Thúng rái Phước Hưng

 

Làng Phước Hưng thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nghề làm thúng rái có cách đây đã hơn 100 năm, bắt nguồn từ một người tên là Trần Phi cư ngụ tại làng Phước Hưng chuyên làm việc tại các làng chài ven biển Nam Ô, Thanh Khê, Sơn Trà. Từ xưa, nghề làm thúng rái đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương nơi đây.

Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là tre. Một chiếc thúng được làm từ hai loại tre: tre mỡ và tre đực. Tre làm thúng phải từ một năm rưỡi đến hai năm tuổi trở lên mới bảo đảm được độ bền, dẻo dai của thúng, già quá thì khó chẻ, khi trét dầu sẽ không thấm.

    Để làm nên một chiếc thúng rái, gồm các công đoạn: Chẻ nan: Tre mua về được cắt khúc theo kích thước của thúng, róc mắt, chuốt hết tinh màu xanh của tre để sau này trét dầu rái thấm vào thúng. Sau đó, chẻ nan ra để vót. Nan chỉ lấy cật, bỏ ruột. Điều này giúp thúng không bị thấm nước, cũng như mối mọt xâm hại. Nan thúng cỡ 2 – 2,5 cm thì thúng đan mới chặt và tròn đều. Quá trình chẻ và vót nan sao cho đầu nan cứng, phần giữa thì mềm dẻo để có thể uốn và lật lại thúng mới đứng. Nan tre phải phơi 4 – 5 nắng cho khô, để khi đan không bị hở.

Đan nan: Đây được coi là công đoạn quan trọng trong quá trình làm thúng. Nan tre phải được chọn lựa kỹ lưỡng. Khi đan nan đến đâu người thợ phải chít lại với nhau thật kỹ để không có lỗ hở (còn gọi là giật nan). Các nan được đan vào nhau thành tấm lớn gọi là mê. Chiếc thúng rái được đan theo thứ tự từ trong ra ngoài theo các quy định: long mốt, long hai, long ba và long bốn. Công đoạn này người thợ phải cẩn thận, khéo léo mới cho ra một chiếc thúng tròn, đều.

Vót vành: Vành là vòng tròn bằng tre bao quanh miệng thúng, được làm từ tre đực (tre gai). Loại nguyên liệu này thường lâu năm hơn tre dùng làm nan, cho nên dày và đảm bảo không bị bể khi uốn vành. Tre được đem phơi từ 5 -7 nắng cho thật khô rồi uốn lại, đây là công đoạn khó nhất quyết định độ bền chặt của thúng. Vành thúng được vót kỹ, mịn. Đối với thúng nhỏ, vành gồm 4 thanh tre cuộn lại, thúng lớn thì 6 thanh tre. Thúng hột xoài kích thước lớn nên cần đến 12 hoặc 16 thanh.

Lận thúng: Khi đã vót xong vành thúng, người thợ sẽ đóng cọc và treo vành lên. Sau đó, bỏ mê lên trên rồi đạp xuống, lận cho đều mê chính vào vành. Khi chỉnh sửa như ý thì lấy cước sợi to buộc chặt quanh vành, dùng kìm siết chặt để cố định thúng lại. Đây cũng là công việc đòi hỏi khéo tay, phải thắt dây cước thật kỹ và đều để làm cho thúng không lỏng lẻo, xộc xệch.

Trét phân: Sau khi đã tạo ra hình thù của một chiếc thúng, người thợ trét phân bò lên bề mặt thúng, sau đó đem phơi khô từ 6 – 7 ngày.

Trét dầu rái: Đây là công đoạn cuối cùng. Dầu rái là một chất kết dính rất cao được quét lên để bảo vệ và chống thấm cho thúng.

Thời gian để hoàn thiện một chiếc thúng rái mất từ 10 đến 15 ngày. Mỗi chiếc thúng rái được bán có giá từ 6 đến 10 triệu đồng, tùy theo kích cỡ từng loại sản phẩm. Trước đây có rất nhiều hộ gia đình theo nghề, chiếm 8/10 hộ sinh sống trong làng, về sau gặp rất nhiều khó khăn nên người dân đã bỏ nghề theo nghề khác. Hiện nay, do nguồn nguyên liệu để làm thúng tại địa phương khan hiếm, người làm thúng phải tìm mua nguyên liệu ở những nơi khác, vì vậy sản phẩm làm ra bán ít có lời. Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại thúng composit được bán với giá thành rẻ hơn nhiều. Vì vậy, để giữ gìn nghề thủ công truyền thống này, chính quyền địa phương cần phải có các biện pháp bảo vệ.

Tin liên quan