Đình làng Lỗ Giáng: Từ địa chỉ văn hóa tâm linh thiêng liêng đến địa chỉ đỏ của lịch sử hiện đại

(ictdanang) – Là Đình làng được giới nghiên cứu sử học đánh giá “Đình và Nhà thờ Tiền Hiền có kiến trúc rất độc đáo và cả miền Trung chỉ có đình làng này là có nét kiến trúc như thế”, tuy nhiên, quá bao biến thiên thăng trầm của lịch sử; Đình làng Lỗ Giáng (Phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) vừa bị tàn phá trong chiến tranh, vừa bị xuống cấp do thời gian xây dựng đã quá lâu.

“Có được ngôi đình này, bà con ta càng vui mừng phấn khởi bao nhiêu,lại càng tưởng nhớ tri ân các bậc tiền nhân. Và càng khắc sâu về sự quan tâm to lớn của UBND thành phố Đà Nẵng, UBND Quận Cẩm Lệ, các cấp, các ban, ngành…Đặc biệt là Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng, đã mang đến cho nhân dân làng Lỗ Giáng sự ưu ái to lớn và có được ngôi đình khang trang hôm nay.
Do vậy từ bây giờ, là lúc dân làng càng phải tiếp tục tỏ rõ lòng biết ơn mà gắng sức làm tròn nhiệm vụ của người công dân yêu nước, yêu quê hương xóm làng…” – ông Đỗ Vọng, Trưởng Ban Quản lý Đình làng Lỗ Giáng.– Ảnh trong bài: T.N. 

Ngày 28/10/2017, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định số 6048/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình “Phục dựng di tích Đình làng Lỗ Giáng” và giao Sở Văn hóa – Thể thao thành phố làm chủ đầu tư điều hành dự án. Được khởi công vào  ngày 9/5/2018, công trình vừa chính thức hoàn thành.

Sáng nay 18/11, đã diễn ra Lễ Khánh thành Đình làng Lỗ Giáng. Công trình đã thỏa lòng mong ước của bà con nhân dân các chư phái tộc, khi “Đình làng Lỗ Giáng được phục dựng như xưa”. Một không gian văn hóa được gìn giữ, tôn tạo nhất định sẽ là điểm đến thường xuyên của những ai đau đáu trong lòng nghĩa cử đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá rụng về cội”…

Cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, thành phố Đà Nẵng quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa với những hạng mục, dự án thật sự cần thiết và mang ý nghĩa sâu xa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một công trình kiến trúc tiêu biểu
Được biết, Đình và Nhà thờ Tiền Hiền làng Lỗ Giáng từng được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” tại Quyết định số 5242/QĐ-UBND ngày 1/5/2001 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Đến tháng 1/ 2007, tại Quyết định số 150/QĐ-UBND, UBND thành phố Đà Nẵng chính thức công nhận Đình và Nhà thờ Tiền Hiền làng Lỗ Giáng là “Di tích cấp thành phố”.

“Chọn được một mảnh đất bằng phẳng, đẹp ở đầu làng, theo truyền khẩu bà con họ tộc bèn cùng nhau góp công, góp của để xây dựng một ngôi đình, nhà thờ tiền hiền và chùa (thờ Phật, Quan Thánh Đế Quân).

Buổi đầu, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên ông cha mình chỉ xây dựng đơn giản theo lối chòi canh bằng tranh tre, gồm 4 cột, 2 kèo, mái lợp tranh, phần dưới để trống, phần trên làm nơi thờ cúng.

Từ đó dần về sau Đình, Nhà thờ tiền hiền và Chùa đã qua đến 6 lần trùng tu tôn tạo.

Đình làng Lỗ Giáng được mở rộng hơn, kiến trúc theo lối tam gian nhị hạ (3 gian, 2 chài) có tất cả 36 cây cột, 4 mái lợp ngói âm dương vào năm Bảo Đại Nguyên (1926).

Khi quyết định xây dựng Đình và Nhà thờ tiền hiền (Chùa Quan Thánh), các tiền nhân lúc đó đã mời nhiều nghệ nhân Việt ở nhiều vùng về thi công.

Kiến trúc Đình làng Lỗ Giáng (được xây dựng năm 1926) cổ kính và rất tinh xảo. Đó là ngôi đình có cổng Tam quan, trên không gian giữa cổng có 3 chữ “Lỗ Đình Môn”, đến bình phong cùng với sân ngoài, sân trong tiền đường chánh điện rồi hậu tẩm” – ông Đỗ Vọng, Trưởng ban Quản lý di tích Đình làng Lỗ Giáng, hậu duệ của các bậc tiền hiền khai khẩn, nhớ lại và kể.

Cổng Tam quan – một hạng mục còn sót của ngôi Đình làng kiên cố, tinh xảo được xây dựng lần đầu – đã tồn tại gần một thế kỷ.  

Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng (cùng với GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn và GS.Đinh Xuân Lâm là “tứ trụ” của ngành sử học Việt Nam đương đại) cùng TSKH. Đặng Văn Bài có lần vào thăm, nghiên cứu Đình làng Lỗ Giáng, đã từng nhận xét: Đình và Nhà thờ Tiền Hiền có kiến trúc rất độc đáo và cả miền Trung chỉ có đình làng này là có nét kiến trúc như thế”.

Thực hiện chủ trương quy hoạch của thành phố, Đình làng Lỗ Giáng cũng được quy hoạch (trong tổng quan quy hoạch phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) với diện tích 22.476m2 (diện tích cũ 1.719m2) gồm 9 hạng lục (gắn liền trên diện tich quy hoạch): cổng Tam quan, cổng Trụ biểu, đình làng, nhà thờ Tiền hiền, nhà trù, nhà hồi hương, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, tường rào…

Vào năm 2012, Sở Văn hóa – Thể thao thành phố (cơ quan chủ đầu tư) đã tiến hành hạng mục nâng cấp cổng Tam quan lên cao trình 2,5m (so với mặt ruộng); xây dựng lại Nhà thờ tiền hiền và cổng Trụ biểu của Tiền hiền (làm nơi thờ cúng và nghinh bát hương Thần Thành hoàng của đình). 3 hạng mục này đều hoàn thiện và ngay từ thời điểm đó (2012), nhân dân đã rất phấn khởi khi “phục dựng đúng như xưa (cả kỹ thuật, lẫn mỹ thuật)”.

Ngày 28/10/2017, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định số 6048/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình “Phục dựng di tích Đình làng Lỗ Giáng” và giao Sở Văn hóa – Thể thao thành phố làm chủ đầu tư điều hành dự án.

Mục tiêu đầu tư nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, thờ cúng, tổ chức lễ hội của nhân dân tại khu vực.

Quy mô đầu tư lần này (hơn 4,493 tỷ đồng) được tập trung phục dựng đình chính có diện tích 117m2; các hạng mục gồm thi công kết cấu khung, hệ mái và toàn bộ cấu kiện bằng gỗ, mái lợp ngói (với 3 loại ngói âm dương, ngói độn, ngói chiếu); xây bệ thờ và trang trí bên trong đình; phục dựng lại bình phong, xây dựng nhà trù, lát gạch nền, hệ thống chiếu sáng…Công trình được khởi công xây dựng ngày 9/5/2018.

Nghi thức kính cáo Thần hoàng Bổn xứ và xướng danh công đức tạo lập các bậc Tiền hiền khai khẩn tại Đình làng Lỗ Giáng vừa được phục dựng.
Được biết, phần trang trí bên trong phục vụ cho việc thực hành nghi lễ, Ban Quản lý Đình làng đã kêu gọi các tộc họ, con cháu, bà con nhân dân đóng góp 78 triệu đồng. Trong đó hiện vật (42 triệu đồng) gồm 1 bức hoành phi, 7 câu đối bằng gỗ kiền kiền và 32 triệu đồng tiền mặt.

500 năm hình thành và trở thành địa chỉ đỏ của lịch sử hiện đại

Làng Lỗ Giáng được thành lập từ đời Lê Thánh Tông 1476. Trong sách “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An viết vào năm 1555, đã thấy xuất hiện tên Làng Lỗ Giáng. Làng Lỗ Giáng bấy giờ thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa.

Gia phả các tộc họ và bia ký còn lưu giữ tại nhà thờ tiền hiền Lỗ Giáng cho biết thêm, làng được thành lập do các vị tiền hiền của các tộc: Dương, Hồ, Nguyễn, Phạm, Lê từ Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào khai cơ lập nghiệp và đã dựng nên làng. Các vị đã khai phá được hơn 414 mẫu đất, kể cả công tư điền thổ.

(từ trái sang) ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Trần Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND Quận Cẩm Lệ dâng hương tại Đình làng.  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau khi ổn định cuộc sống, các vị đã nghĩ đến việc cần xây dựng nơi thờ cúng thành hoàng và các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất này để cho dân làng bình an mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi và đây cũng là nơi để sinh hoạt cộng đồng, bàn chuyện làm ăn, giúp đỡ tương trợ nhau khi khó khăn hoạn nạn.

Đó cũng là câu chuyện về gốc tích đầu tiên, sự ra đời của Đình làng Lỗ Giáng …

Ông Đỗ Vọng kể tiếp:

“Cùng với 5 vị tiền hiền Dương, Hồ, Nguyễn, Phạm, Lê lần lượt các tộc họ khác như họ Nguyễn (Tứ Câu), họ phan, Lâm, Tống, Sử, Huỳnh, Bùi,v..v… đã đến cùng chung sống. Cho đến nay có tới 26 chi phải tộc đến trước đến sau cùng sinh hoạt trong một ngôi đình làng.

Quá trình hình thành làng Lỗ Giáng đến nay đã qua hơn 5 thế kỷ, trong thời gian đó con cháu làng Lỗ Giáng hết lớp này đến lớp khác đã đóng góp biết bao mồ hôi nước mắc, chiêu dân lập ấp, khai hoang, vỡ hóa, ngăn mặn, đắp đê, đào sông, khơi ngòi dẫn thủy nhập điền, xây dựng đình chùa miếu ngạo, trường học, nghĩa trang, lập hương ước, quỹ khuyến học, quỹ phước sương, v..v…

Tinh hoa tích tụ đời này qua đời khác tạo nên một làng quê có văn hóa, có thuần phong mỹ tục. Do đó năm Khải Định thứ 10 (1925) được triều đình Huế sắc phong tặng 1 tấm biển vàng với 4 chữ lớn “Mỹ tục khả gia”, tạm dịch là “Phong tục tốt đáng khen”.

Cắt băng khánh thành công trình “Phục dựng di tích Đình làng Lỗ Giáng”.

Lịch sử hiện đại ghi nhận, qua tháng năm trong bối cảnh chiến tranh, Đình và Nhà thờ tiền hiền Lỗ Giáng còn diễn ra nhiều sự kiện đáng ghi nhớ:

1936, ông Hồ Thiêm, người làng là học sinh trường Quốc học Huế đã hưởng ứng phong trào “Sinh viên đỏ”. Nhân nghỉ hè về quê ông mang truyền đơn của tổ chức “Công hội đỏ” về rãi tại đình, kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh chống lại ách cai trị của thực dân Pháp. Cờ đỏ búa liềm (Cờ Đảng) còn được ông Hồ Thiêm, bí mật treo trước đình.

Đầu năm 1946, tổ chức tuần lễ quyên vàng, quyên đồng cũng diễn ra tại đình và đình còn là địa điểm bầu cử Quốc hội khóa I.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, đình luôn là nơi thường xuyên tập trung anh em du kích, được điều động giúp đỡ, phối hợp bộ đội về đóng quân dừng chân tại Đình.

Đình làng Lỗ Giáng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của đại phương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và cả trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Dù có lúc, chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ còn sót lại cổng Tam quan, hậu tẩm đủ để đặt bát hương thờ cúng thần thành hoàng bổn xứ,…song, Đình làng Lỗ Giáng xứng đáng là “địa chỉ đỏ”, lừ nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ con cháu noi theo.

Trải qua quá nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử, đến nay vẫn còn những hiện vật quý được lưu giữ cẩn thận tại Đình làng:

18 sắc phong có niên đại từ đời Minh Mạng đến Bảo Đại. Có sắc phong xưa nhất từ đời vua Minh Mạng ban vào năm 1823 ; 1 tấm biển được triều Nguyễn sắc phong (
năm Khải Định thứ X – 1925) có 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Gia” (Phong tục tốt đáng khen); 3 tấm biển vàng của 3 tộc Dương, Hồ, Nguyễn cúng năm tu bổ, mở rộng đình làng (1926) ; 4 bia đá có ghi niên đại Bảo Đại Huế (1932) ; 1 tấm biển thép vàng của 2 tộc Lâm, Phan cúng trong lễ Khánh thành cổng Tam Quang (1938).
-Ảnh trên: Nhiều chi tiết mỹ thuật được phục dựng mang lại trọn vẹn đường nét kiến trúc cổ cho ngôi đình.

Trong diễn văn tại Lễ Khánh thành sáng nay (18/11), đại diện Ban Quản lý Đình làng Lỗ Giáng và các thế hệ hậu duệ của những họ tộc đã đến khai khẩn, lập nghiệp, tạo dựng nên làng Lỗ Giáng, bày tỏ: “Có được ngôi đình này, bà con ta càng vui mừng phấn khởi bao nhiêu,lại càng tưởng nhớ tri ân các bậc tiền nhân. Và càng khắc sâu về sự quan tâm to lớn của UBND thành phố Đà Nẵng, UBND Quận Cẩm Lệ, các cấp, các ban, ngành…Đặc biệt là Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng, đã mang đến cho nhân dân làng Lỗ Giáng sự ưu ái to lớn và có được ngôi đình khang trang hôm nay.
Do vậy từ bây giờ, là lúc dân làng càng phải tiếp tục tỏ rõ lòng biết ơn mà gắng sức làm tròn nhiệm vụ của người công dân yêu nước, yêu quê hương xóm làng…”.

Trần Ngọc

Tin liên quan