Nam Ô là một làng biển cổ có tuổi thọ hơn 7 thế kỷ, với hàng loạt di tích văn hóa – lịch sử cả vật thể lẫn phi vật thể.
Hơn 700 năm nay, làng biển Nam Ô vẫn mang vẻ đẹp hiền hòa dưới chân ngọn đèo Hải Vân kỳ vĩ. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
Nhưng đặc biệt hơn, làng chài này lại nằm gọn trong thành phố Đà Nẵng, một trong những trung tâm phát triển kinh tế – du lịch – dịch vụ lớn của cả nước. Vậy đâu là định hướng đúng đắn để gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị này?
Từng có những sai lầm trong quy hoạch
Nói về hướng phát triển làng biển Nam Ô, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng nhận định: Trước đây, đã có thời kỳ lãnh đạo thành phố chưa cân nhắc kỹ, có những sai lầm trong việc quy hoạch tại khu vực này.
Cụ thể, từ năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng đã giải tỏa dân cư khu vực ven biển và giao cho nhà đầu tư tập đoàn Trung Thủy lập Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô với diện tích quy hoạch là hơn 36 ha để xây dựng resort nghỉ dưỡng.
Nhưng trong quá trình triển khai, nhiều người dân Nam Ô đã quyết liệt phản đối vì dự án đã bịt lối xuống biển của bà con và xâm phạm vào nhiều di tích lịch sử, tâm linh của làng.
Các cơ quan báo chí, ngành văn hóa đã lên tiếng rất mạnh mẽ và lãnh đạo thành phố đương nhiệm đã cho thay đổi lại quy hoạch của dự án này.
Cuối năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng tiến hành điều chỉnh quy hoạch, phối hợp nhà đầu tư thống nhất điều chỉnh, thu hồi một số nội dung trong quy hoạch.
Cụ thể là điều chỉnh mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành để bố trí công viên, đưa ghềnh đá Nam Ô ra khỏi dự án, đồng thời mở thêm lối xuống biển, giữ lại khu vực Lăng Ông, miếu Âm Linh…
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, phạm vi đất giao cho dự án từ hơn 36 ha chỉ còn 16 ha, việc điều chỉnh này nhận được sự đồng tình của số đông bà con làng Nam Ô.
Người dân làng biển này hy vọng việc phát triển du lịch sẽ góp phần thay đổi bộ mặt Nam Ô, tạo thành điểm nhấn du lịch thu hút khách tham quan và tạo ra cộng hưởng để phát triển về nghề truyền thống làm mắm.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, sau khi nghề mắm Nam Ô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND quận Liên Chiểu xây dựng xong Đề án xây dựng và phát triển nghề làm mắm Nam Ô.
Sau khi ủ 12 tháng, mắm đã chín ngấu được lọc qua một phễu tre lót 2 lớp vải, quá trình này giúp nước mắm có màu trong và đẹp. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với Sở Du lịch để biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn, kết nối với di tích Hải Vân Quan trở thành tour du lịch văn hóa – lịch sử độc đáo.
Trong tháng 10 tới, Sở Văn hóa và Thể thao cũng sẽ tổ chức lễ hội đua thuyền, kéo co, lắc thúng, các nghi lễ dân gian để tuyên truyền quảng bá nghề mắm Nam Ô tới các du khách.
Đưa mắm Nam Ô “xuất ngoại”
Theo anh Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ, người dân Nam Ô rất mừng khi thành phố đã thay đổi lại quy hoạch sử dụng đất tại khu vực này, nhưng cần sớm triển khai các công trình phụ trợ để phát triển nghề mắm gắn liền với du lịch làng nghề.
Để phát triển du lịch làng nghề ở Nam Ô, anh Phú cho rằng: “Đặc trưng của làng biển miền Trung là các ngôi nhà nhỏ, đường kiệt (ngõ ngách) cũng rất nhỏ và lộn xộn, thậm chí bây giờ nhiều đường chưa có tên, nhiều nhà chưa có số. Việc chỉnh trang lại bộ mặt làng cổ là rất cần thiết. Theo tôi quan trọng nhất là sớm mở rộng một số tuyến đường đã được quy hoạch, xây dựng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm chung của mắm Nam Ô, lắp đặt các biển chỉ dẫn cho du khách đến các điểm tham quan… Tôi có ý tưởng là vẽ các bức bích họa lớn dọc theo làng Nam Ô, tái hiện lịch sử hình thành và văn hóa nghề mắm nơi đây, như vậy các hướng dẫn viên sẽ có “bộ khung” bài thuyết trình và các du khách cũng có được cái nhìn tổng thể hơn về làng”.
Kế thừa truyền thống cha ông, anh Bùi Thanh Phú tự nghiên cứu, tìm tòi cách phát triển và tìm đầu ra cho nhãn hiệu mắm Hương Làng Cổ của gia đình.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở của gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 lít nước mắm. Cơ sở đang đạt mức tăng trưởng đều đặn nên đang phải tìm mặt bằng để mở rộng sản xuất.
Thời gian gần đây, thị trường ngày càng phát triển, mắm Nam Ô được đóng thùng để vận chuyển đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
Từ 4 năm trước, anh đã lập website “nuocmamnamo.vn” và “huonglangco.com” để tiếp cận người dùng dễ dàng hơn. Sau khi quảng cáo trên mạng, anh Phú đóng thùng và gửi chuyển phát các chai nước mắm truyền thống này đến các tỉnh trên toàn quốc.
Anh cũng cố gắng giữ lại các vật dụng, cách làm đặc trưng truyền thống như lọc mắm qua phễu tre và vải, ủ mắm trong lu đất nung, trong đó có những chiếc lu từ đời ông cố để lại đã hàng trăm tuổi.
Nhờ lưu giữ được bản sắc truyền thống, cơ sở của anh Phú thường xuyên được các công ty lữ hành liên hệ để đưa du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Nếu du khách đến vào mùa lên cá (tháng 3 Âm lịch) thì có cơ hội được xem công đoạn ủ cá, còn nếu đến vào các tháng khác thì cũng được thử khuấy lu, lọc mắm… Đặc biệt, cơ sở của anh Phú làm những chai mắm nhỏ chỉ bằng 2 ngón tay để tặng mỗi du khách mang về làm kỷ niệm.
“Các du khách quốc tế rất thích thú với hương vị mặn nồng của nước mắm, tinh hoa ẩm thực Việt. Mình tặng người ta một chai mắm nhỏ, tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng mang cả văn hóa và truyền thống cha ông theo họ ra khắp thế giới.” – Anh Phú cho biết.
Bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp thì các di sản văn hóa như làng biển Nam Ô sẽ là giá trị chiều sâu để giữ chân khách du lịch, tăng số ngày lưu trú của du khách tại thành phố Đà Nẵng.
Việc giữ gìn, bảo vệ, khôi phục các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để phát triển du lịch – kinh tế là hết sức cần thiết.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ lại “hồn cốt” cha ông để phục vụ nghiên cứu, giáo dục và phát huy truyền thống cho thế hệ trẻ Đà Nẵng./.
Xem thêm:
Quốc Dũng/TTXVN