Tại Bảo tàng Đà Nẵng, khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh để quét các mã QR (mã hóa một thông tin nào đó – PV) được gắn trên các hiện vật lịch sử, rồi nghe thuyết minh về hiện vật đó bằng chính chiếc điện thoại của mình.
Đó là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) do Đại học Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp thực hiện, chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 9-2018.
PGS.TS Võ Trung Hùng (người ngồi) thử nghiệm việc quét mã QR bằng điện thoại thông minh để nghe thuyết minh về hiện vật lịch sử ở Bảo tàng Đà Nẵng. |
Chủ nhiệm của đề tài NCKH này là PGS.TS Võ Trung Hùng, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng. TS Hùng cho biết, Đại học Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng bắt đầu phối hợp nghiên cứu đề tài này từ cuối năm 2016.
Thời điểm này, lượng khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng bắt đầu tăng mạnh, phần nào gây áp lực cho đội ngũ nhân viên thuyết minh ở các bảo tàng. Lúc đó, nhóm nghiên cứu đã nghĩ về giải pháp ứng dụng công nghệ, giúp khách tìm hiểu về các giai đoạn, hiện vật lịch sử một cách thuận tiện nhất mà không cần đến người hướng dẫn.
Sau đó, các nghiên cứu viên của hai đơn vị đã xây dựng một kho dữ liệu lớn, gồm bài thuyết minh của 18 chuyên đề thời kỳ lịch sử và 600 hiện vật lịch sử tại Bảo tàng Đà Nẵng. Các bài thuyết minh bằng tiếng Việt được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi được thu âm cẩn thận.
Đầu năm 2018, Bảo tàng Đà Nẵng bắt đầu triển khai gắn mã QR tại các gian trưng bày hiện vật. Chỉ cần quét qua mã này, du khách sẽ được nghe thuyết minh về hiện vật tại gian đó bằng điện thoại thông minh của mình.
Theo PGS.TS Võ Trung Hùng, thời gian đầu nhiều du khách phản hồi việc mã QR xuất thông tin vẫn còn chậm do hạ tầng Internet tại Bảo tàng Đà Nẵng chưa đáp ứng được. Sau đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã nhanh chóng lắp đặt hệ thống mạng Internet không dây ở tất cả các gian trưng bày.
Từ tháng 9-2018, hệ thống thuyết minh qua mã QR để đưa vào sử dụng chính thức và nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách trong và ngoài nước. Thậm chí, dù không đến bảo tàng, du khách vẫn có thể nghe thuyết minh về các hiện vật thông qua trang web http://qrcode.baotangdanang.vn.
Qua đánh giá cho thấy, hệ thống thuyết minh này đã giải quyết được một số vấn đề trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng như giúp hạn chế tình trạng thuyết minh không chính xác dẫn đến cung cấp cho du khách những thông tin không chính thống, thậm chí sai lệch.
Đồng thời, việc thuyết minh bằng mã QR qua điện thoại thông minh còn tạo ra các trải nghiệm cá nhân cho du khách.
“Sẽ không còn cảnh khách chưa kịp ngắm nhìn, chiêm ngưỡng hiện vật đã phải chạy theo thuyết minh viên để đến gian trưng bày hiện vật khác. Bây giờ, khách có thể dừng chân ở bất kỳ gian trưng bày nào với thời gian bao nhiêu tùy ý để đắm mình vào những điều mình thích. Việc tạo ra trải nghiệm cá nhân rất quan trọng vì nó giúp du khách nhớ nhiều hơn sau mỗi chuyến đi và quay trở lại nhiều lần hơn nữa”, TS Hùng nói.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục dịch các bài thuyết minh sang một số ngôn ngữ như: tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc… Sau những thành công bước đầu, hiện nhóm nghiên cứu đang làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao để mở rộng mô hình thuyết minh đa ngữ qua mã QR sang các điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố.
Cuối tháng 10 vừa qua, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại Bảo tàng Đà Nẵng” được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu thành công. Tại buổi họp nghiệm thu, đề tài này được đánh giá là mang lại hiệu quả tốt, giúp cho du khách đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng dễ dàng tiếp nhận thông tin qua thiết bị di động thông minh mà không cần hướng dẫn viên.
Ngoài ra, hệ thống cũng đã góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa công tác bảo tàng và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như góp phần nâng cao hình ảnh của Bảo tàng Đà Nẵng, hình thành các dịch vụ mới như: thuyết minh tự động, cung cấp thông tin qua môi trường webside và Internet.
Bài và ảnh: PHONG LAN