Câu chuyện thành Điện Hải

Còn vài hôm nữa sẽ đến ngày kỷ niệm 160 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858-2018). Trong nhiều hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, từ ngày 29-3-2018, Đà Nẵng đã long trọng tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, đồng thời khởi công dự án trùng tu thành này.

Đã có một thời gian khá dài, việc trùng tu thành Điện Hải chưa được quan tâm dẫn đến thực trạng di tích này bị xâm hại biến dạng. Di tích thành Điện Hải như là phế tích ngủ vùi, phủ bụi theo thời gian. Ngay cả người Đà Nẵng cũng ít người biết đến thành Điện Hải, nói chi đến du khách. Còn bây giờ, mọi chuyện đã khác.

Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành liên quan đã nhìn thấy thiếu sót về việc này và nhanh chóng, quyết liệt đưa ra những quyết sách trùng tu thành Điện Hải.

Giờ đây, Đà Nẵng hoàn toàn có quyền tự hào khi trên thành phố yêu thương của mình đã có một di tích quốc gia đặc biệt. Để được xếp hạng, thành Điện Hải chứng minh được rằng: di tích này gắn liền với sự kiện làm thay đổi mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc.

Với ý nghĩa đó, không chỉ đối với người Đà Nẵng, thành Điện Hải còn là báu vật của quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Đây là chứng tích, chứng nhân về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc,đặc biệt là sự xả thân vì nước của tuyệt đại đa số người dân và nghĩa sĩ Đà Nẵng.

Trong một dự định lớn hơn, Đà Nẵng sẽ chọn xây dựng một quảng trường trung tâm, trong đó lấy thành Điện Hải làm lõi với tổng diện tích xây dựng gần 10ha. Có thể nói, việc quyết định trùng tu tôn tạo thành Điện Hải đã thỏa nguyện ước của người dân thành phố, là sự kiện mang ý nghĩa lớn lao đối với Đà Nẵng. Nhiều người hình dung nỗ lực phục dựng thành Điện Hải như xây dựng chiếc cầu vĩnh cửu nối quá khứ, hiện tại và tương lai, mang biểu tượng của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả của người dân Đà Nẵng từ 160 năm trước truyền lại cho hậu thế.

Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho rằng, trên thế giới nhiều nước đã đầu tư lớn để phục dựng di tích gắn với lịch sử để giáo dục truyền thống và phục vụ khách đến tham quan.

Thành Điện Hải đang được phục dựng theo hướng này, hy vọng trong tương lai không xa, đây sẽ là nơi mà người dân Đà Nẵng, nhân dân cả nước và du khách bốn phương tìm về. Chúng ta đang đánh thức kho báu về truyền thống yêu nước và đức hy sinh, đang hồi sinh một chứng tích về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, đang tìm lại, phục dựng một điểm đến hết sức độc đáo cho du khách mỗi khi có dịp ghé thăm thành phố biển xinh đẹp này.

Trong năm 2018, sau khi thành Điện Hải được nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, dù công tác trùng tu đang được triển khai, song đã thu hút rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Thời gian tới, mong rằng các chương trình ngoại khóa của các đơn vị trường học ở Đà Nẵng và các địa phương sẽ có chương trình tham quan tìm hiểu về di tích thành Điện Hải.

Về lâu dài, với việc phục dựng khoa học và cách tổ chức bài bản, đây sẽ là nơi lưu giữ ký ức của Đà Nẵng, là địa chỉ mà du khách trong và ngoài nước khao khát tìm đến.

Thời gian gần đây, nhiều bài nghiên cứu, nhiều tài liệu quý giá về thành Điện Hải được công bố, dù vậy có thể hiểu với tầm vóc di tích quốc gia đặc biệt, thì việc có bao nhiêu bài viết về thành Điện Hải cũng chưa thể gọi là đủ. Tương lai, chắc chắn rằng chung quanh thành Điện Hải sẽ phát lộ thêm nhiều tài liệu quý cho bộ sưu tập những kỷ vật của một thời.

Trên thế giới, cùng với việc phục dựng lâu đài thành quách gắn với lịch sử, nhiều nước luôn tìm cách tốt nhất để quảng bá về các di tích đó để thu hút du khách, tạo thành tâm điểm nghiên cứu, giáo dục truyền thống và đặc biệt là phục vụ khách đến tham quan. Với tầm vóc di tích quốc gia đặc biệt, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng: chưa đến thăm thành Điện Hải xem như chưa từng đặt chân đến Đà Nẵng vậy…

NGUYỄN ĐỨC NAM

Tin liên quan