ĐÌNH VÂN DƯƠNG: NƠI GẮN KẾT VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) không chỉ là nơi liên lạc, hội họp của các cơ sở cách mạng, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương đến tận ngày nay. Với những giá trị đó, công trình này vừa được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

Đình Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là một trung tâm tín ngưỡng, bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền của nhân dân địa phương. Ảnh: XUÂN DŨNG

Đình làng Vân Dương được khởi dựng lần đầu trong khoảng thời gian dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) tại xóm Làng. Đây là ngôi đình cổ được các bậc tiền hiền di dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào tạo lập. Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Tất (chủ biên cuốn sách Làng cổ Vân Dương, NXB Đà Nẵng), ban đầu đình được xây dựng bằng các vật liệu giản đơn như vôi, đá cục, mái lợp ngói âm dương; trước mặt đình có bình phong đắp hình long mã. Kiến trúc, kiểu thức trang trí đình Vân Dương mang đậm dấu ấn văn hóa làng Việt với hình ảnh tứ linh tứ quý, bát bảo, bát quả.

Lưu giữ giá trị xưa

Bên cạnh đó, đây còn nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng địa phương trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ thể, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình Vân Dương được sử dụng làm nơi hội họp, dạy bình dân học vụ, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng nên bị quân địch bắn phá và đốt cháy.

Giữa năm 1958, nhân dân Vân Dương chung sức để xây dựng đình mới trên nền cũ nhưng với quy mô nhỏ hơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng bởi bom đạn và thiên tai bão lũ. Sau năm 1975, đình Vân Dương trở thành lớp học tiểu học và kho chứa lúa của hợp tác xã. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đình Vân Dương là chứng tích ghi dấu bao sự kiện lịch sử hào hùng xảy ra trên mảnh đất phía bắc Hòa Vang.

“Qua nhiều lần trùng tu, đình không còn giữ được nét nguyên bản so với thời kỳ đầu và ít nhiều tiếp biến, giao thoa với kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, xét tổng thể ngôi đình vẫn thể hiện được nét truyền thống qua từng đơn nguyên kiến trúc và kiểu thức trang trí”, ông Tất cho biết.

Ngoài giá trị lịch sử, đình Vân Dương là nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa phi vật thể thông qua thực hành thờ cúng, tế lễ. Trong đó, lễ Kỳ Yên (lễ Cầu An) diễn ra vào ngày 14-4 âm lịch hằng năm tại đình làng là lễ lớn nhất, đóng vai trò trung tâm, liên kết hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng và các di tích xung quanh. Ông Phan Văn Kế, Trưởng ban Quản lý đình Vân Dương cho biết, lễ Kỳ Yên tổ chức tại đình Vân Dương là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên.

Theo thông lệ, cứ 5 năm/lần, địa phương tổ chức lễ hội đình làng, biểu diễn các loại hình văn nghệ, văn hóa dân gian như hô hát bài chòi, trò chơi diễn xướng… “Thông qua các hoạt động về nghi lễ, các sinh hoạt hội hè tại đình, người dân làng Vân Dương biết tôn trọng các thế hệ tiền nhân có công đức với làng, biết đoàn kết, hướng thiện và tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Hiện người dân nơi đây đều kỳ vọng đình được khôi phục đúng nguyên trạng, lễ hội đình làng được tổ chức hằng năm để lưu truyền, phát huy giá trị văn hóa của địa phương đến các thế hệ mai sau”, ông Kế chia sẻ.

Giữ gìn, phát huy giá trị di tích

Anh Lê Văn Phúc, chuyên viên phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết, nhiều năm qua, đình Vân Dương là trung tâm tín ngưỡng phản chiếu những sắc thái, giá trị văn hóa cổ truyền của nhân dân địa phương. Di sản văn hóa phi vật thể như các lễ cúng tế, cách thức tổ chức, thực hành tín ngưỡng thờ cúng các bậc tiền nhân mà người dân Vân Dương còn lưu giữ đến hôm nay là một kho tư liệu phong phú, giúp hiểu thêm về quan niệm, tập tục của người dân trong cuộc sống.

Những tư liệu Hán Nôm trong đình phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân. Hiện đình Vân Dương không còn hiện vật, lối vào hai bên bình phong bị hư hại, chỉ còn lại tấm bình phong ở giữa. Vì vậy, gìn giữ và bảo vệ đình Vân Dương cũng chính là bảo vệ một vật báu thiêng liêng, bằng chứng sống góp phần không nhỏ trong việc giáo dục những giá trị lịch sử văn hóa của cha ông đến những thế hệ hôm nay và mai sau.

Anh Ngô Xuân Lợi, cán bộ văn hóa xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) cho biết, đình Vân Dương mang giá trị thẩm mỹ cao với vị trí đẹp, sân vườn rộng, thoáng đãng, được bóng cây cổ thụ che mát quanh năm. Những năm qua, đình Vân Dương luôn là di tích đặc biệt quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa của xã Hòa Liên và được người dân quý trọng, gìn giữ. Việc đình được công nhận là di tích cấp thành phố là niềm hạnh phúc, vinh dự rất lớn của chính quyền địa phương và người dân. Điều này cũng mở ra cơ hội về việc đình được trùng tu về đúng hiện trạng ban đầu, theo đúng nguyện vọng của nhân dân thôn Vân Dương.

UBND thành phố ban hành Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 19-4-2021 về việc xếp hạng đình Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là di tích cấp thành phố. Đồng thời, yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích đình Vân Dương thực hiện việc quản lý, bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về Di sản văn hóa.

Đình Vân Dương có tổng diện tích 2006,2m2, tọa lạc trên một khoảng đất rộng, bằng phẳng, mặt quay về hướng tây. Ngôi đình này có các thành phần kiến trúc gồm bình phong và đình chính, được bố cục theo nguyên tắc đơn tuyến. Sau nhiều lần bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai, đình được người dân xây dựng lại bằng vật liệu xi măng, cốt thép, với lối kiến trúc dân gian truyền thống 3 gian, 2 chái.

XUÂN DŨNG/ Báo Đà Nẵng Online

(Nguồn: https://baodanang.vn/du-lich-da-nang/202107/dinh-van-duong-noi-gan-ket-van-hoa-cong-dong-3884511/)

Tin liên quan