trưng bày và Đối ngoại phụ trách.

 Tuy nhiên, theo thời gian, khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng cao hơn cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin thì đòi hỏi các hoạt động giáo dục và quảng bá di sản văn hóa phải luôn được đổi mới, bắt kịp xu hướng và hấp dẫn hơn.

Tháng 9/2016, Bảo tàng Đà Nẵng thành lập Phòng Giáo dục – Truyền thông trên cơ sở điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Phòng Trưng bày và Đối ngoại – đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ từ nhiệm vụ “tuyên truyền” (một chiều) sang nhiệm vụ “truyền thông” (hai chiều).

Tháng 5/2018, sau khi sáp nhập Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng vào Bảo tàng Đà Nẵng, các hoạt động giáo dục không còn bó hẹp trong không gian Bảo tàng mà đã được mở rộng ra các di sản văn hóa của địa phương. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa của Bảo tàng theo đó cũng đổi mới cả về chất và lượng. Công tác truyền thông giáo dục di sản được đặt ra song song với công tác giáo dục di sản để từng bước xây dựng thương hiệu giáo dục di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng.

Truyền thông là một cầu nối để các hoạt động giáo dục di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng và truyền cảm hứng, giúp cho công chúng hình thành ý thức trân trọng, bảo vệ di sản. Đồng thời, thông qua quá trình trao đổi, tương tác nhiều chiều giữa bảo tàng, công chúng, báo chí…, bảo tàng có cơ hội nắm bắt nhu cầu công chúng, từ đó, có những định hướng nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục di sản. Trong thời đại công nghệ số ngày nay, hoạt động truyền thông chính là công cụ hữu hiệu của Bảo tàng Đà Nẵng trong việc thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển. Bảo tàng đã ứng dụng và đa dạng hóa các giải pháp truyền thông để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, đưa các hoạt động giáo dục đến với nhiều đối tượng công chúng khác nhau. Cụ thể như:

  1. Đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện

Cùng với sự phát triển nhảy vọt của Internet và những thiết bị điện tử hiện đại như laptop, smartphone, tablet…, nhu cầu của con người trong việc tiếp xúc với những thông tin “ngay tức thì” từ nhiều nền tảng, nhiều cách thức khác nhau ngày càng tăng. Truyền thông đa phương tiện đã, đang và sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng với công chúng.

Nắm bắt xu thế đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã ứng dụng rộng rãi, sử dụng triệt để ưu thế của công nghệ: truyền thông số, tích hợp nhiều phương tiện và sử dụng nhiều kênh truyền thông (điện tử và truyền thống); khai thác triệt để các nền tảng mạng xã hội; “di động hóa” truyền thông; tương tác và trải nghiệm.

Trang Thông tin điện tử (website) của Bảo tàng Đà Nẵng https://baotangdanang.vn/ được thiết kế một cách thân thiện với nội dung phong phú, mang tính chuyên môn cao, cập nhật đầy đủ các tin tức hoạt động bảo tàng, hoạt động giáo dục di sản văn hóa, giới thiệu hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố và các bộ sưu tập hiện vật.

Ngoài website, Bảo tàng đang sử dụng 07 nền tảng mạng xã hội phổ biến để truyền thông gồm: facebook, twitter, instagram, zalo, youtube, tiktok, spotify. Mỗi nền tảng được sử dụng với mỗi mục đích khác nhau. Trong đó, trang facebook – với các ưu điểm nhanh chóng, tức thời, miễn phí, tương tác tốt và tiếp cận rộng rãi tới nhiều đối tượng công chúng, đặc biệt là giới trẻ – được sử dụng là kênh truyền thông chính, thu hút hơn 12.000 lượt thích và theo dõi. Bảo tàng đã xây dựng 08 chuyên mục truyền thông định kỳ trên trang facebook như: Đằng sau hiện vật, Khám phá di sản, Có thể bạn chưa biết?, Đà Nẵng – Những gương mặt, Bảo tàng của tương lai. Các bài viết trên facebook luôn được cập nhật liên tục với thời lượng 02 ngày/01 bài; nội dung ngắn gọn, hài hước, bắt trend nhưng phải chính xác và truyền tải được các giá trị cốt lõi, thông điệp nhân văn của hoạt động giáo dục di sản; được trình bày, minh họa sinh động và hấp dẫn bằng các hình ảnh, clip ngắn, thiết kế đồ họa, ảnh gif, meme, infographic… Cách tiếp cận này giúp công chúng đón nhận thông tin một cách dễ dàng mà không cảm thấy nhàm chán và nặng nề.

Một dạng bài truyền thông hoạt động giáo dục di sản trên trang facebook Bao tang Da Nang Da Nang Museum

Trong các giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, khi mọi hoạt động giáo dục trực tiếp của các bảo tàng bị tạm hoãn thì Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong hệ thống các bảo tàng tại Đà Nẵng làm các video clip giới thiệu các câu chuyện hiện vật và di sản văn hóa cho công chúng tham quan bằng hình thức online. Đây là một cách làm mới các câu chuyện hiện vật, di sản bằng một hình thức sinh động hơn, hấp dẫn hơn, bắt mắt hơn. Bằng giải pháp truyền thông này, Bảo tàng Đà Nẵng vẫn giữ được sự tương tác khá tốt với công chúng không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà cả khi đã bình thường hóa, mỗi video clip thu hút hàng trăm đến hàng ngàn lượt xem, gia tăng đáng kể lượt người đăng ký theo dõi kênh YouTube của Bảo tàng so với trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra.

Từ năm 2021, Bảo tàng Đà Nẵng triển khai sử dụng mã QR (Quick Response) để nhận diện đối với website, facebook và các chương trình giáo dục, sự kiện công chúng của Bảo tàng. Mã QR nhỏ, gọn, dễ dàng đặt trên các ấn phẩm truyền thông như tạp chí, băng rôn, backdrop, phướn, tờ rơi… giúp công chúng dễ dàng tiếp cận được với thông tin chuyên môn và các sự kiện, hoạt động do Bảo tàng tổ chức, mang lại hiệu quả truyền thông cao, hỗ trợ tốt cho công tác giáo dục công chúng, đa dạng trong cách tiếp cận với công chúng hơn và mang đến cho công chúng trải nghiệm mới mẻ. Việc ứng dụng quét mã QR là một trong những hoạt động góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa công tác bảo tàng và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ của các bảo tàng trong và ngoài nước nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan.

Đặc biệt, từ năm 2023, Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện Bản tin điện tử (Bản tin online). Đây là kênh thông tin online giúp công chúng có cái nhìn tổng quan về những sự kiện, hoạt động nổi bật của Bảo tàng Đà Nẵng, công tác chuyên môn, nghiệp vụ, các thông tin đáng chú ý trong lĩnh vực Di sản văn hóa trên địa bàn thành phố và các chương trình hoạt động tiêu biểu trong thời gian đến. Bản tin được đăng tải trên trang website, fanpage của Bảo tàng Đà Nẵng và gửi email truyền thông cho các đơn vị đối tác.

  1. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm giáo dục

Tài liệu, ấn phẩm giáo dục di sản chính là nền tảng của hoạt động dạy – học, không chỉ cung cấp thông tin và kiến thức về các chương trình giáo dục di sản văn hóa của bảo tàng, đồng thời cũng là phương tiện tiếp xúc và tạo thiện cảm đầu tiên đối với học sinh. Chính vì vậy, Bảo tàng Đà Nẵng rất chú trọng, đầu tư công phu trong việc biên soạn nội dung, thiết kế những ấn phẩm này cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Nội dung giáo dục đưa vào ấn phẩm phải ngắn gọn, văn phong trong sáng, dễ hiểu, nội dung khoa học chính xác và dựa trên các hình ảnh, minh họa đầy màu sắc để dẫn dắt câu chuyện và khuyến khích trí tưởng tượng của học sinh.

Thêm vào đó, Bảo tàng Đà Nẵng có tích hợp một số thẻ trò chơi (activity cards) bao gồm các câu đố rèn luyện tư duy logic với nội dung về di sản văn hóa như tìm đường đến di tích, thử thách chụp ảnh tại di tích…

Một số ấn phẩm giáo dục di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng

 Trong thời gian đến, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ phát triển Nguồn học liệu mở về giáo dục di sản văn hóa. Trước mỗi buổi học, giáo viên và học sinh sẽ quét mã QR để tải tài liệu miễn phí.

  1. Tổ chức các chương trình, sự kiện công chúng

Bảo tàng Đà Nẵng xác định mỗi người dân Đà Nẵng là một đại sứ truyền thông của Bảo tàng, vì vậy, trong từng chương trình giáo dục, sự kiện công chúng đều phải đảm bảo chỉn chu, chất lượng về nội dung lẫn hình thức và có sức lan tỏa.

Đối với sự kiện công chúng, các chương trình đều được tích hợp các hoạt động vui chơi giải trí, trải nghiệm, khám phá văn hóa mang tính giáo dục và phù hợp với tất cả đối tượng khách. Tiêu biểu như Chương trình Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng – đây là một sự kiện thường niên và đã trở thành thương hiệu của Bảo tàng. Mỗi năm, chương trình mang một chủ đề khác nhau và tất cả các nội dung hoạt động đều bám sát chủ đề. Sự kiện này thường diễn ra 2-3 ngày bao gồm chuỗi các hoạt động như: triển lãm, talkshow, workshop, cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật, check-in, thưởng thức ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm văn hóa, chợ phiên… Với mỗi chương trình sự kiện, Bảo tàng Đà Nẵng luôn xây dựng các kế hoạch truyền thông riêng sao cho phù hợp với chủ đề, thông qua việc kết hợp nhiều hình thức như: pano, poster, khung avatar, thông cáo báo chí, bản tin, tạo sự kiện trên facebook, livestream, trailer… Đồng hành với đó là các cuộc thi ảnh, video clip online với cách tính điểm bằng các lượt like, share trên các kênh mạng xã hội như cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc team building” trên trang facebook trong cuộc thi team building “Chân trần, chí thép” 2023; cuộc thi video clip trên tiktok “Món ngon chi rứa?” trong sự kiện Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng 2022; cuộc thi ảnh “Cùng con tới Bảo tàng” năm 2021; cuộc thi ảnh “Áo dài ngày xuân” trong chương trình Phiên chợ Ngày tết 2022… Và sau mỗi cuộc thi sáng tạo nội dung dành cho cộng đồng mạng là một đợt bùng nổ các lượt like, share, đẩy tương tác trên các trang mạng xã hội.

Đối với các chương trình giáo dục di sản của Bảo tàng Đà Nẵng, mỗi chương trình được xây dựng đều luôn đòi hỏi tính sư phạm, hấp dẫn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người tham gia và tiếp cận với xu hướng giáo dục hiện đại. Năm 2013, 02 chương trình đầu tiên được khởi động là “Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải” và Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” hướng đến thu hút đối tượng học sinh các cấp. Đến năm 2015, Bảo tàng  tăng cường mở rộng các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm văn hóa của nhiều đối tượng công chúng khác nhau; đồng thời gắn kết hoạt động giáo dục với hoạt động truyền thông, quảng bá. Nổi bật là chương trình “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng” được xây dựng thành 10 chuyên đề gắn kết giữa chương trình giáo dục lịch sử địa phương của các bậc học với nội dung trưng bày của Bảo tàng, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh. Nhờ liên tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, hoạt động này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh và giáo viên, trở thành một trong những hoạt động giáo dục mang thương hiệu đặc trưng của Bảo tàng Đà Nẵng. Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng tiếp tục xây dựng nhiều chương trình giáo dục di sản mới, chú trọng yếu tố trải nghiệm thực tế, tương tác, phát triển kỹ năng mềm cho người tham gia để tăng tính hấp dẫn của chương trình và tính đa dạng của đối tượng công chúng. Có thể kể đến: “Nghệ nhân trao truyền”, “Ngược dòng ký ức”, Nghe hiện vật kể, Tour bộ hành “Dạo bước sông Hàn”, “Đà Thành Trip”, “Giờ học trực tuyến”… Gần đây nhất (năm 2023), Bảo tàng đã triển khai xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại di tích với sự đổi mới về kết cấu tổ chức giờ học, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học sinh, giáo viên và phụ huynh. Thông qua các chương trình giáo dục di sản, mối quan hệ giữa Bảo tàng với các cơ sở giáo dục, hội, đoàn thể tại địa phương càng được củng cố và tăng cường. Chính các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên lại trở thành một kênh truyền thông hiệu quả cho các chương trình giáo dục di sản của Bảo tàng.

Hiện nay, trung bình mỗi năm Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức hơn 15 sự kiện công chúng lớn, nhỏ và hơn 50 giờ học ngoại khóa; số lượng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập, nghiên cứu đã tăng đến khoảng 41.696 lượt trong năm 2023. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng là thành viên Ban Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cho các cấp học phổ thông của thành phố Đà Nẵng.

Trò chơi “Dẫn thủy nhập điền” tái hiện quá trình trị thủy làm nông nghiệp của ông cha xưa trong chương trình giáo dục di sản “Đình làng Việt” tại di tích Đình làng Hải Châu (Đà Nẵng)

Đặc biệt, để giữ mối quan hệ kết nối với công chúng, hằng năm, Bảo tàng Đà Nẵng đều tổ chức các buổi giới thiệu Bảo tàng đến khu dân cư. Tại các buổi quảng bá, những thông tin về nội dung trưng bày và các hoạt động giáo dục di sản văn hóa của Bảo tàng được chia sẻ trực tiếp đến người dân một cách sinh động và chi tiết. Đồng thời, Bảo tàng Đà Nẵng cũng có dịp gặp gỡ, trao đổi và xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân để từ đó nắm bắt nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của công chúng và nâng cao chất lượng hoạt động.

  1. Xây dựng mối quan hệ gắn kết với báo chí và đối tác

Báo chí, từ trong bản chất nghề nghiệp và đặc thù hoạt động của mình, luôn luôn là đối tác, người bạn của Bảo tàng Đà Nẵng nói riêng và hệ thống bảo tàng nói chung trên con đường phát triển. Không ít các đơn vị đã thành công khi biết tận dụng sức mạnh của báo chí trong tổng thể chiến lược truyền thông như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Dân tộc học…. Thông qua báo chí, hình ảnh, thương hiệu và các hoạt động giáo dục di sản của Bảo tàng Đà Nẵng được phổ biến một cách nhanh, chính xác, rộng rãi nhất và những định kiến cố hữu của xã hội như “bảo tàng chỉ là nơi trì trệ, nơi cất giữ những đồ cũ…” đã dần thay đổi. Bên cạnh đó, những thông tin phân tích, phản hồi của báo chí luôn là những gợi ý tốt cho Bảo tàng Đà Nẵng kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Chính vì vậy, Bảo tàng luôn duy trì mối quan hệ kết nối và làm việc chặt chẽ với hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí và 70 phóng viên trên địa bàn thành phố. Tất cả các chương trình mang tính chuyên môn hay hoạt động công chúng của Bảo tàng đều được báo chí chủ động đến đưa tin và hỗ trợ cung cấp những phát ngôn chính thức.

            Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng còn có mối quan hệ hợp tác, trao đổi chuyên môn với các bảo tàng trên cả nước nhằm thúc đẩy sự cộng hưởng truyền thông lẫn nhau. Năm 2023, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm “Giáo dục bảo tàng vì sự phát triển và an sinh xã hội” với sự tham gia của 10 bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Nha Trang.

            Đối với lĩnh vực du lịch, Bảo tàng Đà Nẵng chủ động kết nối và thiết lập mối quan hệ hợp tác truyền thông, quảng bá với Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng và Hội Lữ hành thành phố. Các chương trình, hoạt động công chúng lớn của Bảo tàng Đà Nẵng luôn được các đối tác này quan tâm, đưa tin trên các kênh quảng bá chính thức của mình.

Nhờ những nỗ lực nói trên, Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng và từng bước định vị được thương hiệu giáo dục di sản văn hóa, trở thành đơn vị đi đầu trong hoạt động giáo dục lịch sử – văn hóa hiện nay tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bảo tàng cũng đã gặp phải không ít khó khăn, hạn chế:

– Nhân lực thực hiện công tác truyền thông còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên sâu. Đây cũng là rào cản chủ yếu khiến Bảo tàng Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc truyền thông. Hiện nay, Phòng Giáo dục – Truyền thông của Bảo tàng Đà Nẵng có 08 người, trong đó có 03 người vừa thực hiện công tác truyền thông vừa kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác. Với lứa tuổi trung bình của cán bộ đều thuộc U40 nên đã phải rất nỗ lực để tập trung xây dựng, thiết kế nội dung truyền thông sao cho “bắt trend” và phù hợp với công chúng trẻ.

– Công tác truyền thông nội bộ chưa được thực hiện tốt. Nhận thức về vai trò, sự cần thiết của truyền thông, nhất là truyền thông đa phương tiện trong đại bộ phận cán bộ, viên chức ở Bảo tàng Đà Nẵng chưa cao. Vì vậy, thiếu đi sự đầu tư kinh phí, công nghệ tương thích và sự hưởng ứng, chia sẻ để đẩy tương tác trong mỗi bài truyền thông. Mặt khác, với những thói quen, cách làm cũ đã thấm sâu trong suy nghĩ và hành động, làm cho họ ngại cái mới, vô hình chung trở thành lực cản của truyền thông đa phương tiện.

Rõ ràng, để có thể phát huy hiệu quả các chương trình giáo dục di sản của bảo tàng và gia tăng lượng công chúng đến bảo tàng, nhất thiết phải thực hiện tốt công tác truyền thông. Muốn vậy, các bảo tàng – trước hết là lãnh đạo bảo tàng phải thay đổi nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông; phải định hướng và xây dựng được chiến lược, kế hoạch truyền thông ngắn hạn, dài hạn; tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực truyền thông có chất lượng từ khâu lên ý tưởng, biên tập nội dung, thiết kế hình ảnh, dựng phim cho đến ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội, thành thạo ngoại ngữ…; đồng thời đầu tư kinh phí thỏa đáng cho hoạt động truyền thông cũng như nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục di sản.

Lời kết

Truyền thông ngày càng chứng minh vai trò, sức ảnh hưởng to lớn đối với việc xây dựng thương hiệu giáo dục di sản của Bảo tàng Đà Nẵng trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, Bảo tàng Đà Nẵng đã và đang nỗ lực từng bước thay đổi nhận thức, đầu tư vào công tác truyền thông một cách bài bản và có tính chiến lược hơn. Tin rằng vị thế của Bảo tàng Đà Nẵng sẽ ngày càng vững chắc trong lòng công chúng, là một địa chỉ nhất định phải đến để giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với di sản dân tộc của các thế hệ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Hoài Sơn, Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2008
  2. Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, Tài liệu Bồi dưỡng “Công tác truyền thông, quảng bá các sự kiện”, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2016
  3. GS.TS Tạ Ngọc Tân, Báo chí truyền thông hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
  4. http://disanvanhoa.hcmuc.edu.vn/marketing-bao-tang.html
  5. https://baotangdanang.vn/vai-tro-cua-bao-tang-da-nang-trong-viec-nang-cao-giao-duc-truyen-thong-lich-su-cach-mang-truyen-thong-van-hoa-dia-phuong.html

[1] Luật Di sản văn hóa (2001)

[2] Tổng hợp theo số liệu thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng (tính đến tháng 10/2023)

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?