Đến hẹn lại lên, sáng 20.2.2019 (16 tháng Giêng âm lịch), đông đảo người dân quận Thanh Khê lại nô nức khai hội Lễ hội Cầu Ngư tại Lăng cá Ông, đường Nguyễn Tất Thành (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Đây là lễ trọng lớn nhất trong năm, là lễ hội cầu mùa – cầu ngư, là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”.
Cũng như mọi năm, lễ hội Cầu Ngư năm nay được tổ chức thành 2 phần: Phần lễ và Phần hội. Phần lễ với các nghi thức như: Lễ Nghinh Ông, lễ cầu an, cầu ngư trên biển được các bô lão tại vạn chài thực hiện long trọng. Đặc biệt, trong phần lễ còn có nghi thức Hát Bả Trạo – một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có nguồn gốc từ “văn hóa biển” gắn liền với cư dân chài lưới vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ. Đây được xem là điểm nhấn và là phần cao trào nhất của lễ hội.
Nghi thức Hát Bả Trạo trong phần Lễ Nghinh Ông diễn ra tại bờ biển
Các vị bô lão đốt bài văn tế sau khi lễ tế xong
Lễ Nghinh Ông: Đoàn rước gồm các vị cao niên, người dân, trong trang phục áo dài, khăn đóng tiến về lễ đài chính thực hiện nghi thức cầu an, cầu ngư.
Sau Lễ Nghinh Ông tại bờ biển, Lễ cầu an, cầu ngư trên được diễn ra tại lễ đài chính.
Phần hội diễn ra sôi nổi trong bốn ngày, từ ngày 16 tháng 02 năm 2019 đến ngày 20 tháng 02 năm 2019 (nhằm ngày 12 đến 16 tháng Giêng âm lịch) với các hoạt động thể dục thể thao: bóng đá bãi biển, thi đấu Kabadi; các hoạt động văn hóa – văn nghệ dân gian như hô, hát Bài chòi, múa cờ Trình tường; các trò chơi truyền thống: kéo co trên cát, vật tay, đẩy gậy, đan lưới, các hoạt động thi vẽ tranh, đốt lửa trại…
Phần thi kéo co
Phần thi đan lưới
Bên cạnh đó, nhằm giáo dục tình yêu quê hương, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong Lễ hội Cầu Ngư truyền thống năm 2019, Ban Tổ chức đã trưng bày mô hình và hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, giới thiệu các gian hàng bán sản phẩm chế biến từ hải sản.
Đặc biệt trong Lễ hội Cầu Ngư năm nay, nhân dân và chính quyền quận Thanh Khê vinh dự đại diện cho thành phố Đà Nẵng đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Cầu Ngư ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã cho biết: “Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa”.
Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa & thể thao TP Đà Nẵng trao Bằng chứng nhận Lễ hội cầu ngư ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện để triển khai có hiệu quả Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu ngư thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ “Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, để Lễ hội Cầu Ngư tiếp tục là một sản phẩm văn hóa du lịch biển độc đáo và trên tất cả, là một sự kiện kết nối cộng đồng cao và củng cố niềm tin tâm linh trong cộng đồng bà con vùng biển.
Lê Phúc