Phần trưng bày chuyên đề

Chuyên đề I: Chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam

Không gian này trưng bày những tư liệu, hiện vật lịch sử quý giá về chứng tích chiến tranh, ghi dấu tội ác của quân đội Mỹ gây ra ở Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam. Chuyên đề này không chỉ có ý nghĩa là một bài học lịch sử mà còn hiện hữu trong cuộc sống đương đại qua những hậu quả mà chiến tranh để lại.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 3 – 9/1965, Mỹ đã xây dựng Đà Nẵng thành khu căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất ở Miền Trung, và đứng thứ hai ở miền Nam. Bên cạnh việc xây dựng Khu căn cứ liên hợp quân sự tại Đà Nẵng, quân Mỹ đã không ngừng đưa các loại vũ khí tối tân, đặc biệt quân đội Mỹ đã sử dụng cả vũ khí hóa học để phục vụ ý đồ xâm lược của chúng.

Trong phần trưng bày này, Bảo tàng giới thiệu hình ảnh lính Mỹ hành quân, bắn phá, càn quét, cày ủi nhà cửa, bắn giết thường dân vô tội, ném bom hủy diệt làng mạc, thôn xóm, phun rải chất độc hóa học phá hoại môi trường thiên nhiên, con người. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu bộ sưu tập vũ khí: các loại súng hiện đại của quân đội Mỹ, các loại bom nổ, đầu đạn… Trong đó,  bom CBU/55-B, bom Napalm là  loại bom nằm trong trong danh mục cấm sử dụng theo Công ước quốc tế.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Vì thế, nhân dân toàn thế giới đã lên tiếng phản đối và ủng hộ nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh này, thể hiện qua các bộ sưu tập: Tranh cổ động, băng rôn, cờ, khẩu hiệu, bút tích, chữ ký của nhân dân các nước Ý, Pháp, Nhật…

Cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ thực hiện ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nặng nề. Có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc, hàng vạn người đã chết, hàng triệu người bị ung thư và các bệnh nan y khác, con cháu họ bị dị dạng, dị tật đang sống trong đau khổ, nghèo khó. Riêng tại thành phố Đà Nẵng có hơn 7.000 người bị nhiễm chất độc da cam.

Giới thiệu một số tư liệu hiện vật khắc phục hậu quả dioxin tại Đà Nẵng, những hoạt động gây quĩ ủng hộ giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, hoạt động của Hội nạn nhân chất độc Da cam – Dioxin Đà Nẵng, các tài liệu liên quan đến hoạt động từ thiện.

Chuyên đề II:  Văn hóa cộng đồng các dân tộc ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam           

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm đa số, sống chủ yếu ở vùng trung du và đồng bằng ven biển. Khu vực miền núi phía tây và tây nam là nơi cư trú của các dân tộc: Cơtu, Xơđăng, Gié triêng, Cor… thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, dòng Nam Á, là cư dân bản địa, có nguồn gốc lâu đời và có nhiều đóng góp trong tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Trong những nét văn hóa đặc trưng của người Kinh trên mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu không gian tái tạo nhà Việt với nguyên mẫu nhà rường ba gian hai chái, được làm bởi phường thợ mộc nổi tiếng đó là phường thợ Kim Bồng (làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, Hội An); không gian tái tạo sân khấu biểu diễn nghệ thuật Tuồng.

Phần trưng bày tiếp theo giới thiệu những bộ sưu tập hình ảnh và hiện vật đặc sắc của đồng bào các dân tộc:

1. Sưu tập công cụ sản xuất, săn bắt: Giới thiệu những tư liệu, hiện vật về hoạt động sản xuất: cuốc cỏ, cuốc đất, dao phát bờ, ống đựng hạt giống, giỏ suốt lúa, gùi đựng lúa…; về hoạt động săn bắt: các loại lao, giáo, dao, nỏ, bẫy…

2. Sưu tập y phục, trang sức của đồng bào các dân tộc – Nghề dệt vải của người Cơtu:

Trong phần trưng bày này giới thiệu không gian tái tạo nghề dệt vải truyền thống và trang phục độc đáo được làm bằng vỏ cây rừng của người Cơtu, các loại trang phục của đồng bào các dân tộc; trang phục của nam, nữ, trẻ con; trang phục thường ngày; trang phục lễ hội…

Đối với đồ trang sức, loại ưa thích nhất của đồng bào là hạt cườm, các loại trang sức bằng đồng, bạc, hạt mã não nhiều màu…. Đặc biệt, giới thiệu loại trang sức dùng để búi tóc của đàn ông Cơtu được làm từ nanh lợn rừng .

3. Sưu tập hiện vật nghề đan của đồng bào các dân tộc:

Đối với đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam – Đà Nẵng, đàn ông tài giỏi không chỉ thể hiện ở việc trồng trọt, săn bắn mà phải giỏi nghề đan, có thể làm nên những sản phẩm bằng mây, tre, nứa… chủ yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Giới thiệu bộ sưu tập gùi, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào: dần, sàng, nia, khay đựng thức ăn…

4. Sưu tập nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào các dân tộc:

Không gian trưng bày này giới thiệu nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo:  Đàn Gòn và Rót được làm từ vỏ quả bầu của người Xơ Đăng, Đàn Abel được làm bằng một ống tre, vỏ trút của người Cơtu, cồng chiêng, các loại sáo …

5. Sưu tập hiện vật tiêu biểu về tập tục, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc:

Giới thiệu không gian tái tạo góc bếp của người Cơtu, bộ sưu tập tượng nhà mồ, tượng cổng làng Xơ đăng, cột đâm trâu, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ dùng trang trí trong nhà Gươl của người Cơ tu…

Phần tiếp theo, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu cây Đàn nước (Coang tác), là một loại nhạc cụ độc đáo, không thể thiếu trong đời sống tinh thần và luôn gắn bó mật thiết trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Xơ đăng.

 

Tin liên quan