Sáng 10-5, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết Công ty CP Đầu tư phát triển VISHNU Huế, đơn vị đang tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đã hoàn thành xong việc đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án tu bổ, phục hồi hạng mục đoạn tường rào phía Tây, phía Nam sau khi phát lộ nhiều đoạn tường hào và nền móng thành Điện Hải.
Trong quá trình triển khai thi công, các đơn vị thi công, giám sát đã phát hiện nhiều đoạn tường hào, nền móng ở phía Tây và phía Nam thành Điện Hải.
Bên cạnh đó, tiến hành các công tác thi công tu bổ, phục hồi cho phần tường hào tiếp theo đúng như hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích, di sản văn hóa.
Đối với phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía Tây, sau khi đối chiếu về hướng, vị trí phần móng gạch so với cầu phía Đông theo trục Đông – Tây, cầu phía Đông hiện hữu gần chính giữa trục, phần móng gạch phía Tây hơi chếch về phía Nam. Phần móng gạch cách góc tường thành phía Bắc 33,9m, cách góc tường thành phía Nam 33,2m.
Vì vậy, trên cơ sở hiện trạng, sau khi đo vẽ, đối chứng với các thành phần khác của di tích. Công ty CP Đầu tư phát triển VISHNU Huế đề nghị xuất phương án tu bổ, tôn tạo Thành Điện Hải trên cơ sở giữ lại phần tường hào phía Tây, phía Nam sau khi đào xuất lộ; tiến hành các công tác tu bổ, phục hồi theo đúng quy định hiện hành trên cơ sở hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt, tôn trọng yếu tố gốc và đảm bảo tính chân xác cho di tích.
Riêng với phần móng gạch giữa hào phía Tây sau khi đào xuất lộ, nhận thấy đây là yếu tố quan trọng mà trong các tài liệu lịch sử, họa đồ về Thành Điện Hải ít đề cập (chỉ đề cập đến cầu và cổng phía đông, phía nam) nên cần thận trọng, xem xét, đánh giá nhiều chiều, cần có sự nghiên cứu và đóng góp ý kiến từ các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia… trước khi có kết luận chính thức về vấn đề này.
Thành Điện Hải trước đây gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn vào năm 1812, dưới thời Vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải.
Thành Điện Hải được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác, và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn.
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc 2 bờ sông Hàn góp phần đánh lùi những cuộc tiến công của quân địch.
Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, Thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp trầm trọng.
Năm 1988, Thành được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, tuy nhiên, Thành đã không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn, cả vùng đệm và vùng lõi – yếu tố gốc của di tích.
Từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích, như giải tỏa khu nhà làm việc Trung tâm Thể thao Người lớn tuổi, CLB Thái Phiên; dừng hẳn dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc, vận động 80 hộ dân chuyển dời nhà cửa ra khỏi tường thành ở phía Tây, quyết định chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi di tích, đưa sang số 42 Bạch Đằng. Và lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đang chỉ đạo khảo sát quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó Thành Điện Hải được xác định là Trung tâm.