Ngày 16/5, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị khu vực xung quanh Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải do Viện Kiến trúc quốc gia lập.
Theo đó, mục tiêu lập thiết kế đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị xung quanh Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (thuộc phường Thạch Thang và phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đảm bảo bảo tồn giá trị lịch sử, khai thác các giá trị đương đại, đảm bảo công năng sử dụng và tổ chức giao thông hợp lý, khoa học.
Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (Ảnh: HC) |
Đồng thời việc lập thiết kế đô thị khu vực xung quanh Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải cũng nhằm nâng cao hiệu quả về kinh tế xã hội, hiệu quả sử dụng đất, môi trường sống và tiện ích công cộng, là cơ sở để quản lý xây dựng và triển khai các dự án đầu tư, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực nghiên cứu.
Theo đó, ranh giới nghiên cứu trực tiếp khoảng 10ha và được giới hạn: phía Bắc giáp đường Lý Tự Trọng, phía Nam giáp đường Quang Trung, phía Đông giáp sông Hàn, phía Tây giáp đường Nguyễn Chí Thanh. Khu vực nghiên cứu mở rộng có diện tích khoảng 23ha và được giới hạn: phía Bắc giáp đường Nguyễn Du, phía Nam giáp đường Lê Duẩn, phía Đông giáp sông Hàn, phía Tây giáp đường Lê Lợi.
Trước đó, như báo điện tử Infonet đã đưa tin, di tích Thành Điện Hải có ranh giới phía Đông giáp trung tâm hành chính TP, phía Bắc giáp đường Lý Tự Trọng, phía Tây giáp khu dân cư, phía Nam giáp Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Ngày 29/3/2018, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Thành Điện Hải là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt và khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 1).
Qua quá trình thi công dự án, mới đây, ngày 10/5, đơn vị tư vấn đã tổ chức công bố xuất lộ phần tường hào tiếp giáp đoạn tường hào từ cầu phía Nam đến giữa hào phía Tây, có chiều dài 126m, xây bằng gạch vồ truyền thống, vữa tam hợp với nhiều loại kích thước khác nhau được sản xuất thủ công và do nhiều địa phương làm.
Đồng thời xuất lộ phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía Tây là yếu tố quan trọng mà trong các tài liệu lịch sử, họa đồ về Thành Điện Hải ít đề cập (chỉ đề cập đến cầu và cổng phía Đông, phía Nam). Do đó đơn vị tư vấn đề nghị cần thận trọng, xem xét, đánh giá nhiều chiều, cần có sự nghiên cứu và đóng góp ý kiến từ các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia… trước khi có kết luận chính thức
Hải Châu