BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ LÀM NƯỚC MẮM NAM Ô: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

  1. Giá trị của di sản

Nói đến nước mắm không một người Việt Nam nào mà không biết đến. Nước mắm là một thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình. Cùng với thời gian, nước mắm đã trở thành linh hồn của ẩm thực Việt. Ở Việt Nam, nước mắm được sản xuất ở hầu hết các vùng miền trên cả nước, trong đó có những địa phương gắn liền với nghề làm nước mắm nổi tiếng như: Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Cát Hải (Hải Phòng) và một số tỉnh miền Trung trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Tại thành phố Đà Nẵng, nghề làm nước mắm Nam Ô có từ lâu đời và gắn liền với tiến trình mở cõi về phương Nam của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên thay đổi của thời gian, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn tồn tại, phát triển và những kinh nghiệm dân gian, bí quyết, kỹ thuật làm nước mắm vẫn không ngừng được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây, không chỉ là một sản phẩm ẩm thực không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân Đà Nẵng mà còn là biểu tượng văn hóa, có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.

Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố, qua kết quả kiểm kê, đã lập danh sách những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí đề ra tại Điều 10, Mục 2 của Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đã đáp ứng đủ tiêu chí và được lựa chọn làm hồ sơ để đề nghị Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng

 Với những giá trị đặc sắc, tiêu biểu đó, năm 2019, di sản “Nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng” đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các nghệ nhân, bà con làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa này. Đồng thời, đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, thành phố cũng xác định việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghề làm nước mắm Nam Ô là một nhiệm vụ chính trị góp phần vào chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Xác định được tầm quan trọng của di sản đối với đời sống cộng đồng địa phương, trong các đề án, kế hoạch UBND thành phố đã nêu rõ quan điểm và mục tiêu cụ thể trong phát triển nghề làm nước mắm Nam Ô tại làng nghề, cụ thể:  

– Thứ nhất, Bảo tồn làng nghề phải phát huy sự tham gia của cộng đồng gắn với sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, giảm nghèo, tạo ổn định về an ninh trật tự và an toàn xã hội;

– Thứ hai, Bảo tồn làng nghề kết hợp với phát triển du lịch thông qua các hoạt động tham quan tại làng nghề, gắn kết làng nghề với di tích lịch sử, các lễ hội và các khu du lịch được quy hoạch và xây dựng trên địa bàn quận;

– Thứ ba, Phát triển làng nghề trên cơ sở phát triển hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Với mục tiêu: Xây dựng nghề và làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành điểm du lịch của thành phố Đà Nẵng nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, khai thác tiềm năng của các di tích, phong cảnh cũng như phong trào văn nghệ của địa phương. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, hiện nay loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và các sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng/miền. Vì thế, nhu cầu đi du lịch về những miền nông thôn, làng nghề truyền thống ngày càng cao.

Du khách tham quan cơ sở chế biến nước mắm Nam Ô “Hương làng cổ”

Khác với những loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác như lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn thì di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống bao gồm nhiều giá trị, đặc trưng phù hợp với việc phát triển du lịch. Điều này là khá quan trọng bởi nếu đối với một số loại hình khác của di sản văn hóa phi vật thể thì các nguyên tắc thực hành và trình diễn của nó đòi hỏi sự chuẩn bị công phu về không gian, thời gian…Có một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể còn không thể hoặc khó đem trình diễn phục vụ du lịch được do những kiêng kị khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của chủ thể văn hóa và du khách. Đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống, như nghề làm nước mắm Nam Ô, du khách dễ tiếp cận hơn. Họ không chỉ được xem, được trải nghiệm mà họ còn được thực hành, sáng tạo. Điều này sẽ hấp dẫn du khách hơn là chỉ đến và quan sát. Trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng cao thì những giá trị về không gian, về lịch sử và về văn hóa sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, cuốn hút. Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Nam Ô là tiềm năng, là động lực khi các chủ thể phát huy thích hợp với thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.

Nam Ô, ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên lý tưởng, làng nghề truyền thống làm nước mắm ở Nam Ô có vị trí địa lý thuận lợi: gần biển, có đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam đi qua, nằm trong vùng kinh tế phát triển năng động với nhiều khu công nghiệp và trường học, …tiềm năng thị trường lớn, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành hàng trăm năm, từ thời cha ông mở cõi, như: đền thờ bà Liễu Hạnh, mộ Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, phế tích Chăm… rất phù hợp để phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch. Hơn nữa, thương hiệu nước mắm Nam Ô đã nổi tiếng từ lâu, đến nay, những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm vẫn được gìn giữ, bảo lưu. Bản thân sản phẩm nước mắm Nam Ô có giá trị kinh tế, được khách hàng đánh giá cao, đó sẽ là những điều kiện thuận lợi để tạo ra một sản phẩm du lịch.

Bởi, gắn với du lịch sẽ thu hút được nhiều khách tham quan, các sản phẩm làng nghề được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, được nhiều người biết đến hơn, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập của cư dân làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho làng nghề và cho địa phương một cách ổn định, bền vững. Đồng thời, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

  1. Thực trạng và khó khăn, hạn chế của nghề

Nghề làm nước mắm Nam Ô có từ lâu. Theo các nguồn tư liệu: “Khoảng 150 năm trở về trước, cả làng có khoảng 500 hộ, nghĩa là khoảng 1/3 số hộ ở đây chuyên sản xuất và buôn bán nước mắm. Nhưng làm để bán, ở Nam Ô chỉ có độ mươi nhà đủ khả năng chế biến. Thường thường, đó là những gia đình giàu có, nhà sẵn vài chiếc ghe đi biển, có chút vốn liếng. Ngoài cá ra, họ còn phải mua đủ thứ, các loại hũ, kiệu rồi muối để dự trữ. Vì vậy, ngày xưa muối cá nhiều và muối có tiếng ở Nam Ô đều là những gia đình khá giả. Nhờ có vậy, họ mới có tiềm lực phát triển nghề làm mắm ở địa phương”.[1]

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nghề làm nước mắm Nam Ô phát triển mạnh và nổi tiếng xa gần. Không chỉ vì số lượng mà cả chất lượng đặc biệt của nó. Và đã từng cùng với nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc xuống tàu buôn bán trên toàn cõi Đông Dương. Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, nước mắm Nam Ô đã từng được tặng thưởng Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ ở Hà Nội.

Từ khi nghề làm pháo du nhập vào Nam Ô, vào những năm 1980 – 1990, nghề này phát triển cực thịnh, là nguồn sống chính của rất nhiều hộ dân trong làng, đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với nghề làm nước mắm nên hầu như cả làng đã chuyển sang nghề làm pháo. Từ đó, nghề làm nước mắm chững lại và có nguy cơ mai một.

Từ năm 1994, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 406/TTg về việc cấm sản xuất, vận chuyển, đốt pháo và cùng với chính sách hỗ trợ đầu tư của Quận ủy, Uỷ ban nhân dân quận Liên Chiểu, các hộ dân quay về với nghề làm nghề nước mắm.

 Mặc dù, nghề làm nước mắm Nam Ô được khôi phục trở lại, cơ sở vật chất được đầu tư, người dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đăng ký nhãn hiệu nước mắm cho cơ sở của mình. Nhiều hộ dân mua sắm tàu, thuyền ra khơi để đánh bắt hải sản, đánh bắt cá cơm, tự cung, tự cấp nguyên liệu về làm nước mắm. Song, thị trường chưa ổn định, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, lực lượng sản xuất phần nhiều là những người đã lớn tuổi, còn lực lượng kế thừa rất ít vì lao động trẻ có xu hướng tìm nghề nghiệp khác. Thêm vào đó, người dân làng nghề vẫn còn nhiều trăn trở vì tương lai của nghề…

Trước tình hình đó, năm 2005, Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) thành phố Đà Nẵng đã mở lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật làm nước mắm cho các hộ dân ở Nam Ô.

Năm 2006, tại Hội chợ Quốc tế thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, nước mắm Nam Ô đạt danh hiệu “Thương hiệu có uy tín với người tiêu dùng”. Cũng năm 2006, quận Liên Chiểu đã xây dựng Đề án: Khôi phục Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô và được UBND quận phê duyệt.

Năm 2007, Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được thành lập. Sản phẩm nước mắm Nam Ô truyền thống được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận Logo, nhãn mác.

Năm 2008, tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực miền Trung – Tây Nguyên, sản phẩm nước mắm Nam Ô đạt giải Ba.

Từ năm 2012 đến 2013, quận Liên Chiểu tiếp tục xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô nhằm khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc duy trì nét văn hóa truyền thống, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; đồng thời, không gây tổn hại đến môi trường.

Năm 2014, việc đầu tư khôi phục làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được Sở, ban ngành thành phố, quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu quan tâm và chú trọng đầu tư về nguyên liệu và dụng cụ giúp người dân Nam Ô phát triển Làng nghề, góp phần ổn định đời sống của cư dân địa phương.

Khi được khôi phục và hoạt động trở lại, có gần 200 hộ làm nước mắm. Nhưng từ khi có Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, hơn một nửa số hộ làm nước mắm nằm trong diện giải tỏa, phải chuyển về khu tái định cư Xuân Thiều, nên không có địa điểm không gian để tiếp tục làm nước mắm. Hiện nay, khoảng gần 100 hộ làm nước mắm, trong số đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề nước mắm truyền thống, được cấp thẻ hội viên và có chứng chỉ hành nghề, chịu sự quản lý, giám sát của Hội Làng nghề. Trong 54 hộ này, có: 10 cơ sở làm nước mắm có quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, có 3 Hợp tác xã và 01 Doanh nghiệp (Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Hiệp I – Xuân Thiều, Hợp tác xã Chế biến hải sản Đông Hải, Hợp tác xã Ô Long và Doanh nghiệp nước mắm Hồng Hương), các hộ còn lại làm theo mùa vụ. Số hộ không tham gia vào Hội Làng nghề (38 hộ), lý do: Đây là những hộ chỉ sản xuất nước mắm để dùng và phục vụ cho nhu cầu của gia đình. 

Qua khảo sát sơ bộ các hộ làm nước mắm tại làng nghề, ý kiến của các ngành, chính quyền địa phương cho thấy: Từ khi Hội Làng nghề được thành lập và sản phẩm nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Logo, nhãn hiệu tập thể. Có các Đề án khôi phục làng nghề, Đề án Bảo tồn và phát triển Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô. Đặc biệt, được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nên nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng sản xuất. Sản lượng sản xuất nước mắm hằng năm tăng đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho lao động nghề làm nước mắm, vừa nâng cao đời sống nhân dân, vừa đóng góp một phần vào ngân sách địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, sản phẩm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng có xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm truyền thống.

Năm 2019, Nghề làm nước mắm Nam Ô đã được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2020, sau khi di sản được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn làng nghề làm nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”. Tổng kinh phí 4,65 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch, trở thành một sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, Đề án chú trọng việc xây dựng làng nghề nước mắm Nam Ô, trở thành điểm du lịch của thành phố nhằm giới thiệu tiêu thụ sản phẩm nước mắm và các sản phẩm liên quan của làng nghề; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh, cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương; Bổ sung làng nghề nước mắm Nam Ô vào các tour du lịch hiện có như: tour Đà Nẵng – Bà Nà Hills, Đà Nẵng vịnh Lăng Cô Huế, Đà Nẵng – Huế – Quảng Bình. Đồng thời, xây dựng tour du lịch bằng đường sông từ làng nghề nước mắm Nam Ô – dọc sông Cu Đê lên Trường Định – Khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Tà Lang – Giàn Bí (huyện Hòa Vang)…

Bên cạnh những thuận lợi, việc bảo tồn và phát huy nghề làm nước mắm Nam Ô còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế sau:

– Quy mô sản xuất nước mắm ở Nam Ô theo hình thức gia đình, không gian thực hành nhỏ, khép kín, việc tổ chức sản xuất phụ thuộc nhiều vào trình độ tay nghề của từng người trong gia đình, nên thiếu sự liên kết về tổ chức, vốn đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, làm hạn chế khả năng phát triển của làng nghề;

– Nguồn nhân lực lao động thực hành nghề chủ yếu vẫn là lao động thủ công, lớn tuổi. Việc dạy nghề, phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, chưa tổ chức đào tạo bài bản. Số lượng hộ sản xuất nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá cao;

– Nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ: để làm nước mắm cần khối lượng lớn, hàng năm cần 100 – 200 tấn cá cơm (ngoài ra khoảng 10 tấn cá các loại, vài chục tấn ruốc). Nhưng những năm gần đây, do mất mùa, nguồn cá cơm than ít vào vịnh Đà Nẵng, nên đánh bắt tại chỗ không đủ đáp ứng, các hộ phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở các địa phương lân cận từ Hội An, Quảng Ngãi…. nên giá thành cao;

Hiện nay, làng nghề chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn và ổn định. Việc tổ chức sản xuất nhỏ lẻ là chủ yếu nên sản phẩm làm ra các hộ tự tiêu thụ, hoặc qua các cơ sở có thương hiệu tại làng thu gom và bán lẻ tại nhà cho khách hàng quen, cho các đoàn khách du lịch theo mối quen biết giới thiệu;

 –  Công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức nên doanh thu chưa cao. Do đó, sản phẩm nước mắm Nam Ô chưa thể cạnh tranh với các hàng hóa cùng loại trên thị trường;

– Cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, điện chiếu sáng; hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất (chất rắn, nước thải và mùi hôi), chất thải sinh hoạt… còn nhiều trở ngại đối với hoạt động đón khách du lịch để phục vụ du lịch, khách đến tham quan;

 – Hoạt động du lịch chưa thực sự được coi trọng và nhận thức đầy đủ. Người dân địa phương chưa nhận thức được vai trò của phát triển du lịch đối với làng nghề. Nên việc tổ chức các tour đi du lịch đến làng nghề trải nghiệm quy trình làm nước mắm và tham quan các di di tích văn hóa, lịch sử của làng cổ Nam Ô chưa được khai thác.   

  1. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm nước mắm Nam Ô gắn với du lịch cộng đồng

Nhằm bảo tồn và phát huy nghề làm nước mắm Nam Ô gắn với du lịch cộng đồng, cần thực hiện một số giải pháp:

– Thứ nhất, bảo tồn và phát triển nghề làm nước mắm Nam Ô:

+ Khôi phục đội tàu đánh cá từ 3-4 chiếc để chủ động nguồn nguyên liệu; khuyến khích người dân đóng mới tàu thuyền, tham gia đánh bắt nhằm tăng quy mô và sản lượng cá phục vụ cho nghề làm nước mắm được ổn định;

+ Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quản lý, sản xuất để sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh về chất lượng, giá thành và mẫu mã;

+ Tư vấn, hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao trình độ quản lý, sản xuất của Ban chấp hành Hội làng nghề, chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề, đặc biệt chú trọng đội ngũ kế nghiệp sản xuất nước nắm tại làng nghề; có chính sách tôn vinh đối với các nghệ nhân tiêu biểu, có công gìn giữ và phát huy nghề làm nước mắm Nam Ô.

– Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường:

+ Đầu tư chỉnh trang đô thị, cải tạo lòng lề đường, quy hoạch mạng lưới giao thông, các khu vực trong làng nghề nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại, mua sắm, tham quan của người dân địa phương và khách du lịch;

+ Đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm thu gom, xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt trong làng nghề;

+ Nghiên cứu đầu tư bãi đỗ xe, phương tiện đi lại trong làng nghề để phục vụ du lịch và khách đến tham quan.

– Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá thành:

+ Trên cơ sở bảo tồn và phát huy nghề làm nước mắm theo phương thức truyền thống, cần nghiên cứu, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, vừa đảm bảo sản phẩm mang hương vị truyền thống nhưng cũng đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng;

+ Nghiên cứu, đa dạng hóa về nhãn mác, mẫu mã chai đựng, các loại sản phẩm, giá thành hợp lý để tăng sự lựa chọn của khách hàng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

– Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị:

+ Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường nhằm có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân, khách du lịch đối với các sản phẩm của làng nghề nước mắm Nam Ô;

+ Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, quận huyện; nghiên cứu lập trang mạng xã hội (như facebook) về làng nghề nước mắm Nam Ô để cung cấp thông tin sản phẩm, các hoạt động du lịch… nhằm kết nối và cung cấp sản phẩm cho du khách thuận tiện và hiệu quả hơn;

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

– Thứ năm, phát triển du lịch làng nghề

+ Xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn quy trình làm nước mắm Nam Ô nhằm quảng bá, tăng sức tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến du lịch;

+ Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử tại làng Nam Ô nhằm gắn kết du lịch làng nghề;

+ Kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các tour du lịch đường bộ hiện có giữa các địa điểm nổi tiếng: Hội An – Bà Nà – Vịnh Lăng Cô – Cố đô Huế… và các tour du lịch ven sông Cu Đê lên Khu du lịch sinh thái cộng đồng thôn Tà Lang – Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang)… Bên cạnh đó, tổ chức mời các đơn vị lữ hành đến khảo sát, góp ý, tư vấn để có thêm định hướng và các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề;

+ Nâng cao phong trào, chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại làng nghề; trong đó, chú trọng phát huy các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống gắn với cộng đồng địa phương.

– Thứ sáu, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề

+ Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, các chuỗi sản xuất, cung ứng nước mắm an toàn; qua đó, từng bước nâng tầm thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;

+ Hỗ trợ cho các gia đình, các cơ sở sản xuất làng nghề về chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư, khởi nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan học tập kinh nghiệm và một số chính sách khác theo quy định của thành phố.

   Trần Thị Phương

(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

[1]. Nguyễn Hữu Đăng Đạt, Chuyện Làng nghề đất Quảng, Nhà xuất bản  Đà Nẵng.

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?