Thêm bằng chứng súng thần công ở Đà Nẵng trên 350 năm tuổi

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài “Súng thần công 350 năm tuổi bằng đồng thời Nguyễn ở Đà Nẵng” vào ngày 27-7-2019, tôi nhận được gợi ý của nhà khảo cứu Philippe Truong ở Pháp về một trong hai khẩu thần công bằng đồng từng được đặt trước Tòa Công sứ Vinh trước kia, mà theo khảo tả vào năm 1933 của Le Breton, Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế lúc đó, thì cùng kiểu dáng và hoa văn trang trí giống khẩu súng vừa phát hiện tại Đà Nẵng.

Hình vẽ minh họa súng thần công bằng đồng không có chữ ở Vinh năm 1933 (có kiểu dáng và hoa văn trang trí giống súng vừa phát hiện tại Đà Nẵng) của Nguyễn Thứ trong bài của Le Breton.
Hình vẽ minh họa súng thần công bằng đồng không có chữ ở Vinh năm 1933 (có kiểu dáng và hoa văn trang trí giống súng vừa phát hiện tại Đà Nẵng) của Nguyễn Thứ trong bài của Le Breton.

Tư liệu liên quan tìm được theo sự gợi ý trên là bài khảo cứu của Le Breton có nhan đề: “Le  vieux An – Tịnh: Vieux  canons  en  bronze  et  en  fonte” (Nghệ An – Hà Tĩnh xưa: Những khẩu thần công cổ bằng đồng và bằng gang), đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, No 3, Juillet-Sept. 1934, p. 181-198.
Trong bài viết, Le Breton cho biết trước Tòa Công sứ Vinh có đặt hai khẩu súng đồng rất đẹp. Bên cạnh khẩu súng có ghi tên xưởng đúc ở Amsterdam (Hà Lan) và năm sản xuất 1661 (GÉRARD. KOSTER. ME. FECIT. AMSTELREDAMI. AD 1661), có một khẩu súng không ghi chữ gì. Le Breton viết: Khẩu súng thứ hai ở Tòa Công sứ Vinh không có chữ. Do đó nguồn gốc của nó là ẩn số. Trên phần gia cố bầu súng nằm giữa lỗ ngòi và hai trục quay, là một ô hoa văn trang trí có thiết kế đẹp, với trung tâm là một huy hiệu con chim.

Phía sau hai trục quay có hai quai súng đẹp. Cuối cùng, phía trước một chút của hai trục quay là mô-típ hoa văn với trang chính là hai con chim châu đầu vào nhau” (quanh vành thắt nòng súng). Vào tháng 9-1933, tôi đã có một ý tưởng may mắn khi yêu cầu Giám đốc Bảo tàng Rijk ở Amsterdam giải tỏa bí ẩn này, và cũng để xác định chính xác một trong hai khẩu thần công đặt ở Tòa Khâm sứ Huế có khắc dòng chữ: KYLIANUS  WEGEWART ME FECIT CAMPIS AD 1640.

Khi có thư hồi âm, tôi nhận được một câu trả lời thỏa đáng (từ Giám đốc Bảo tàng Quân đội Hà Lan A. Moefer, thông qua một phóng viên người Hà Lan): “Thưa ông Hiệu trưởng! Giám đốc Bảo tàng Rijk ở Amsterdam đã gửi cho tôi bức thư của ông gửi cho ông ấy, nói về khẩu thần công bằng đồng mà ông phát hiện ở Vinh, với lời mong cầu cố gắng giải đáp các câu hỏi của ông. Kết luận của tôi như sau:… Khẩu thần công có huy hiệu con chim, nhưng không ghi tên người đúc, được sản xuất cùng thời (với khẩu súng đúc năm 1640), vào đầu thế kỷ 17, đúng như kiểu dáng của khẩu súng đã nói rõ cho chúng ta biết. Sự khác biệt chủ yếu chỉ nằm ở các ô trang trí, cho phép chúng tôi kết luận rằng súng do chúng tôi sản xuất ở đây, nhưng với một xưởng đúc khác.

Huy hiệu con chim nằm giữa ô hoa văn trang trí và những con chim cạnh đó được trang trí với một chuỗi vòng hoa bao quanh, khiến chúng tôi nghĩ nó được dành riêng cho một chủ sở hữu nào đó. Đây cũng là những trang trí tinh tế và trang nhã, tương tự nơi khẩu súng thần công được phát hiện, cho chúng tôi thấy rằng đó phải là một khẩu thần công xa hoa, đã từng là tặng phẩm của Công ty Đông Ấn Hà Lan… Cho phép tôi, thưa ông, trước khi kết thúc, được nói rằng tôi cũng sẽ rất biết ơn ông vì đã có được bài khảo cứu về “những khẩu thần công Hà Lan” được phát hiện ở An Nam. Hy vọng rằng những thông tin của tôi có thể hữu ích cho công việc tốt đẹp của ông. Xin vui lòng nhận lấy, thưa ông Hiệu trưởng, sự kính trọng sâu sắc của tôi”.

Qua khẩu súng thần công không có chữ ở Vinh được Le Breton khảo tả năm 1933, kèm theo hình vẽ minh họa của Nguyễn Thứ, có thể thấy tuy không đề cập kích cỡ súng, nhưng kiểu dáng và đặc biệt là nội dung hoa văn trang trí chim phượng hoàng y hệt khẩu súng thần công bằng đồng vừa phát hiện tại Đà Nẵng. Tuy chúng có vẻ hoàn toàn giống nhau, nhưng khả năng hai khẩu súng này chỉ là một thật khó xảy ra trong thực tế. Trước mắt chúng ta hiện nay, chúng là một cặp súng cùng loại. Còn liệu có thêm khẩu súng nào tương tự nữa hay không, thì tùy thuộc sự phát hiện tiếp tục ở tương lai.

Điều cần nhấn mạnh ở đây, là trước yêu cầu giám định của Le Breton về xuất xứ và niên đại khẩu súng đồng không có chữ ở Tòa Công sứ Vinh gần 90 năm trước, Giám đốc Bảo tàng Quân đội Hà Lan đã khẳng định khẩu súng đó được sản xuất tại Hà Lan từ một xưởng đúc khác với khẩu súng đúc năm 1640 đặt tại Tòa Khâm sứ Huế (hiện súng này nằm trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), nhưng chúng đều ra đời cùng thời với nhau ở đầu thế kỷ 17.

Tài liệu của Le Breton rõ ràng đã góp thêm bằng chứng thuyết phục về niên đại của khẩu thần công bằng đồng vừa phát hiện ở Đà Nẵng đã trên 350 năm và có xuất xứ từ Hà Lan.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

Tin liên quan