Đình Trung Lương hiện tọa lạc tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, cách Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Tây Nam.
Đình Trung Lương là nơi dân làng Trung Lương thờ tự thần Thành hoàng, các vị thần trong tín ngưỡng truyền thống và các vị có công xây dựng làng xã trong lịch sử hình thành và phát triển.
Làng Trung Lương được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ 19 trên xứ đất tục gọi là xứ Cồn Soi, tách ra từ làng Khuê Đông. Dân làng sống bằng nghề nông và soi đánh bắt cá ven sông. Lúc bấy giờ có 5 tộc đến đầu tiên khai canh lập làng là tộc Huỳnh Ngọc, tộc Trần Phước, tộc Nguyễn, tộc Lê và tộc Hồ Văn. Về sau do sự phát triển về dân số, dân làng ngày một đông đúc, nên nhiều vị cao niên trong các tộc họ đã đứng tên xin phủ Điện Bàn cho xứ đất Cồn Soi được lập làng và phủ Điện Bàn lúc bấy giờ đã đồng ý công nhận cho thành lập, lấy tên là làng Trung Lương. Sau khi làng Trung Lương được thành lập một thời gian, với dân số đông và đủ điều kiện về vật chất, các vị cao niên đứng đầu các tộc đã khơi xướng việc xây dựng đình làng. Được sự hưởng ứng và sự đồng ý của dân làng là lấy ngôi miếu thờ Thái Giám để xây dựng đình làng.
Hiện ngôi đình nằm trên một khu đất có diện tích 416m2, theo lối kiến trúc hình chữ Đinh được bố cục thành 2 phần gồm: chính điện nằm ngang, hậu tẩm nối liền phía sau và xây dựng bằng gạch trát vữa vôi, xi măng. Bên trong chánh điện có 2 ban thờ tả, hữu – thờ tiền hiền và hậu hiền. Phần hậu tẩm có 1 ban thờ – thờ Thành hoàng bổn xứ. Trên mỗi ban thờ đều có trang trí đắp nổi hình rồng, phụng bằng sành sứ. Phần hiên của chính điện có hai lầu chiêng, trống hai bên. Mái của đình được lợp bằng ngói âm dương trát vôi vữa. Nóc mái của chính điện được trang trí các đồ án truyền thống như “hồi long”, “lưỡng phụng”.
Đình Trung Lương (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ)
Phía ngoài sân là bình phong xây kiểu cuốn thư, mặt ngoài trang trí long mã, mặt trong là hình ngư long hí thủy, trên hai góc cuốn thư có hình hai con kỳ lân. Các trụ cổng tam quan xây theo khối trụ vuông. Hai trụ giữa cao khoảng 5m, đầu trụ trang trí thạch liên, hai trụ hai bên cao khoảng 4m, đầu trụ trang trí hình nậm rượu. Trên trụ có khắc các câu đối Hán – Nôm.
Mặt ngoài bình phong đình Trung Lương
Mặt trong bình phong đình Trung Lương
Thời kì kháng chiến chống Pháp, đình Trung Lương là nơi tổ chức học tập chính trị, quân sự do Mặt trận Việt Minh – chính quyền cách mạng ở địa phương tổ chức. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Trung Lương còn được dùng làm cơ sở chỉ huy các đơn vị bộ đội và dân quân du kích vận chuyển vũ khí, lương thực, đánh vào sân bay Đà Nẵng năm 1964, đánh vào sân bay Nước Mặn năm 1968, đồng thời là nơi che chở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích của địa phương. Với thành tích đó, nhân dân làng Trung Lương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng 05 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 226 Huân chương các loại, 137 Huy chương các loại và công nhận 85 Liệt sĩ. Hiện nay, đình làng còn 9 sắc phong (ghi là sắc phong cho xã Hóa Khuê Đông), niên đại từ thời Minh Mạng. Đây là nguồn tài liệu Hán- Nôm có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử địa phương.
Sắc phong tại đình Trung Lương
Hằng năm, vào ngày 10-3 âm lịch, tại đình tổ chức lễ cúng. Ngoài phần lễ thì có tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian nhằm tạo không khí vui vẻ, đoàn kết giữa nhân dân trong làng: kéo co, nhảy bao bố, đập ôm đất, đá gà, đẩy gậy, hát hò khoan..
Đình Trung Lương đã được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 5875/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Võ Thị Dung
(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)