Hát bả trạo trong “Lễ hội cầu ngư truyền thống” ở thành phố Đà Nẵng

Hát bả trạo là hình thức diễn xướng dân gian xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá ông (Đại Đức Ngư ông) của ngư dân ven biển. “Bả” là nắm chắc, “trạo” là mái chèo. Hát “bả trạo” là hát vững tay chèo theo động tác chèo thuyền. Hát bả trạo còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như hát chèo bả trạo, chèo cầu ngư, chèo cạn, hò rước Ông. Đây là một hình thức diễn xướng nghi lễ được trình diễn trong “Lễ hội cầu ngư truyền thống”, hoặc trong dịp đưa tang cá Ông của ngư dân.

 

Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê, Đà Nẵng

– Đội hát bả trạo, gồm có:

+ Tổng mũi (tổng thuyền): Đứng trước mũi thuyền, người chỉ đường, hai tay cầm cặp sênh để gõ chỉ huy đội hát bả trạo từ đầu đến cuối buổi diễn.

+ Tổng khoang (tổng thương): Đứng ở khoang thuyền, khi thuyền neo lại thì canh gác, tay cầm cần câu và gàu tát nước.

+ Tổng lái (tổng hậu): Đứng cuối đuôi thuyền, hai tay nắm chèo lái để điều khiển con thuyền đi đúng hướng.

Trước năm 1975, trang phục của ba ông Tổng rất đơn giản, chỉ là áo dài đen, quần trắng, chân đi tất. Hiện nay, để buổi biểu diễn trở nên sống động, trang phục cũng mang nhiều màu sắc hơn. Ông Tổng mũi: trang phục áo dài màu xanh, cổ tay bóp màu tím, lưng thắt đai màu tím, quần tím, đầu đội mão, chân quấn xà cạp, đi giày vải. Ông Tổng khoang: mặc áo ngắn màu xanh nước biển viền cổ trắng xanh, lưng thắt đai màu xanh, quần màu xanh nước biển, chân quấn xà cạp, đi giày vải, đầu đội nón lá. Ông Tổng lái: đầu đội mão, áo dài màu tím nhạt, viền áo màu xanh nước biển, lưng thắt đai màu xanh nước biển, quần dài màu tím, chân quấn xà cạp, mang giày vải. Khuôn mặt của ba ông Tổng được vẽ như trong hát Tuồng.

+ Con trạo: gồm 12 đến 16 người, tùy theo từng địa phương. Trước năm 1975, con trạo thường là thanh niên còn trẻ, từ 17 đến 20 tuổi, có sức khỏe, chưa vợ. Hiện nay, con trạo là các em nữ, độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi. Con trạo mặc trang phục xanh lá cây, đầu đội nón lá, lưng thắt đai xanh, chân mang xà cạp, tay cầm mái chèo dài 1,2m sơn đỏ, vàng.

Trong buổi biểu diễn, ông Tổng mũi sử dụng cặp sênh điều khiển cả đội. Theo hiệu lệnh, các con trạo có sự phối hợp nhịp nhàng, các con trạo nghiên mình tư thế giống như đang chèo thuyền, vừa hát vừa múa mái chèo.

– Dàn nhạc cụ biểu diễn gồm có: trống, chiêng, kèn, đàn cò, sênh.

        * Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư, diễn ra theo trình tự sau:

– Trong lễ Nghinh thần, còn gọi là lễ rước thần Nam Hải về tham dự lễ hội cầu ngư, sau khi ba vị chủ tế thực hiện xong nghi lễ, đội hát bả trạo theo hiệu lệnh tiếng sênh của Tổng mũi tiến vào biểu diễn. Nội dung của buổi diễn là ca ngợi công đức của Ngư ông, và nghinh Ông về tham dự lễ hội cùng ngư dân. Sau đó, đội hát bả trạo tham gia vào đội hình rước Ông về tham dự lễ cầu ngư.

– Sau khi lễ tế chính vừa kết thúc, nối tiếp là chương trình nghi lễ của đội hát bả trạo. Ông chánh tế đứng lên niệm hương xin phép cho đội hát bả trạo vào trình diện. Sau khi 3 ông Tổng thắp hương làm lễ, đội hát bả trạo theo hiệu lệnh bằng tiếng sênh của Tổng mũi, chạy xoắn ốc ra giữa sân, mái chèo dựng đứng sắp thành 3 hàng dọc, 3 ông Tổng đứng hàng giữa theo vị trí: Tổng mũi đứng đầu, Tổng khoang đứng giữa, Tổng lái cuối cùng, con trạo đứng hai bên, tạo thành hình chiếc thuyền giữa biển khơi. Tiếng sênh của Tổng mũi gõ 2 tiếng vang lên, toàn đội quỳ lạy Ông 3 lạy. Nội dung hát bả trạo trong lễ cầu ngư nhằm ca ngợi công đức của cá Ông đối với ngư dân hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển, trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ, gồm 3 đoạn theo trình tự: Thuyền ra khơi, bủa lưới đánh cá – Thuyền gặp bão tố bị tai nạn được Ông cứu giúp – Kể về công đức của Ông và cầu mong Ông luôn cứu giúp ngư dân bình an.

Hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố chỉ còn lại 01 đội hát bả trạo thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà đang hoạt động. Nguy cơ mai một của hình thức diễn xướng này rất lớn, xuất phát từ các nguyên nhân sau: Ngư dân làm nghề biển ngày càng ít đi, lễ hội cầu ngư cũng giảm về quy mô và số lượng, các vạn chài kinh tế eo hẹp, không đủ kinh phí để thuê đội hát bả trạo đến biểu diễn trong các lễ hội. Bên cạnh đó,  hát bả trạo là một loại hình diễn xướng nghi lễ đòi hỏi nhiều kĩ năng về làn điệu, hình thức biểu diễn, phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài nhưng không mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Chính vì vậy, thế hệ trẻ không còn quan tâm, yêu thích loại hình diễn xướng này.

 

                                                                                                                                                                      Trần Khánh Ly

Tin liên quan