Đình An Ngãi Đông hiện tọa lạc tại làng An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang
Làng An Ngãi Đông ngày nay có tứ cận: bắc giáp làng Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), nam giáp núi Hố Dầu, đông giáp Khu công nghiệp Hòa Khánh – nguyên là làng Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc – Liên Chiểu) và tây giáp làng An Ngãi Tây (cùng thuộc xã Hòa Sơn).
Việc xác định thời gian khai phá, lập làng An Ngãi Đông đến nay chưa thể xác định được. Bởi lẽ, các nguồn tư liệu để nghiên cứu quá hiếm hoi. Tư liệu dân gian cũng rất mơ hồ. Những huyền tích về dòng họ, về những lớp người khai mở làng mạc đều thiếu những căn cứ lịch sử, không giúp được gì nhiều cho việc nghiên cứu. Ngay cả thế thứ trong nội bộ các dòng họ cũng chỉ truyền lại trong trí nhớ, không có tư liệu khả tín. Lưu truyền dân gian chỉ cho biết những dòng họ đến đây định cư sớm nhất gồm các họ Nguyễn, Hứa, Lê, Phạm nay mới đến đời thứ 11.
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết đình An Ngãi Đông ngày nay được xây dựng từ năm 1892 – đời Thành Thái năm thứ 4.
Từ đó đến nay, đình làng được sửa chữa, bổ sung một số chi tiết nhỏ, chủ yếu ở phần tường và mái, còn kết cấu, kiến trúc chính vẫn được bảo tồn và không hề thay đổi.
Đình An Ngãi Đông tọa lạc giữa một khu đất bằng, nằm ở giữa làng. Mặt tiền quay về hướng tây, trước mặt đình là một cánh đồng làm yếu tố minh đường thủy tụ, trông xa là dãy núi Bà Nà án ngữ.
Đình có công trình kiến trúc chính là tòa chính điện. Diện tích mặt bằng chính điện là 9,3m x 9,175m (85,4 m2). Kiến trúc theo lối nhà rường 1 gian 2 chái, gồm 2 bộ vì, mỗi bộ vì có 5 hàng cột (2 cột nhất, 2 cột nhì và 1 cột 3 tiền; đường kính cột theo thứ tự là 25cm, 22cm và 20cm). Tất cả hệ thống cột đều đứng trên đá táng hình quả bí. Hình thức liên kết cột trong mỗi bộ vì cơ bản là liên kết kèo, tuy nhiên có khác nhau một chi tiết giữa 2 nửa vì sau và trước. Nửa vì sau là liên kết kèo chuyền tam đoạn, gồm kèo nhất, kèo nhì và kèo 3; đuôi kèo 3 được tỳ trực tiếp lên vách tường sau. Nửa vì trước vừa liên kết kèo, vừa có liên kết rường, từ giao nguyên xuống cột nhì là liên kết kèo chuyền lưỡng đoạn, từ cột nhì đến cột 3 là liên kết rường. Bản chất kỹ thuật của lối liên kết này không phải hiếm gặp mà khá phổ biến ở đình làng Đà Nẵng nói chung, ngoài đình An Ngãi Đông còn có các đình như Nại Nam, Xuân Dương, Thái Lai.
Các bộ phận liên kết như xuyên, trính, kèo, kèo đấm, kèo quyết đều được tạo dáng cong và có một số ít có chạm khắc trang trí hoa văn vân vũ, dây lá ở phần đuôi.
Như thường thấy trong đình làng Đà Nẵng, đình An Ngãi Đông cũng có xà cò cong nằm song song phía dưới cây đòn đông và bộ phận cánh dơi trụ trốn đỡ lấy giao nguyên, đứng trên chân tôm.
Mái đình lợp ngói âm dương. Nóc mái gắn trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt” theo thế hồi long. Các bờ góc gắn các hình tượng khác trong tứ linh và hình giao long. Ở hai đầu bít đốc đều đắp nổi hình dơi và phong cảnh, hoa lá. Tất cả các trang trí trên đều được đắp khảm sành sứ.
Trong nội điện, sát vách tường phía sau xây 3 khám thờ: Giữa thờ các vị thần trong tín ngưỡng truyền thống, 2 bên tả hữu thờ những bậc tiền hiền và hậu hiền có công khai phá, phát triển làng An Ngãi Đông trong quá trình lịch sử. Có những câu đối bằng chữ Hán ngưỡng vọng công đức thần thánh, tiền nhân.
Chính ngay gian giữa xây một hương án, tạo các ô bậc trang trí hình đầu rồng (chính giữa) và tứ quý, tứ hữu. Mặt ngoài của 2 bức tường ngăn phía trước của 2 chái đình đắp nổi hình long tàng vân, được thể hiện khá sắc sảo và mềm mại.
Bước qua khoảng sân, trước chính điện, nằm trên trục thần đạo là bức bình phong rộng 3,56m, cao 2,75m. Mặt ngoài đắp nổi hình hổ, mặt trong đắp hình long mã khảm sành. Ngoài ra còn có các ô nhỏ trang trí hoa lá và tứ hữu.
Trong khuôn viên đình làng, nằm hơi thụt về phía sau bên tả của chính điện là miếu Âm linh của làng. Miếu được xây bằng gạch, vữa xi măng và hoàn toàn lộ thiên. Diện tích miếu là 7,6m x 9,27m (68,6m2).
Cũng như các đình làng khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hằng năm dân làng An Ngãi Đông đều tổ chức việc cúng tế thần linh, sinh hoạt hội hè tại đình làng như lễ tế Xuân, tế Thu, lễ Kỳ an…Trong tất cả những ngày lễ nói trên, quy mô nhất là đại lễ ngày 16 tháng 4 (Âm lịch). Đây thực sự một kỳ lễ hội trong năm của dân làng. Vào dịp này, ngoài các nghi thức tế tự trang nghiêm, còn có các hoạt động vui chơi giải trí dành cho toàn thể dân làng với những hình thức phong phú, đa dạng.
Với đầy đủ đặc tính của một thiết chế văn hóa làng xã Việt, đình làng An Ngãi Đông thực sự là một trung tâm tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng dân làng địa phương. Đó là nơi hội tụ và phản chiếu những sắc thái giá trị văn hóa cổ truyền của nhân dân An Ngãi Đông.