HÁT BẢ TRẠO

Hát Bả Trạo là hình thức diễn xướng dân gian có từ lâu tồn tại cho đến ngày nay. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân ven biển Miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng. “Bả” là nắm chắc, “trạo” là mái chèo. “Hát Bả Trạo” là hát vững tay chèo theo động tác chèo thuyền. Hình thức diễn xướng này được tổ chức theo tục lệ hàng năm trong lễ hội cầu ngư, hoặc trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông.

Thành phần đội hát Bả Trạo gồm:

– Tổng mũi (tổng thuyền): Đứng trước mũi thuyền, người chỉ đường, hai tay cầm cặp sanh để gõ chỉ huy đội hát bả trạo từ đầu đến cuối buổi diễn.

– Tổng khoang (tổng thương): Đứng ở khoang thuyền, khi thuyền neo lại thì canh gác, tay cầm cần câu và gàu tát nước.

– Tổng lái (tổng hậu): Đứng cuối đuôi thuyền, hai tay nắm chèo lái để điều khiển con thuyền đi đúng hướng.  

Con trạo: gồm 12 đến 16 người, tùy theo quy định của từng địa phương. Con trạo thường là nam hoặc nữ còn trẻ, có sức khỏe, chưa có gia đình.

Nhạc cụ biểu diễn gồm có: trống, chiêng, kèn, đàn cò, sênh.

Hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư nhằm ca ngợi công đức của cá Ông đối với ngư dân hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển, sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no, đầy đủ. Đây cũng là một hình thức thể hiện tín ngưỡng của cư dân vạn chài đối với Đức Ngư Ông, có tác động sâu sắc đến yếu tố an dân trong hành nghề đi biển và niềm tin trong sự an cư lạc nghiệp của cộng đồng vạn chài.

                                                                                    Võ Thị Dung

                                                                               (Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

Tin liên quan