Đình làng An Hải

Đình làng An Hải hiện nay tọa lạc tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Theo lưu truyền trong dân gian, người có công đầu trong việc khai phá, lập làng An Hải là một phụ nữ có tên gọi là Bà Thân. Ngày nay, tại phường An Hải Tây, có một ngôi chợ người dân thường gọi chợ Bà Thân (hoặc Hà Thân). Bà là một lưu dân từ phía Bắc vào lập làng từ thời vua Lê Thánh Tông lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471). Ra đi theo con đường Nam tiến, bà cùng chồng là ông Công Thân và những người thân cùng đi đã chọn vùng đất hoang vu ở bên bờ đông sông Hàn để dừng chân và lập làng. Địa điểm ban đầu họ dựng lều trại, vỡ đất là mảnh đất An Trung (cũng thuộc phường An Hải Tây hiện nay).

Từ thưở ban đầu lập ấp, làng An Hải có 6 tộc, gọi là lục tộc tiền hiền, gồm: Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh. Về sau thêm nhiều tộc học nữa, như Phạm, Phan, Hà, Đặng… Và các tộc dần dần phát triển nhiều phái, nhánh, như tộc Trần có Trần Văn, Trần Viết, Trần Hữu, Trần Quang…; tộc Huỳnh có Huỳnh Văn, Huỳnh Kim, Huỳnh Đình…Do vậy, làng An Hải hình thành 36 chư phái tộc.

Trong lịch sử phát triển của mình, làng An Hải đã hình thành những phong tục, tập quán đa dạng, trong đó lễ hội chọi trâu vào ngày mồng 10 tháng Tám (âm lịch) hàng năm được coi là một lễ hội tiêu biểu ở vùng đất Quảng Nam xưa. Vào dịp này, người dân làng An Hải dù đi làm ăn xa bất cứ đâu cũng về tụ hội đông đủ. Ngày nay, tục chọi trâu không còn nữa, nhưng câu ca sau vẫn còn được lưu truyền trong dân gian:

          “Dù ai buôn đâu, bán đâu

Mùng mười tháng Tám chọi trâu thì về”

Thời gian đầu, làng An Hải chưa có xã hiệu. Đến thời Gia Long mới có tên trong địa bộ, xã An Hải thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam; đông giáp Mỹ Khê, Phước Trường, Tân An, tây giáp sông Hàn, nam giáp Hóa Khuê, bắc giáp Cổ Mân (ngày nay bao gồm An Hải Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc và khu phố An Thượng của phường Mỹ An).

Thành công lớn nhất của các tiên dân làng An Hải chính là việc đắp đê ngăn mặn, biến vùng đất nhiễm mặn bên bờ đông sông Hàn thành những cánh đồng lúa nước An Trung, An Thị, An Thượng màu mỡ, trở thành trung tâm của 7 xã hữu ngạn sông Hàn.

An Hải còn là mảnh đất đã sản sinh ra một nhân vật lịch sử nổi tiếng, một khai quốc công thần triều Nguyễn, đó là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829). Và chính ông đã có đóng góp công lao lớn trong việc xây dựng, trùng tu tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng truyền thống của làng An Hải.

Tương truyền, nhân dân An Hải đã dựng đình làng từ rất sớm, trước thời kỳ nhà Nguyễn (1802), theo dạng 3 gian 2 chái, kết cấu vì kèo, mái lợp tranh, vách gỗ, sàn nhà cách mặt đất khoảng hơn 2m với mục đích phòng chống triều cường lũ lụt. Trải qua thời gian, ngôi đình đã xuống cấp. Thật may mắn, vào năm 1827, Thoại Ngọc Hầu đã có chuyến về thăm quê hương An Hải. Thể theo mong muốn của dân làng, ông đã họp hương chức trong làng để bàn việc xây dựng, tôn tạo lại các cơ sở tín ngưỡng, trong đó có ngôi đình làng. Bia kỷ công của làng An Hải được lập vào năm Quý Sửu (1853), nội dung ghi công đức của Thoại Ngọc Hầu và 15 người dân trong làng đã đóng góp gạch ngói, tiền bạc, đất đai vào việc xây dựng đình, chùa. Trong đó nêu rõ “Nguyễn Văn Thoại đã phụng cúng cho làng chùa, đình các miếu thờ: ngói, gạch, nhà kho các hạng, cùng cho bạc nhà nhà binh 10 nén“. Về sau, tưởng nhớ công lao của Nguyễn Văn Thoại đối với việc phát triển quê hương, nhân dân làng An Hải đã tôn vinh ông là hậu hiền của làng.

Đến năm Tự Đức thứ 30 (1877), đình An Hải được trùng tu tôn tạo.  Sau bao năm binh lửa chiến tranh, đình bị đổ nát nên vào năm 1956, dân làng đã xây lại ngôi đình mới. Năm 1992 có sửa chữa nhỏ.

Đình An Hải được kiến trúc theo dạng 3 gian 2 chái, tường xây, mái lợp ngói, có chính điện và hậu tẩm. Đình dài 12,95m, rộng 11,2m. Hậu tẩm xây theo dạng vòm cuốn dài 4,15m rộng 5,14m. Bên trong, đặt bàn thờ chính thờ Thần.

Chính điện có ba hàng cột vuông bằng gỗ mít, mỗi hàng 8 cột; cột cái cao 5m; cột quân cao 4,2m; cột hiên cao 3,7m. Hai bên tả, hữu đặt hai ban thờ tiền hiền và hậu hiền, có đôi câu đối bằng chữ Hán.

Trong lịch sử tồn tại của mình, đình An Hải là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và là cơ sở cách mạng của địa phương trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong phong trào Cần Vương, làng An Hải là một trong những địa bàn hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), đình An Hải trở thành trung tâm chỉ huy của nghĩa quân các xã bờ đông sông Hàn. Ngày 26-9-1887, khi giặc Pháp áp giải Nguyễn Duy Hiệu (lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội) ra đến bến đò Hà Thân, có một thân binh tên là Phan Văn Đạo định giải thoát cho ông nhưng chẳng may bị giặc phát hiện bắt và xử chém ngay tại đình. Để tưởng nhớ gương anh dũng hy sinh của anh hùng họ Phan, người dân An Hải đã tôn ông là “Nhân thần nghĩa sĩ” và hằng năm tế giỗ vào ngày 10-8 âm lịch.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng An Hải là nơi quy tụ các lực lượng yêu nước, các tổ chức Đảng, Đoàn hội họp và huấn luyện chiến đấu, là điểm tập trung xuất phát tiến hành đấu tranh giành chính quyền tại xã An Hải, đồng thời là nơi lập chính quyền cách mạng khu Đông. Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đình An Hải trở thành địa điểm hoạt động của cơ sở cách mạng, là nơi cất giấu vũ khí; dùng cây đa trước đình là đài quan sát theo dõi tình hình địch trong các trận càn, đặc biệt, luôn theo dõi hoạt động của giặc Pháp trong đồn Thông Mười (cách đình 300m về hướng Bắc) để từ đó tổ chức những lần xuất kích chống càn và tiêu diệt địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đình An Hải là nơi hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng, là điểm xuất phát để thực hiện treo băng, cắm cờ đỏ sao vàng trong những ngày lễ lớn. Trong Tổng tiến công Mậu Thân (1968) và chiến dịch Xuân 1975, các lực lượng vũ trang cách mạng đã dùng đình làng để thành lập các bộ phận thông tin tuyên truyền, để kịp thời thông báo và kêu gọi lực lượng địch bỏ hàng ngũ ra đầu hàng chính quyền cách mạng.

Trong quá khứ và đến hôm nay, hàng năm nhân dân An Hải đều tổ chức lễ hội tại đình làng trong đó có nhiều trò chơi, các diễn xướng dân gian mang sắc thái địa phương, thu hút mọi tầng lớp người dân tham gia. Các ngày lễ chủ yếu (theo Âm lịch) là:

– Ngày 2 tháng 3 giỗ tiền hiền.

– Ngày 10 tháng 3, tế Xuân cầu an, tổ chức tại đình và các miếu tại 11 xóm trong làng.

– Ngày 6 tháng 6, giỗ hậu hiền, đồng thời kỷ niệm ngày mất danh nhân Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

– Ngày 10 tháng 8, tế Thu cầu an tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ.

Hiện nay, đình An Hải còn lưu được bốn sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng:

– 01 Sắc năm Tự Đức thứ 30 (1877),

– 02 Sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1886),

– 01 Sắc năm Duy Tân nguyên niên (1907).

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?