TTO – Không chỉ đóng góp nhiều cho phim tài liệu, báo chí, nhà báo – đạo diễn Huỳnh Hùng còn ghi dấu ấn rất lớn trong việc giải cứu nhiều di tích lịch sử quan trọng tại Đà Nẵng.
Ông là Huỳnh Văn Hùng – giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng, vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Trước đó, ông Hùng là phó giám đốc Đài VTV Đà Nẵng, sau đó làm giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng. Từ báo chí sang văn hóa, vai trò nào ông cũng gánh vác rất nhiệt huyết. Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết:
Tôi học Văn Khoa Huế, nhưng say mê lịch sử và đạo diễn phim tài liệu. Vì sao ư? Văn hóa Quảng Nam – Đà Nẵng quá hay, lịch sử thì dày dặn, tính cách người Quảng thì đậm đặc bản sắc… Tôi thấy may mắn khi được sống ở mảnh đất mà chất liệu sử ngồn ngộn như vậy. Có những vấn đề mà lâu nay lịch sử đã nói rồi, nhưng có những cái chưa chạm tới hoặc chạm tới một cách phiến diện. Cho nên, càng tìm hiểu lịch sử càng thấy sự thú vị.
Từ “ông Hùng báo chí” sang “ông Hùng văn hóa” có khác nhiều không, thưa ông?
Nó có gắn bó với nhau nhiều lắm. Những vấn đề mà khi làm báo mình theo đuổi, đó là lịch sử, danh nhân, di sản… đều là văn hóa. Ở Đà Nẵng, di tích văn hóa – lịch sử ít hơn Hà Nội, Huế… nhưng có một số di tích rất quan trọng đã bị thời gian, chiến tranh, và con người tác động mạnh, như thành Điện Hải, Hải Vân Quan, Ngũ Hành Sơn. Thành Điện Hải trong một giai đoạn dài không được quan tâm.
Kể cả cơ quan nhà nước cũng xâm phạm nghiêm trọng vùng lõi di tích. Cuối 2016 tôi đề nghị với lãnh đạo TP xem xét lại giá trị di tích thành Điện Hải và khẩn trương cứu thành. Việc làm đầu tiên là ngăn không cho xây dựng một công trình ở phía bắc thành Điện Hải.
Tại đây, khi giải tỏa CLB Thái Phiên và Trung tâm thể thao người cao tuổi, tôi nghĩ là sẽ trả lại cho thành Điện Hải, nhưng không phải thế. Chỉ còn một tuần nữa là khởi công xây dựng Trung tâm lưu trữ TP, tôi đề nghị quyết liệt với lãnh đạo TP dừng ngay công trình xây dựng trên đất di tích. Đó là tháng 12-2016. Tiếp đó là di dời 80 hộ dân xâm lấn thành. Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để lập thủ tục đề nghị và chính phủ công nhận thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt.
Còn Hải Vân Quan, suốt một thời gian dài Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế tranh giành nhau, để nơi đây thành phế tích. Tôi ra Huế gặp giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế và bắt tay nhau để làm sống lại di tích này.
Với Ngũ Hành Sơn, là một danh thắng đặc biệt trời đất ban cho Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng trước đây chúng ta thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch không đúng bài, cảm tính. Phản cảm nhất là việc làm thang máy lên núi. Một việc phù hợp với kinh tế nhưng lại không phù hợp với văn hóa. Chúng tôi đã tham mưu cho TP khẩn trương làm hồ sơ trình chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Và ngày 24-12-2018, chính phủ đã công nhận. Đây là cơ hội, điều kiện để quản lý phát triển theo đúng quy hoạch. Không ai can thiệp được nữa.
Tại các kỳ họp HĐND, ông là người luôn đấu tranh cho văn hóa. Có thay đổi gì từ ý kiến của ông không?
Tôi nhớ một chuyện khá vui liên quan đến thành Điện Hải. Khi tôi phát biểu ở Thành ủy, một số cán bộ chủ chốt đã nghe rồi. Ra nghị trường HĐND có truyền hình trực tiếp, nhân cơ hội đại biểu chất vấn tôi về di sản văn hóa và những vấn đề khác, tôi chớp thời cơ, nói rất nhanh những vấn đề đại biểu hỏi và cố tình lạc đề sang câu chuyện thành Điện Hải.
Tôi nói thành Điện Hải là một di sản văn hóa vô cùng quan trọng, là “bàn thờ” của Đà Nẵng, vì vậy việc bảo tồn, trùng tu di tích này còn là đạo lý với tiền nhân. Tôi cố tình hướng đại biểu, người dân, và dư luận quan tâm đến di tích đặc biệt này. Để các hộ dân xung quanh thành Điện Hải thấy được giá trị của thành, để khi vận động di dời thì người dân đồng thuận. Và quả thực, 80 hộ dân sống trong vùng lõi di tích này đã biết và ủng hộ rất cao.
Đi đòi quyền lợi cho văn hóa, có khi nào ông bị cản trở không?
Khi tôi đòi trả lại đất ở phía bắc thành Điện Hải, đề nghị không xây Trung tâm lưu trữ, đã có sở đề nghị làm bãi đỗ xe. Tôi nói đất Đà Nẵng thiếu, nhưng không thiếu đến nỗi lấy đất thiêng làm bãi đỗ xe. Lấy đất của di tích để làm việc như thế sẽ mang tiếng xấu. Bước tiếp theo của hành trình văn hóa là phải thể hiện thái độ mạnh mẽ, trên các diễn đàn, nghị trường.
Tôi luôn nói đất cho văn hóa -thể thao là phải giữ, sau này có tiền cũng không có đâu. Thể thao là gì? Là sức khỏe, là kinh tế. Anh khỏe thì bệnh tật giảm, chi phí của nhà nước và xã hội cho y tế sẽ giảm. Những ý kiến vì cái chung đều được lắng nghe và giải quyết. Và phải nói rằng những năm gần đây, lãnh đạo TP đã chú trọng hơn rất nhiều cho văn hóa.
Nhưng thưa ông, bây giờ dường như người ta vẫn quan tâm nhiều đến kinh tế hơn là văn hóa?.
Một nhà nghiên cứu đã nói rằng : kinh tế và văn hóa như chân ga và chân phanh. Chân ga đạp là kinh tế phát triển, còn chân phanh giúp cho chiếc xe thăng bằng và an toàn. Xã hội phải thăng bằng mới phát triển bền vững được, anh đạp mạnh chân ga thì xe lao về phía trước nhưng cũng có thể lao xuống vực.
Vì vậy, chân ga và chân phanh luôn luôn phải cùng có và phải phối hợp nhịp nhàng. Cũng như đời sống vật chất và tinh thần, phải đồng hành với nhau.
Đạo diễn của nhiều phim tài liệu
Ông Huỳnh Văn Hùng từng có 10 năm làm phó giám đốc VTV Đà Nẵng (1999-2009), sau đó đảm nhiệm giám đốc Đài phát thanh – truyền hình Đà Nẵng (2009-2016). Tháng 5-2016, ông Hùng được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng.
Trước đó, đạo diễn Huỳnh Hùng là tác giả (và đồng tác giả) của nhiều phim tài liệu lịch sử, như: Người giữ thành Hà Nội, Con mắt còn có đuôi, Sông núi khắc tên, Trang đời huyền thoại, Nhớ đảo, Một tấm gương – một tấm lòng, Người cháu gái cụ Phan…
Đoàn Cường