Gìn giữ Khu di tích đồi Trung Sơn

UBND thành phố vừa có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu di tích đồi Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) theo hướng giữ lại di tích. Sau thành Điện Hải và khu di tích Nam Ô, việc giữ lại Khu di tích đồi Trung Sơn tiếp tục là một tín hiệu đáng mừng đối với câu chuyện di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố.

Đình làng trong Khu di tích đồi Trung Sơn được xây dựng năm 1670 và được trùng tu vào năm 1900.
Đình làng trong Khu di tích đồi Trung Sơn được xây dựng năm 1670 và được trùng tu vào năm 1900.

“Tài sản vô giá của người dân Trung Sơn”!

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xếp hạng khu di tích này, qua nghiên cứu lịch sử và nhân chứng hiện còn sống, cái tên Trung Sơn được các vị tiền hiền cân nhắc rất kỹ khi đến lập làng; Trung Sơn nghĩa là giữa rừng núi, vị trí khá linh thiêng và quan trọng. Rừng Trung Sơn là khu rừng tự nhiên rậm rạp tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, với diện tích 107.960m2, chiếm gần 1/3 diện tích của làng.

Trước khi đô thị hóa, ven rừng là các xóm dân cư. Khu rừng được nhân dân thôn Trung Sơn bảo vệ gìn giữ nguyên vẹn từ lúc lập làng (1670) đến nay. Bên trong và ven bìa rừng có các di tích gồm: mộ của gần 200 nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại xâm và hải tặc dưới sự chỉ huy của đô đốc Lê Văn Tấn thời vua Lê Anh Tông (1556-1573); đình làng được xây dựng năm 1670 và được trùng tu vào năm 1900; giếng Chăm cổ, mộ phần của thân sinh cửu phẩm văn giai Nguyễn Bá Hoành (1880-1941) và thân mẫu của danh tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam; bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ kháng chiến.

Ở làng còn có miếu âm linh được xây dựng năm 1879, miếu Tự xây dựng năm 1918, miếu Thần nông xây dựng năm 1926 và miếu Bà được xây dựng năm 1900.
Thôn Trung Sơn là “địa chỉ đỏ” trong phong trào cách mạng, là vùng đệm cách mạng trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chỉ riêng làng này có 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 69 liệt sĩ và 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Nguyễn Bá Đức (người dân làng Trung Sơn) chia sẻ, với dân làng nơi đây, rừng Trung Sơn được coi là “rừng cấm”. Rừng Trung Sơn đã được người dân địa phương đưa vào hương ước quản lý rừng từ năm 1670 với quy định rất rõ ràng: Thứ nhất, cấm không được chặt phá khai thác ở rừng Trung Sơn. Thứ hai, không lấy cát trắng rừng Trung Sơn để làm nhà. Thứ ba, chết không được chôn trong rừng Trung Sơn.

“Sau giải phóng, đời sống còn khó khăn, thiếu chất đốt nhưng không một ai chặt cây rừng về làm củi. Có thể nói, ý thức giữ rừng của người Trung Sơn rất cao và liên tục từ xưa đến nay. Chung quanh làng Trung Sơn trước đây có nhiều khu rừng tương tự như Xuân Thiều, Thanh Vinh, Vân Dương nhưng tất cả đều đã bị quân đội Mỹ cày ủi thành bình địa. Riêng rừng Trung Sơn được nhân dân đấu tranh quyết liệt để giữ lại. Cha ông chúng tôi và bây giờ là chúng tôi luôn trân trọng và gìn giữ rừng như một vật báu thiêng liêng”, ông Nguyễn Bá Đức nói.

Sẽ lập hồ sơ xếp hạng trong năm 2020

Cũng theo ông Nguyễn Bá Đức, năm 2016, Khu di tích đồi Trung Sơn được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô hơn 12 ha, trong đó có nhiệm vụ san gạt đồi ở cao trình 2,5 – 3m và sắp xếp lại các công trình thiết chế văn hóa như đình làng, nhà bia di tích… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, xét thấy dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều di tích quan trọng trong vùng, người dân trong làng đề nghị giữ nguyên hiện trạng di tích (không được khai thác cát); đồng thời, đề nghị UBND các cấp đối thoại trực tiếp với người dân. Vì vậy, dự án đã bị dừng lại.

Ông Đỗ Thanh Tân cho biết, nhận thấy đây là một quần thể di tích có giá trị, đặc biệt về mặt lịch sử, đơn vị đã tổ chức gặp mặt các cụ cao tuổi để tìm hiểu giá trị lịch sử của khu rừng, các sự kiện gắn với khu rừng từ khi lập làng đến nay, các di tích ở khu rừng… Trên cơ sở đó, tháng 10-2018, UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) xem xét, xếp hạng di tích cấp thành phố cho Cụm di tích văn hóa – lịch sử rừng (đồi) Trung Sơn.

Tháng 5-2019, Sở VH-TT có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét và có chủ trương giữ nguyên hiện trạng để lập hồ sơ xếp hạng di tích. Trong cuộc họp ngày 29-8-2019 về hiện trạng các di tích của địa phương tại dự án Khu di tích đồi Trung Sơn, đại diện ngành văn hóa huyện Hòa Vang, xã Hòa Liên, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng, cùng Công ty CP Trung Nam, Sở VH-TT thành phố một lần nữa yêu cầu xem xét lại dự án, đồng thời giữ nguyên chủ trương bảo vệ nguyên trạng di tích tại đồi Trung Sơn để lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố trong năm 2020.

Qua kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng có báo cáo UBND thành phố vì theo khoản 3, Điều 47, Luật Quy hoạch đô thị có quy định, lý do điều chỉnh quy hoạch nêu trên thuộc trường hợp được điều chỉnh quy hoạch: “Việc triển khai thực hiện dự án gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng”.

Ngày 16-9-2019, UBND thành phố thống nhất chủ trương theo đề xuất của Sở Xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu di tích đồi Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, theo hướng giữ lại chỉnh trang, không san gạt khu di tích. Ngay sau khi có chủ trương của thành phố, tháng 10-2019, lãnh đạo Sở VH-TT đã có chuyến đi khảo sát thực tế tại rừng Trung Sơn, gặp bà con để lắng nghe ý kiến cũng như nguyện vọng của họ.

“Trên cơ sở đó cùng với tư liệu thực tế, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ nhanh chóng tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền công nhận các di tích gắn với rừng Trung Sơn là di tích văn hóa lịch sử”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

Tin liên quan