Đình Đa Phước hiện thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, được công nhận là Di tích cấp thành phố (tại Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Đình Đa Phước hiện tọa lạc trên một khu đất cao, rộng với diện tích 3546,4m2. Đình vừa được nhân dân địa phương xây dựng lại, với sự phối hợp nhiều mảng kiến trúc cổ truyền và hiện đại. Đình được tạo hai tầng mái, trên gắn ngói, các góc vuốt cong và được gắn hình linh thú. Chính giữa mái có hai con rồng trong tư thế chầu mặt nhật. Trước mặt đình là tấm bình phong rộng 3,64m, cao 2,5m, được tạo hình cuốn thư với nhiều họa tiết trang trí. Mặt ngoài đắp nổi hình con hổ, hai bên có đôi câu đối. Mặt trong đắp nổi hình long mã, hai bên là phần phiên âm của hai câu đối bằng chữ hán ở mặt ngoài. Trên hai trụ biểu có gắn biểu tượng búp sen. Đi qua khoảng sân rộng bằng xi măng, xây cao hơn mặt bằng xung quanh, bước lên bậc tam cấp với hai con sư tử chầu hai bên là đến tiền đường đình. Các cột trụ ở đây được trang trí khá bắt mắt. Trên mỗi cột đắp nổi hình rồng uốn lượn màu vàng đối với nền màu nâu của cột. Đế hai cột trụ giữa được tạo hình hai con rùa. Các cột trụ khác có đế hình quả bí. Phần chánh điện có diện tích 14,6 x 8m, chia làm 3 gian, với 48 cột trụ được xây dựng bằng bê tông cốt sắt. Trên mỗi trụ có tạo các câu đối. Ở ba gian chánh điện đều có ba bức hoành gỗ được sơn thếp rực rỡ, trên khắc các chữ “Hữu khai tất tiên” 有 開 必 先 (Việc khai dựng là nhờ người đi trước), “Ẩm hà tư nguyên” 飲 河 思 源 (Uống nước nhớ nguồn) và “Thực quả tư bồi”食 菓 思 培 (Ăn quả nhớ người trồng cây).
Trong chánh điện bài trí 5 ban thờ. Chính giữa là ban thờ hội đồng thờ chung các vị thần thánh và tiền hiền, hậu hiền. Bên trái là ban thờ tả, được trang trí khá cầu kì với hai con rồng uốn mình trên hai cột trụ, phần trên án tạo hình cuốn thư với nhiều họa tiết cây lá. Giữa ban thờ có ghi hai chữ “Quang tiền”, hai bên có cặp câu đối. Ban thờ hữu được trang trí giống ban thờ tả, giữa ghi hai chữ “Dụ hậu”, hai bên có đôi câu đối. Ngoài ba ban thờ trên, còn có hai ban thờ nằm về hai đầu hồi của chánh điện, vuông góc với ba ban thờ đã nói đến. Hai ban thờ này trên có ghi lần lượt hai chữ “Tả ban” và “Hữu ban”, được trang trí gần giống hai ban thờ tả, hữu.
Hậu tẩm không nằm tách biệt mà nối liền với chánh điện ngay sau ban thờ hội đồng. Trước hậu tẩm có tấm hoành tạo hình cuốn thư ghi bốn chữ “Chính khí trường tồn”正 氣 長 存. Được trang trí không khác so với các ban thờ còn lại, ban thờ ở hậu tẩm giữa có ghi chữ “Thần”, hai bên là đôi câu đối. Nằm trong khuôn viên đình, còn có hai ngôi miếu. Miếu Âm linh và miếu Xóm Chùa.
Do thời gian và chiến tranh, đình làng Đa Phước đã xây dựng, trùng tu lại nhiều lần và tồn tại cho đến ngày nay. Đây là nơi ghi dấu những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của dân làng Đa Phước trong thăng trầm của lịch sử. Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, đình làng Đa Phước cũng góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng tại địa phương, khi là nơi hội họp, tuyên truyền sinh hoạt Đảng, nơi che giấu cán bộ cách mạng và vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men phục vụ kháng chiến.
Ngày nay, tại đình dân làng vẫn tổ chức các lễ tế hàng năm theo lệ cũ mà các bậc tiền bối đã trao truyền lại. Lễ lớn nhất trong năm phải kể đến Lễ cầu an. Lễ này diễn ra hai lần trong năm, vào ngày 14 tháng 3 và ngày 14 tháng 9 âm lịch. Mục đích là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, hằng năm làng còn tổ chức Lễ cúng tất niên và cúng tiên linh vào ngày 24 tháng 12 âm lịch và lễ hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng giêng với sự tham gia đông đủ của các tộc, phái và nhân dân trong làng.
Trần Phương (Biên tập)