Sức sống của nghệ thuật bài chòi ở Đà Nẵng qua điều tra xã hội học

 

Phan Thị Xuân Mai, Trần Thị Khánh Ly

 

        Hát Bài chòi hay hô Bài chòi là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, ra đời cách đây hàng trăm năm và đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Giống như hiện trạng tồn tại của một số loại hình văn hóa dân gian khác, hát Bài chòi đang mất dần khán giả và vị thế vốn có của nó. Trước thực trạng trên, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình di sản văn hóa này đang được quan tâm chú ý. Để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giữ gìn, phát triển, thì việc tìm hiểu thái độ, quan điểm cũng như tư tưởng, nguyện vọng của người dân – vốn là chủ thể và khách thể của văn hóa là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Đà Nẵng đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học với mục đích là thăm dò nhận thức, tác động của người dân địa phương đến di sản, xác định hiện trạng tồn tại và khả năng phát triển của nó, đồng thời trưng cầu ý kiến của nhân dân về việc bảo tồn loại hình di sản văn hóa này.

Cuộc khảo sát được tiến hành tại 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và huyện Hòa Vang, với 500 người trong 5 nhóm tuổi: trên 70 tuổi, từ 50 đến 69 tuổi, từ 35 đến 49 tuổi, từ 20 đến 34 tuổi, từ 13 đến 19 tuổi.

  Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy: Tỷ lệ người xem/chơi Bài chòi trên 3 lần, giảm dần theo các nhóm tuổi từ cao đến thấp. Tỷ lệ lần lượt là 57% (đối với những người trên 70 tuổi), 55% (đối với những người từ 50 đến 69 tuổi), 40% (đối với những người từ 35 đến 49 tuổi), 17% (đối với những người từ 20 đến 34 tuổi) và 4% (đối với những người từ 13 đến 19 tuổi). Ngược lại, tỷ lệ người chưa xem/chơi Bài chòi lần nào, cũng tăng dần giữa các lứa tuổi, lần lượt là 5%, 6%, 11%, 30% và 31%.

Cũng từ những số liệu thu được, tỷ lệ người ở các nhóm tuổi: trên 70 tuổi, 50 đến 69 tuổi và 35 đến 49 tuổi yêu thích Bài chòi rất cao, lần lượt là 41%, 45%, 54%, và ngược lại, tỷ lệ này ở những người từ 20 đến 34 tuổi và từ 13 đến 19 tuổi không đáng kể.

Những địa điểm, hình thức cơ bản để người dân tương tác, hưởng thụ nghệ thuật Bài chòi là sân đình, miếu, khu vui chơi, nhà văn hóa, truyền hình. Trong đó, phương án được đối tượng khảo sát lựa chọn nhiều nhất là sân đình, miếu.

Khi được hỏi về đặc điểm thu hút nhất của Bài chòi, hầu hết những người được hỏi đều thống nhất 2 phương án: cách hô và giai điệu lời hát. Tuy nhiên, so với các nhóm tuổi khác, những người từ 13 đến 19 tuổi có xu hướng quan tâm đến ngoại hình, phong thái trình bày của người biểu diễn (chiếm 23%) hơn giá trị nội dung (chiếm 8%).

Cũng trong cuộc điều tra, đa số những người được hỏi cho rằng số lượng các buổi biểu diễn Bài chòi quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của số đông công chúng. Điều đáng nói, tỷ lệ người trẻ tuổi không quan tâm tới các buổi biểu diễn nghệ thuật cũng tương đối cao, tỷ lệ này ở người từ 20 đến 34 tuổi là 26% và từ 13 đến 19 tuổi là 38%. Và qua số liệu thống kê cũng cho thấy, tất cả đối tượng khảo sát đều có ý kiến cho rằng, ngoài các dịp lễ tết, lễ hội, các địa phương cần có kế hoạch phục dựng lại trò chơi hô/hát Bài chòi, có thể tổ chức hô/hát Bài chòi cố định hằng tháng tại các địa phương để nhân dân có điều kiện vui chơi giải trí.

Như vậy, qua điều tra và phân tích số liệu thống kê, cho thấy nghệ thuật hát Bài chòi vẫn còn sức sống trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với những người cao tuổi. Tỷ lệ người yêu thích Bài chòi, cũng như muốn tham gia vào các hoạt động tìm hiểu, học hỏi hô/hát Bài chòi khá nhiều, nhưng chủ yếu tập trung ở các nhóm cao tuổi như trên 70 tuổi, từ 50 đến 69 tuổi và từ 35 đến 50 tuổi.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                               P.T.X.M – T.K.L

                                                                     (Nguồn: Tạp chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng, số 17, tháng 8/2012)

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?