Làng nghề vào Tết

au nhiều tháng sản xuất “cầm hơi”, đến đầu tháng Chạp, một số làng nghề truyền thống lại hối hả vào mùa vụ, không chỉ góp một chút sắc hương cho Tết mà cái chính là làm sống lại nghề cha ông giữa thời hiện đại.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chiếu Cẩm Nê và bánh tráng Túy Loan được góp mặt cùng 11 làng nghề khác tại “Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào trung tuần tháng 11-2017 nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 13. Đó là hai làng nghề truyền thống huyện Hòa Vang, vừa được Nhà nước “hà hơi tiếp sức”.

Hồi sinh một làng nghề

Xưa người ta dệt chiếu bằng sợi lác mộc không nhuộm màu – gọi là chiếu trơn, được tiêu thụ rộng rãi trong giới bình dân. Để bày biện một cách trang trọng vào các dịp lễ lạt, Tết nhứt, người ta dùng chiếu hoa – loại chiếu trơn được in thủ công các họa tiết dân gian bằng ba màu căn bản xanh đỏ vàng. Về sau, lác được nhuộm màu trước khi đem dệt nên chiếu có độ bền màu lâu hơn và đẹp hơn.

Người dân Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, còn lưu truyền câu chuyện về một chiếc chiếu hoa được tiến kinh ngày trước. Chiếu rộng 2,5 mét và dài tới 25 mét, được những người dệt chiếu lão luyện làm trong gần một tháng. Khi chiếu ra đến kinh đô Huế, vua không ngớt lời khen ngợi, ban thưởng trọng hậu và sai bảo quản chiếu để trải trên lối đi trước Ngọ Môn vào các ngày lễ. Sau kỳ tích đó, tiếng tăm chiếu Cẩm Nê đã bay đi khắp nước.

Sau khi được huyện hỗ trợ nghề, con gái bà Túy Phong đã quyết định nối nghiệp bánh tráng của mẹ. (Ảnh trái)
Sau khi được huyện hỗ trợ nghề, con gái bà Túy Phong đã quyết định nối nghiệp bánh tráng của mẹ. (Ảnh trái)

“Danh bất hư truyền”, chiếu Cẩm Nê, so với các loại chiếu khác, có ưu điểm như cách gọi của những người buôn chiếu một thời là “4 hơn”: viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm hơn. Thế nhưng sản phẩm của làng nghề chiếu duy nhất Đà Nẵng này vẫn lay lắt qua ngày bởi không cạnh tranh nổi với chiếu nhựa giá rẻ trước đó và hiện nay là các loại chiếu được dệt bằng máy với hoa văn phong phú, mẫu mã đa dạng.

Bà Ngô Thị Thân, 86 tuổi, ở tổ 3 thôn Cẩm Nê, lúc 10 tuổi đã được mẹ dạy cho cách cầm con chuồi để đưa sợi lác cho mẹ dệt chiếu như người ta quăng con thoi trong dệt vải. Hơn 70 năm gắn bó với lác, với đay, bà vừa rời cái khung dệt chiếu hồi năm ngoái với ý nghĩ nghề cha ông truyền đến bà được 3 đời giờ phải đến hồi “tuyệt tự” như nghề chằm nón ở thôn La Bông cùng xã. Con bà, chị Dương Thị Thông, bỏ đi làm phụ hồ, bởi nghề gia truyền không nuôi sống nổi thân mình.

Tháng 6-2017, cán bộ Phòng NN&PTNN huyện Hòa Vang xuống Cẩm Nê tìm người có tâm huyết để khôi phục nghề dệt chiếu. Không còn ai. Thời hoàng kim của nghề, chiếu Cẩm Nê đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Giờ thì những người dệt chiếu và bán chiếu nơi này đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, muốn nghề “sống” lại phải đào tạo lớp thợ trẻ mới.

Trưởng phòng NN&PTNN huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Lý thông tin: “Huyện lập phương án khôi phục làng nghề truyền thống để tạo sản phẩm phục vụ du lịch, trước mắt là chiếu Cẩm Nê. Huyện hỗ trợ 100 triệu đồng cho các khoản: làm lại mái che nhà xưởng, khung cửi; hỗ trợ tiền nhân công, tiền dạy nghề cho các người còn yếu nghề… Trong đó trực tiếp hỗ trợ 45 triệu để mua nguyên vật liệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm”.

Cả làng mấy chục hộ bây giờ chỉ còn mỗi chị Thông dám đứng ra mở cơ sở dệt chiếu dưới sự “đỡ đầu” của huyện. Có vốn, chị mua cả tấn lác (cói) từ miền Tây Nam Bộ và xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), vận động thêm 2 người nữa gác việc xuống đồng lên bờ dệt chiếu. Có điều, tiền công cho người dệt chiếu hiện vẫn quá thấp. Chị Thông tính, một đôi chiếu khổ 1,2 x 2m tốn hết 240.000 đồng nguyên vật liệu (200.000 đồng tiền lác, 40.000 đồng tiền đay) và 2 công dệt, bán cao tay lắm cũng chỉ được 400.000 đồng. Còn lại 160.000 đồng cho cả 2 công dệt và công nhuộm, phơi, giũ sợi lác. Quá thấp!

Bà Ngô Thị Thân (giữa) và hai người thợ dệt chiếu “lão làng” của làng chiếu Cẩm Nê. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Bà Ngô Thị Thân (giữa) và hai người thợ dệt chiếu “lão làng” của làng chiếu Cẩm Nê. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Chút hồn quê trong hương Tết

Tuy không “lận đận” như nghề dệt chiếu, nhưng nghề làm bánh tráng ở Túy Loan, xã Hòa Phong, cũng cần một sự “hà hơi tiếp sức” nhất định.

Năm 2016, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hòa Vang triển khai dự án khôi phục làng nghề truyền thống, cả làng Túy Loan có gần 20 hộ làm bánh tráng mà không ai dám nhận. 2 hộ bà Đặng Thị Túy Phong và bà Đặng Thị Tùng “dũng cảm” nhận, được hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng, gồm cối xay bột, máy hút chân không và một số dụng cụ sản xuất khác. Bà Túy Phong cho biết, thường thì làm loại bánh lớn có đường kính gần 30cm, nhưng theo gợi ý của đơn vị tài trợ, bà tráng thêm một số bánh nhỏ có đường kính 20cm để khách hàng dễ mang đi, dễ nướng và cũng dễ… dùng.

Nhiều người phơi bánh tráng ra nắng, bà Túy Phong thì mưa nắng gì cũng làm khô bánh bằng lồng xông đan tre, đường kính gần 3m. Than trong lò cời ra, đem trải dưới lồng, lấy nhiệt làm khô bánh. Bánh phơi nắng bị “chai”, bà nói, dù được nướng bằng than cũng không giòn, không xốp và có vị thơm ngon như bánh xông than. Tết, người sành ăn bẻ cái bánh tráng rồi cắn nhẹ một miếng là cảm nhận được đó là bánh phơi nắng hay bánh xông than. Một số nhà ở phố nướng bánh bằng lò vi sóng lại càng làm mất đi cái hương vị của bánh.

Khách ưng chi mình làm nấy, bà Phong nói. Có người đặt bánh chay, bà không cho nước mắm và tỏi vào. Một vài khách hàng đề nghị bà cắt đôi bánh thành hai hình bán nguyệt để dễ đem lên máy bay đi các nơi, nhất là gởi cho bà con ở nước ngoài ăn Tết. Mấy năm đến gần Tết các lò bánh tráng ở Túy Loan mới rục rịch đỏ lửa, nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ, tháng nào bà Phong cũng làm 3-4 ang gạo bánh tráng. Tết Đinh Dậu bà tráng gần 40 ang gạo, Tết Mậu Tuất này sẽ tăng lên 50 ang, hy vọng sẽ không “cháy hàng” vào những ngày giáp Tết.

“Chợ Túy Loan trăm thứ trăm ngon. Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con mang nghèo”. Chừ thì không ai sợ chồng con nghèo bởi cái miệng “quá chừng” của mình. Và, trong trăm thứ ngon đó không thể thiếu những chồng bánh tráng “made in TuyLoan” thơm ngậy tinh ba tú khí của đất trời và công sức của con người. Và càng không thể thiếu những chiếc chiếu hoa của làng Cẩm Nê, loại vật dụng truyền thống góp phần làm nên hương sắc của mùa xuân, làm “no mắt ngon miệng” thêm những sản vật quê hương được bày biện trong suốt những ngày Tết.

Mà đâu chỉ riêng chợ Túy Loan, các chợ quanh vùng Tết này cũng sẽ có sự hiện diện của sản phẩm hai làng nghề vừa được huyện Hòa Vang tiếp sức. Sẽ có thêm một nét cọ chân quê phớt những mảng màu truyền thống để bức tranh xuân vương vấn chút hồn quê trong hương Tết.

VĂN THÀNH LÊ

Tin liên quan