Dấu ấn bảo tồn di sản

Năm 2019, công tác bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, nhờ đó các di tích trên địa bàn thành phố được đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

Đình Nam Thọ được xây dựng cách đây gần 500 năm (theo sử liệu nghiên cứu là ngày 12-6 năm Canh Ngọ 1690), cùng với việc thành lập xã hiệu Nam An nay là Thọ An, phường Thọ Quang.            Ảnh: NGỌC HÀ
Đình Nam Thọ được xây dựng cách đây gần 500 năm (theo sử liệu nghiên cứu là ngày 12-6 năm Canh Ngọ 1690), cùng với việc thành lập xã hiệu Nam An nay là Thọ An, phường Thọ Quang.

Tháng 3-2019, di tích đình Nam Thọ (làng Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) được trùng tu với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2019-2020 theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020.

Gần một tháng nay, những vị cao niên làng Nam Thọ như ông Trần Văn Lự, Huỳnh Bá Nên, Ngô Văn Đưa… thường xuyên lui tới quan sát, cẩn trọng chụp lại hình ảnh đình làng trước khi thi công để sau này đối chiếu việc trùng tu. Ông Trần Văn Lự, Trưởng ban Khánh tiết đình Nam Thọ cho biết, đình làng được xây dựng cách đây gần 500 năm, qua nhiều lần sửa chữa nhưng thời gian đã bào mòn mọi thứ, đình làng bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Đình có 35 sắc phong của các triều vua, là di tích đình làng có nhiều sắc phong nhất hiện nay so với các di tích cấp thành phố. Để giữ gìn được sắc phong, các thế hệ cha ông đi trước của làng có tục lệ “thụ sắc” nghĩa là bầu ra những người đại diện, thay nhau giữ sắc phong tại nhà vì đình hồi đó làm bằng tre, nứa dễ bị mối mọt ăn. Từ năm 1986, sắc phong mới chính thức được thờ phụng tại đình. Nhưng những năm gần đây, dân làng quay lại tục “thụ sắc” bởi đình làng bị mưa dột, kèo cọt bị mục nát sợ làm hư hỏng “báu vật” của tiền nhân.

“Khi nghe tin đình làng được thành phố đầu tư trùng tu, sửa chữa với nguồn kinh phí lớn, người dân trong làng phấn khởi lắm. Vậy là chúng tôi sắp có một nơi khang trang để tổ chức các lễ cúng tế quan trọng như: ngày 12-6 âm lịch là ngày lập làng, cũng là ngày cầu cho quốc thái dân an; ngày 2-8 âm lịch là ngày giỗ tiền hiền; có một nơi để thờ phụng tiền hiền, hậu hiền, có nơi cất giữ sắc phong”, ông Lự phấn khởi nói. Đó cũng là niềm vui của những vị cao niên, của dân làng khi đình làng – nơi mỗi người biết gốc gác quê hương, nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm… được bảo tồn, giữ gìn lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Ngoài đình Nam Thọ, trong năm 2019, thành phố phân bổ ngân sách đầu tư tu bổ, phục hồi các đình làng, như: đình làng Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, di tích đình Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) trên 3 tỷ đồng, di tích đình Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) trên 4,6 tỷ đồng, di tích đình Xuân Dương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) trên 3 tỷ đồng, đình làng Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) hơn 10 tỷ đồng.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao, trong giai đoạn 2015-2018, 23 di tích (cấp quốc gia và thành phố) được đầu tư với tổng kinh phí là 172,25 tỷ đồng. Riêng năm 2018, 41,65 tỷ đồng đã được bố trí để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi 12 di tích trên địa bàn thành phố. Như vậy, toàn bộ các di tích nằm trong kế hoạch phê duyệt đã được đầu tư theo đúng tiến độ, chỉ trừ Di tích cấp quốc gia Khu Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang chưa triển khai được do vướng quy hoạch và đang được UBND huyện phối hợp với sở thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch.

Hiện nay, sở cũng đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai thực hiện trùng tu trong năm 2019 đối với các di tích quan trọng, như: Thành Điện Hải – giai đoạn 2 (trong đó có việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng sang trụ sở 42 đường Bạch Đằng), Hải Vân Quan. Cùng với đó, hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm; Nghệ thuật Bài Chòi, Lễ hội Cầu ngư, Nghề đá Non nước, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và được ngành quan tâm, bảo vệ, tạo điều kiện về hoạt động cũng như kinh phí để phát huy thực hiện theo các kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt.

Năm 2019, thực hiện kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thành phố từ năm 2015 – 2020”, ngành sẽ hỗ trợ kiện toàn một số đội, nhóm, CLB Bài chòi; đồng thời, lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể “Làng nghề làm nước mắm Nam Ô” để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lập hồ sơ di tích cấp thành phố Chiến tích Gò Hà, mộ Thống chế Lê Văn Hoan, Văn chỉ La Châu; triển khai thực hiện hồ sơ “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn” để trình UNESCO công nhận di sản tư liệu trong chương trình Ký ức nhân loại khu vực châu Á – Thái Bình Dương…

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố cho biết: “Thời gian qua, thành phố, các ngành chức năng, địa phương, cộng đồng nơi có di tích… nỗ lực, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn di tích. Công tác trùng tu, tôn tạo và cả việc Đà Nẵng thời gian qua có 2 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt đã nói lên sự quan tâm rất lớn đến công tác bảo tồn di sản. Việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di tích là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa bởi các di tích chứa đựng trong đó gốc rễ văn hóa, giá trị tinh thần tốt đẹp, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, mảnh đất cha ông gầy dựng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?