UBND TP Đà Nẵng đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để giải tỏa, đền bù cho các hộ dân, phục hồi nguyên trạng hệ thống Thành Điện Hải.
Sáng 29/3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với Thành Điện Hải theo Quyết định của Thủ tướng nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.
Thành Điện Hải được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn vào năm 1812, với tên gọi ban đầu là Đồn Điện Hải. Mười một năm sau, Đồn được chuyển đến xây dựng kiên cố ở vị trí hiện nay (giáp tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng), và được đổi tên là Thành Điện Hải.
Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây. Chu vi của thành 556 m, tường cao 5 m, hào sâu 3 m. Bên trong thành trước đây có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn (súng thần công).
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thành Điện Hải là nơi đầu tiên chống lại ngoại bang, đẩy lùi việc tấn công của địch, buộc chúng phải rút khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860.
Thành Điện Hải đã được công nhân di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Sau gần 200 năm lịch sử, chịu nhiều tác động của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, con người, Thành đã xuống cấp trầm trọng. Năm 1988, Thành được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng sau đó không được tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề. Trong đó Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng ngay trong vùng lõi. Phía tây có đến 80 hộ dân dựng nhà tựa lưng vào tường thành.
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói Thành Điện Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đà Nẵng, cũng như những quyết tâm của địa phương trong bảo tồn di tích này.
80 hộ dân xây nhà ngay tường thành phía tây của Thành Điện Hải, sau khi giải tỏa nơi đây đang rất nhếch nhác. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu chính quyền Đà Nẵng và các cơ quan chuyên môn cần có quy hoạch cụ thể để gìn giữ di tích, gắn với các dịch vụ du lịch khi lượng khách đến Đà Nẵng đang ngày một tăng.
Hôm nay chính quyền Đà Nẵng cũng khởi công giai đoạn một dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải, với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Trong đó 80 tỷ đồng đã chi để di dời dân sống quanh di tích. Số còn lại được dùng để phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, tạo cảnh quan xung quanh, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 tới. Giai đoạn hai từ năm 2019 đến 2020, các hạng mục bên trong Thành sẽ tiếp tục được tôn tạo.