CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG 20 NĂM THỰC HIỆN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 (Luật số 28/2001/QH10), với 74 điều, được chia làm 7 chương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2002. Đây là đạo luật quy định hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự ra đời của Luật Di sản văn hóa cùng với hệ thống văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tác động tích cực đến đời sống xã hội khi đi vào cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của Luật Di sản văn hóa đối với đời sống xã hội, để đảm bảo thực hiện đúng quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương, trong 20 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn như: Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 09/4/2007, Quyết định số 5009/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 về Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, thành phố cũng đã có sự quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Từ đó, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, để lại dấu ấn đậm nét.

1. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể

– Bảo quản, tu bổ, phục hồi di  tích: Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích luôn được quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để thực hiện với quy mô ngày càng lớn. Trong 20 năm từ 2001 – 2021, thành phố đã có 62 di tích xếp hạng được bảo quản, tu bổ phục hồi với tổng kinh phí hơn 355 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn (Trung ương, ngân sách thành phố, ngân sách quận/huyện). Về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo và công tác này đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích. Trong quá trình triển khai, các dự án đều được nhân dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ, phối hợp giám sát, tạo điều kiện cho công tác giải tỏa đền bù để thực hiện dự án, tiêu biểu như Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Thành Điện Hải giai đoạn 1 có hơn 90 hộ dân đang sinh sống tại trung tâm thành phố đều đồng thuận chấp hành giải tỏa di dời nhanh để thực hiện dự án.

Hình 1: Thành Điện Hải sau khi hoàn thành phục hồi, tôn tạo giai đoạn 1 (Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng)

Việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích đã góp phần gìn giữ các giá trị di tích, tạo điều kiện phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với di tích; giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, nhớ nguồn của dân tộc. Bên cạnh những thành quả đạt được thì công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng gặp những khó khăn nhất định như: việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích không được đồng bộ, có khi còn xung đột với quy hoạch phát triển của thành phố; nhiều khu di tích như K20, Mân Quang, Văn thánh Xuân Thiều, Miếu Hàm Trung, Miếu Trung Lập bị trũng thấp so với quy hoạch xung quanh, một số dự án của thành phố đã làm ảnh hưởng đến hướng nhìn, kiến trúc, cảnh quan xung quanh các khu di tích (như dự án kè sông Cổ Cò qua địa phận Đà Nẵng – đoạn qua Ngũ Hành Sơn ảnh hưởng di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; một số di tích trong trung tâm thành phố bị ảnh hưởng của các công trình xây dựng xung quanh). Bên cạnh đó, một số dự án còn gặp khó khăn như bố trí vốn dàn trải, chậm giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian thực hiện dự án (ví dụ: Khu di tích K20, Khu di tích Chăm Phong Lệ). 

Hình 2: Mộ thống chế Lê Văn Hoan sau khi được tùng tu (Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng)

Hiện nay, thành phố đang triển khai một số dự án quan trọng trong danh mục công trình động lực trọng điểm để đầu tư và tạo điểm nhấn phát triển thành phố như: dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ học Chăm Phong Lệ; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Bên cạnh đó, các di tích được xếp hạng khác cũng đang được đầu tư, tôn tạo[1].  

Ngoài ra, ngành Văn hóa và Thể thao đã thực hiện khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng, đo vẽ kỹ thuật hệ thống nhà cổ trên địa bàn thành phố; thống kê, sao chụp và số hóa toàn bộ các bản sắc phong tại Đà Nẵng; thực hiện điều tra, nghiên cứu khảo cổ học tại di chỉ khảo cổ; triển khai các phương án phòng chống mối mọt, phong hóa, cháy nổ, trộm cắp tại các di tích; làm các bảng thông tin giới thiệu lịch sử, văn hóa cho một số di tích trên địa bàn; ban hành Quy chế phối hợp Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để phân công trách nhiệm cho các ngành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích… Đặc biệt, thành phố đang thực hiện hồ sơ khoa học Văn khắc Hán Nôm tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn để trình UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Châu Á – Thái Bình Dương và hoàn thiện ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Hình 3: Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Nguồn: Ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn)

Xếp hạng di tích: Tại Đà Nẵng, đơn vị trực tiếp tiến hành kiểm kê và xây dựng hồ sơ khoa học di tích là Bảo tàng Đà Nẵng (trước đây là Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố), định kỳ 03 – 05 năm/lần phối hợp với các Ban quản lý/Tổ bảo vệ di tích, Phòng Văn hóa – Thông tin quận, huyện để tiến hành tổng kiểm kê các di tích trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã. Theo kết quả kiểm kê, tính đến thời điểm hiện tại (01/2022), thành phố có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố, 39 di tích nằm trong Danh mục kiểm kê và gần 100 công trình văn hóa có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

Xếp hạng di tích là hoạt động quan trọng giúp cho cơ quan quản lý cũng như cộng đồng biết được giá trị của di tích; riêng hồ sơ khoa học của di tích sẽ là cơ sở khoa học để thực hiện trùng tu, hạn chế tối đa việc xâm hại di tích. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện quy trình xếp hạng theo đúng quy định, hồ sơ xếp hạng di tích bước đầu đảm bảo tính pháp lý, khoa học và các di tích được xếp hạng đúng với giá trị hiện còn lưu giữ.

Ngăn chặn vi phạm di tích: Hàng năm, ngành Văn hóa đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong di tích, ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xử lý triệt để các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng xâm hại di tích, góp phần gìn giữ các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Mặt khác, thành phố luôn phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác quản lý di tích, đặc biệt là quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích để hạn chế tối đa sai phạm trong hoạt động này. Có thể nói, công tác quản lý di tích trên địa bàn thành phố những năm qua không để xảy ra vấn đề nổi cộm về xâm hại di tích.

– Các di vật, cổ vật tại các di tích bước đầu đã được ngành Văn hóa kiểm kê, bảo quản. Trong cuộc tổng khảo sát năm 2016, đã thống kê có 263 sắc phong đang lưu giữ trong 22 đình làng và nhà thờ tộc. Kết quả các đợt kiểm kê là cơ sở để lập hồ sơ khoa học trình Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Qua 04 đợt công nhận, cho đến nay thành phố Đà Nẵng có 06 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm[2]. Cũng qua các đợt khảo sát này, thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp mất cắp, trao đổi hay đưa di vật, linh vật lạ trái với truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục Việt Nam vào di tích.

– Việc phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm giới thiệu rộng khắp giá trị di sản đến với đông đảo người dân địa phương, du khách. Ngành Văn hóa và Thể thao đã chủ động khai thác giá trị các di sản phục vụ du lịch. Đối với định hướng phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã rất quan tâm thông qua việc đầu tư tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, đồng thời khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Một số di tích đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Tiêu biểu, năm 2019, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón được hơn 2 triệu lượt khách tham quan, doanh thu hơn 83 tỷ đồng. Cùng với Ngũ Hành Sơn, di tích Thành Điện Hải – Bảo tàng Đà Nẵng đạt hơn 330.000 lượt khách tham quan. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng các đề án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch như “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đình Lỗ Giáng” của UBND quận Cẩm Lệ, “Đề án du lịch cộng đồng Nam Ô” của UBND quận Liên Chiểu. Đưa vào khai thác các chương trình nghệ thuật truyền thống như “Hồn Việt”, “Tuồng xuống phố”, “Sân khấu Bài Chòi”… để phục vụ người dân và du khách.

Hình 4: Chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” (Nguồn: Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh)

Thành phố cũng đã hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống tại Đà Nẵng và từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý và phát huy giá trị di tích như dự án số hóa 2D, 3D các di tích để giới thiệu cho du khách trên bản đồ số di sản văn hóa[3]. Năm 2019, Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng đã được ra mắt tại Bảo tàng Đà Nẵng; đồng thời, 02 ấn phẩm nghiên cứu, sưu tầm về di sản văn hóa Đà Nẵng được xuất bản là “Sắc phong Đình làng Đà Nẵng” và “Di tích – Danh nhân quận Cẩm Lệ”. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa còn được gắn với hoạt động học tập tại trường học: Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” triển khai rộng khắp thông qua việc tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập, sinh hoạt truyền thống về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa Đà Nẵng được tổ chức bằng các hình thức mới mẻ, hấp dẫn đã thu hút được đông đảo các em học sinh, sinh viên tham gia như cuộc thi teambuilding “Hành trình cùng lịch sử” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức, cuộc thi “Hành trình về nguồn và tìm hiểu di tích lịch sử thành phố” do UBND quận Hải Châu tổ chức, cuộc thi “Khám phá di sản văn hóa” do UBND quận Thanh Khê tổ chức….

Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với không gian di tích được quan tâm gìn giữ. Hằng năm, tại các di tích là những thiết chế văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, trang trọng nhưng cũng không kém phần sinh động, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân, đồng thời tạo nên những giá trị cố kết cộng đồng, hun đúc thuần phong mỹ tục, tạo ra lối sống, lối ứng xử hòa nhã, nặng tình giữa người với người như: Lễ hội đình làng Túy Loan, đình làng Bồ Bản, lễ kỵ tiền hiền làng An Hải và lễ kỷ niệm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu… Hoạt động hướng dẫn tham quan tại các di tích đã được quan tâm, giúp cho người tham gia vừa trực tiếp chiêm nghiệm, vừa tiếp nhận thông tin về lịch sử văn hóa, giá trị của di sản, tiêu biểu như thuyết minh tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Thành Điện Hải, Nhà lưu niệm mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê…

2. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

– Kiểm kê, ghi danh di sản văn hóa phi vật thể: Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể hàng năm. Kết quả cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn tồn tại 6/7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm: ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trên cơ sở này, thành phố đã lựa chọn lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 06 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[4]. 3.300 tư liệu về văn hóa phi vật thể đã được số hóa, tư liệu hóa lưu trữ tại Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và quảng bá, giới thiệu với công chúng về các loại hình di sản văn hóa Đà Nẵng. Đặc biệt, đã phối hợp với 08 tỉnh miền Trung để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Hình 5: Lễ tôn vinh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại thành phố Đà Nẵng (Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng)

– Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Đối với di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch với nội dung cụ thể góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại địa phương, cụ thể: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 – 2015, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020”, Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2020”; Kế hoạch số 6144/KH-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2016 của UBND thành phố về Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020, Đề án “Bảo tồn và phát huy làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”…

Công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với thành phố Đà Nẵng, công tác này được thực hiện công khai, minh bạch và đảm bảo quy trình; qua 03 lần triển khai xét tặng, có 08 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 05 nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình nghệ thuật Bài Chòi. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy giá trị để di sản có sức sống bền vững, lan tỏa rộng như ngày nay; là động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến, “truyền lửa, tiếp sức” nuôi dưỡng tình yêu di sản.

3. Công tác hội hóa hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa

Hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố được quan tâm thực hiện. Nhiều hoạt động được triển khai, huy động nguồn lực và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân thể hiện nhất qua việc khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội. Nhiều hình thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được mở rộng, như việc thành lập các Câu lạc bộ Bài Chòi hoạt động độc lập, hiệu quả bằng chính nguồn lực và khả năng của cộng đồng. Các lễ hội dân gian mang đậm giá trị nhân văn cũng được phục hồi, chủ yếu do cộng đồng tự tổ chức, hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định Luật Di sản văn hóa được thực thi, phát huy hiệu lực trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thi hành luật vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như:

– Công tác kiểm kê và đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa chưa đảm bảo tính toàn diện; Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích không có cơ quan quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch của địa phương (Sở Xây dựng) ký xác nhận nên giữa ranh giới khoanh vùng và ranh giới di tích không trùng khớp gây khó khăn trong việc quản lý di tích và nội dung quy hoạch, đất đai, sử dụng đất… Bên cạnh đó, một số quy định chưa đưa vào Luật, ví dụ như vấn đề điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích; bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; quy định trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ các công trình, địa điểm đưa vào danh mục kiểm kê…

– Việc đầu tư nguồn lực ngân sách, con người cho lĩnh vực di sản văn hóa chưa tương xứng. Bộ máy tổ chức quản lý di sản văn hóa các cấp còn mỏng, một số trường hợp chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Sự hạn chế về nhân lực chuyên môn dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng công tác quản lý di sản văn hóa. Việc phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý di sản văn hóa chưa thật sự chặt chẽ.

– Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và nhân dân về tuân thủ Luật Di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật như đập phá đình làng, tự ý trùng tu, tiếp nhận hiện vật ngoại lai vào di tích.

– Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số lĩnh vực của Di sản văn hóa chưa thật sự đạt hiệu quả là do lực lượng thanh tra, hậu kiểm còn mỏng, chế tài xử lý vi phạm còn thiếu hoặc chưa đủ sức răn đe. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này chủ yếu đến từ phản ánh, kiến nghị của báo chí và người dân.

– Nhiều di sản văn hoá phi vật thể đã và đang bị mai một khó phục dựng, cần bảo vệ. Ngoài ra, cơ chế chính sách đối với người tham gia hoạt động bảo vệ di sản còn bất cập; chưa có chế độ cụ thể cho người trông coi di tích, nghệ nhân dân gian…

 Những bất cập nêu trên phần nào cho thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự mục tiêu phát triển bền vững.

 

Trần Thị Phương

(Phòng Quản lý Di sản Văn hóa)

 

[1] Trong năm 2020, đã hoàn thành 10 công trình Trùng tu các di tích: Đình Phước Trường, Miếu Cây Sung, Nhà thờ chư phái tộc làng Nại Hiên, Đình Phước Hưng, Đình Cẩm Toại, Đình Nại Hiên Đông, Nhà thờ Tập linh nghề cá Thanh Khê, Nhà thờ Tộc Đinh, Nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng, Khu di tích Miếu Hàm Trung – Miếu Trung Lập – Văn Thánh Xuân Thiều.

Năm 2021, khởi công trùng tu tôn tạo các di tích: Trùng tu 07 di tích thuộc Cụm Nam Ô gồm: Di tích Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Đình làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm linh, Giếng Lăng, Nghĩa trủng Nam Ô; Trùng tu di tích Đình Đà Sơn, Miếu Tam Vị, Đình Cổ Mân, Đình Mân Quang, Mộ Thống chế Lê Văn Hoan; Cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh.

[2] Tượng Bồ tát Laskmindra Avalokitesvara Đồng Dương (được gọi là tượng Bồ tát Tara), Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đồng Dương 22.24, Tượng Ganesha, Tượng Gajasimha.

[3] Bản đồ số di sản văn hóa đã thực hiện số hóa được 02 di tích quốc gia đặc biệt, 01 di tích liên tỉnh (Hải Vân Quan), 12 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp thành phố.

[4]Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, Nghề đá Non Nước Ngũ Hành Sơn, Nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng, Nghệ thuật Bài Chòi, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.

Tin liên quan