Đình Dương Lâm hiện tọa lạc tại thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Trước đây, làng Dương Lâm có tên là Dương Lam, thuộc xã Dương Sơn, đến triều Bảo Đại (1925 – 1945) mới đổi tên gọi thành Dương Lâm. Theo người dân ở đây cho biết thì những người đầu tiên vào đây khẩn hoang, lập làng đầu tiên là hai vị thủy tổ của hai tộc Thi và tộc Phạm. Dân làng tôn hai vị này là “lưỡng tộc đồng tiền hiền”.
Song song với việc lập làng, theo truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, các đình chùa, đền miếu cũng lần lượt được dựng lên để thờ các vị thần linh và sau đó cũng thờ các vị tiền hiền, được tôn vinh là có công với nước được vua sắc phong. Đình và chùa được xây dựng ở trung tâm làng. Đình là nơi thờ thần Thành Hoàng và các vị thần Đại Càn quốc gia Nam Hải, thần Lang Lại Nhị đại tướng quân; chùa là nơi thờ Quan công. Ngoài ra, còn một số dinh miếu được xây dựng như miếu Ngũ Hành, dinh Ông (thờ thần Cao các Quảng độ đại vương), dinh Bà (thờ bà Diễn Phi Thiên Y A Na chúa Ngọc), dinh Thái Giám (thờ Thái Giám Bạch Mã), miếu Tam vị ở xóm Bàu Thị.
Ngôi đình hiện nay là một ngôi chùa thờ Quan Công. Trước đây, làng Dương Lâm cũng có một ngôi đình riêng được xây dựng cách đó khoảng 500m. Các bằng sắc, đồ thờ tự đều được để ở ngôi đình cũ này. Cách mạng tháng Tám thành công, ngôi đình cũ Dương Lâm được dùng làm nơi hội họp của nhân dân. Do đó tất cả các lư hương, đồ thờ tự, bằng sắc của đình đều được đưa sang ngôi chùa và từ đó dân làng dùng ngôi chùa làm đình làng Dương Lâm.
Đình (chùa) được xây dựng từ triều vua Tự Đức thứ 19 (1866) và được tu bổ lần đầu vào năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân (1910). Năm 2007, do các cấu kiện gỗ của đình đã bị mục ruỗng, hư nát nên Nhà nước đã đầu tư kinh phí dựng lại theo đúng mô hình của ngôi đình cũ. Năm 2010 – 2011, đình tiếp tục được tôn tạo với việc xây dựng các công trình ngoại vi tạo thành một không gian kiến trúc – văn hóa đẹp, uy nghiêm.
Vật liệu xây dựng đình là gỗ, gạch vữa xi măng, mái lợp ngói âm dương. Kiến trúc theo lối một gian hai chái với bốn cột chính cao 3m đường kính 28cm, vì kèo nóc được liên kết theo kiểu giao nguyên đỡ đòn đông. Bên trong, gồm: 3 gian thờ, gian giữa được xây khám. Điểm độc đáo nhất là việc trổ hướng cho ngôi đình, nó không tuân theo kiểu truyền thống là trục dũng đạo luôn vuông góc với đường nóc mái trên mặt bằng kiến trúc mà ở đây nó lại cùng phương, bít đốc quay ra đằng trước, hai chái trở thành hai mái chính sau và trước của ngôi đình. Đây là một kiểu duy nhất có ở đình Dương Lâm trong tất cả đình làng ở Đà Nẵng. Trang trí bên ngoài, phía trên nóc có đắp tượng Quan công trong khám nhỏ tượng trưng. Trước sân là tam quan đình và bình phong được trang trí các họa tiết, hình tượng theo mô típ truyền thống…
Hằng năm, tại đình dân làng tổ chức lễ hội vào các ngày: Tết Nguyên Đán, lễ giỗ tiền hiền (ngày 14/4 âm lịch), lễ chạp mả tiền hiền (ngày 7/11 âm lịch).
Đình Dương Lâm được công nhận là Di tích cấp thành phố tại tại Quyết định số 9859/QĐ- UBND ngày 23/12/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.