TTO – Hiếm có nơi nào mà sự hiện diện của những cây cầu ngoài ý nghĩa về giao thông lại mang những ý nghĩa biểu tượng đặc biệt như tại Đà Nẵng.
Chưa đầy 20 năm từ ngày nối đôi bờ, hai bên sông Hàn phố xá đã phát triển đồng đều – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Những nhịp cầu nối đôi bờ sông Hàn không những làm bừng sáng một vùng đất, mang đậm dấu ấn về lối kiến trúc mà còn là biểu tượng về ý chí, sức mạnh lòng dân…
Mỗi lần làm việc xong với đoàn khách quốc tế, mình ra phía trước trụ sở chụp ảnh là một lần xót xa, ứa lệ
Ông NGUYỄN ĐÌNH AN (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), nhớ lại việc đi vệ sinh thẳng xuống sông của người dân sống trên khu nhà chồ ven sông Hàn)
“Đã là người Đà Nẵng thì không ai không biết câu ‘con gái quận ba không bằng bà già quận một’. Không biết ai nghĩ ra sự so sánh đầy hình tượng ấy nhưng mà rất đúng trước thời điểm có những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn” – đạo diễn, NSƯT Trí Trung đã bật lên như vậy khi nói về sự thay da đổi thịt của thành phố.
Lần mở những thước phim tài liệu quý trước thời điểm Đà Nẵng chia tách tỉnh mà ông thực hiện, ký ức ngày nào hiện về trong đôi mắt đã mờ đục theo thời gian của người đạo diễn.
“Bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn”
Mãi cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Đà Nẵng vẫn là thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh với cơ chế tương đương cấp huyện thị. So với Hải Phòng, địa phương kết nghĩa, thì mức đầu tư cho Đà Nẵng chỉ bằng công ty thường thường bậc trung.
Lãnh đạo Đà Nẵng khi ấy đã nói về “chiếc áo chật” mà thành phố mình đang mang bằng một so sánh xót xa là “mức đầu tư cho Đà Nẵng bằng công ty môi trường đô thị Hải Phòng”.
Thành phố đầu biển cuối sông này bao đời bị chia đôi phần đất bởi con sông Hàn xuôi ra vịnh Đà Nẵng.
“Chỉ có một điểm cầu chỗ Trần Thị Lý, còn bờ đông khi đó như một hòn đảo dài dằng dặc bị cách ly bởi sông Hàn và sông Cổ Cò kéo hơn 30km từ bán đảo Sơn Trà tới tít tận Hội An.
Hồi ấy nhà tôi ở dưới chân núi Sơn Trà, muốn đi qua bên kia làm việc thì hoặc nhảy lên bến phà Hà Thân, hoặc xách xe máy chạy hình chữ U để đến đài truyền hình” – đạo diễn Trí Trung kể sau khi mở đoạn phim tài liệu về phà trên sông Hàn.
Do có cảng trong thành phố, vị trí điểm cầu trên sông Hàn mà cả người Pháp lẫn người Mỹ xây dựng đều ở xa về phía thượng nguồn. Điều này khiến một phần rộng lớn khu vực Sơn Trà bị tách ra khỏi sự phát triển chung của thành phố.
Trong đoạn phim tài liệu mang về cho đạo diễn Trí Trung huy chương vàng Liên hoan phát thanh truyền hình toàn quốc năm ấy, mở đầu bằng tiếng hát cất giọng từ bóng dáng liêu xiêu của cô lái đò sông Hàn.
Hò rằng: “Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang/ Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu/ Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau“.
Cách trở một dòng sông mà dường như hai bên bờ là hai thái cực phát triển. Bờ đông sông Hàn là quận ba (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) ngày ấy rất hoang sơ với nhà cửa chắp nối, dân cư rải rác chẳng khác chi một vùng quê nghèo.
Còn phía bờ bên kia là quận một (quận Hải Châu) nơi trung tâm thành phố, nhà cửa san sát, ánh đèn rực rỡ, nhộn nhịp ngày đêm.
Nhà văn Hồ Trung Tú cho rằng ở mỗi đô thị, thành tố sông có một sức ảnh hưởng ghê gớm với ký ức và bản sắc con người.
“Sự thua thiệt, cách trở đến mức người quận ba khi ấy nếu sang quận một đều nói ‘qua Đà Nẵng'” – ông Tú nói.
Ký ức nhà chồ
Chiếm một không gian trưng bày lớn trong chương lịch sử phát triển đô thị ở Bảo tàng Đà Nẵng là khu “ký ức nhà chồ” với không gian mái tôn, sàn gỗ, đèn dầu, lưới treo nóc bếp và con đò bên mép nước. Đây là cảnh quan chủ đạo bên bờ đông sông Hàn chỉ mới chừng 15 năm trước.
Khi từ Hội An ra Đà Nẵng định cư những năm 1960, cậu bé Trí Trung đã thấy sự hiện diện của những ngôi nhà chồ bên sóng nước sông Hàn được những “lưu dân” gây dựng nên.
Họ là vài hộ ở tít trên Hòa Xuân cách đó 10 cây số xuống làm chòi để đi biển cho thuận tiện. Dần dà rồi anh kéo em, kéo cả bà con, nhất là những người chạy loạn chiến tranh tứ xứ về đây dựng nhà sinh sống.
Khu nhà hình thành, người đi biển, kẻ “đi bo” (buôn lậu với các tàu hàng trên sông) tìm cơ hội đổi đời.
Không ai biết chính xác có bao nhiêu ngôi nhà chồ được dựng, chỉ biết rằng những nóc nhà có cọc cắm sâu xuống lòng sông, đường đi bằng ván gỗ nối nhau kéo dài bất tận dọc dài trên con nước đục ngầu chảy ra vùng vịnh Đà Nẵng.
Nếu như cách trở đò ngang đã khiến bờ đông sông Hàn như một vùng đất quê mùa thì cụm nhà chồ lại như một địa điểm bị “lãng quên” trên vùng quê ấy.
Không đường, không điện, không bệnh viện, không nước sạch, thậm chí người cũng không hộ khẩu. Nằm trong vùng đô thị mà nhà không có nơi đi vệ sinh, mọi chất thải đều đổ xuống dòng nước.
Rõ ràng sự tương phản cao độ giữa bên này và bên kia sông Hàn vừa là bức bách vừa là khát vọng để ước mơ về một nhịp cầu đổi thay số phận người dân Đà Nẵng khi ấy…
Con gái quận ba không bằng bà già quận một
“Những đứa trẻ sống ở nhà chồ bên kia sông Hàn theo cha mẹ chài lưới trên sông hoặc ra các bến cảng mưu sinh.
Còn những thiếu nữ mới dậy thì, nước da đen như ‘cột nhà cháy’, tóc xoắn như mì tôm, chân tay to thô tháp nên dân Đà Nẵng mới cho rằng các cô ‘không bằng bà già quận một'” – đạo diễn Trí Trung nhớ lại.
______________________________
Kỳ tới: Cây cầu của triệu tấm lòng