Vào lúc 8h00 ngày 21 tháng 11 năm 2018, tại Hội trường Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 13 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2018) và thực hiện Kế hoạch số 4809/KH-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2020”.
Buổi Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả, nhà nghiên cứu Bài chòi; những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, giới mộ điệu và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau nghe 06 tham luận và trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng như: công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về giá trị di sản Bài chòi trong giai đoạn hiện nay; công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi gắn với phát triển du lịch; việc bảo tồn môi trường và không gian diễn xướng nghệ thuật; chế độ đãi ngộ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và các câu lạc bộ Bài chòi; các giải pháp để bảo tồn và phát triển, nhân rộng nghệ thuật Bài chòi Đà Nẵng một cách bền vững; công tác sáng tác, viết lời mới; việc đào tạo lớp kế cận; việc đưa Bài chòi vào trường học…
Đặc biệt, trong buổi Tọa đàm này, những người nghệ nhân, nghệ sĩ Bài chòi đã nói lên tiếng nói, sự trăn trở, lo lắng của mình đối với thực trạng của phong trào hô/hát Bài chòi hiện nay, những khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Bài chòi, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thực tế nhằm góp phần gìn giữ được những giá trị cốt lõi của Bài chòi và phát huy hơn nữa trong đời sống mới.
Buổi Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng” đã thành công tốt đẹp. Các ý kiến tại Tọa đàm đã được lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao lắng nghe và ghi nhận. Đây sẽ là cơ sở để định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong thời gian tới.
Lê Văn Phúc
(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)