Lễ hội cầu ngư Nại Hiên Đông

Phường Nại Hiên Đông thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, hiện nay hơn 60% nhân dân sinh sống bằng nghề biển. Ngoài ra, số còn lại làm các dịch vụ cho nghề biển như: cung cấp chài lưới, làm các công cụ đánh bắt, buôn bán tôm cá. Ngư dân đánh bắt trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch và tấp nập nhất là từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch.

Lăng Ông phường Nại Hiên Đông được xây dựng vào năm 1930, lăng còn được ngư dân gọi với cái tên “Đền thờ ngư Ông cửa khẩu sông Hàn Đà Nẵng” hoặc “Lăng Ông tứ chánh hội vạn nghề”. Trải qua một thời gian dài bị thiên nhiên tàn phá, lăng bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào năm 2012, ngư dân Nại Hiên Đông đã chung góp tiền bạc và công sức để xây dựng Lăng Ông như hiện nay. Lăng vừa có chức năng tín ngưỡng lại vừa là nơi tổ chức lễ cầu ngư hàng năm. Lúc đầu chỉ có phần lễ mà không có phần hội. Phần lễ được tiến hành một cách đơn giản nhưng đầy không khí trang nghiêm thành kính.

 

Lễ hội cầu ngư truyền thống Nại Hiên Đông

          * Tiến trình, nghi thức lễ hội cầu ngư

Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức 3 năm/1 lần, tùy vào tình hình kinh tế của ngư dân, ngày lễ chính phải là ngày đại lợi trong tháng 02 âm lịch, đặc biệt không kỵ với vị chủ bái, tránh ngày sát chủ. Đây là một điểm đặc biệt so với các lễ cầu ngư ở nơi khác.

Trước ngày diễn ra lễ hội, ngư dân tạm ngưng mọi việc đi biển, tập trung trang trí thuyền ghe chuẩn bị cho lễ hội. Trước lễ chính một ngày, ngư dân tổ chức lễ Vọng, trên bàn lễ có đặt 01 lẵng hoa to ghi tên tất cả các vạn nghề biển của phường Nại Hiên Đông, lễ nhằm thỉnh tất cả các vị thần về tham gia lễ hội.

Sáng sớm ngày lễ chính, các vị đại diện ban ngư dân cùng với 4 thuyền hoa tiến ra ngoài cửa biển để làm lễ nghinh Ông. Đi trên thuyền hoa, gồm có 3 vị chủ tế, 12 học trò lễ, đội hát bả trạo, đội nhạc cổ, đội nhạc đại cổ (chiêng, trống lớn), đội tiểu cổ (trống nhỏ, kèn), áo giấy vàng mã được rải dọc trên đường đi. Bát nhan thần Nam Hải trong lăng Ông được đặt trong kiệu hoa gồm 04 người khiêng. Khi ra đến cửa biển, vị chủ tế đứng thẳng,quay mặt về hướng đông, bắt đầu tiến hành lễ rước sắc thần Nam Hải. Kết thúc phần lễ, vị chủ bái múc 01 bát nước, còn gọi là nước của Bà Thủy, đại diện cho các vị thần ở biển khơi chứng giám cho lễ của ngư dân. Ngoài ra, một lẵng hoa lớn thắp hương bên trong cũng được mang thả xuống biển để tưởng nhớ các vong linh bị tử nạn sông biển. Khi thuyền vào bờ, chiêng trống nổi lên rộn ràng, đội hình tham gia rước kiệu về lăng Ông trong trang phục chỉnh tề, đi theo thứ tự:

– Đi đầu là 20 thanh niên xếp hàng đôi tay cầm cờ thần – đuôi nheo dẫn đường.

– Đội cờ ngũ phương, trong đó người cầm cờ ở giữa phải là người được ngư dân lựa chọn theo tiêu chuẩn sau: ngư dân làm ăn đạt năng suất cao nhất trong ba năm vừa qua, gia đình hòa thuận và không mắc tang.

– Đội rồng, đội lân.

– Đoàn nhạc cổ.

– Đoàn hát bả trạo với trang phục rực rỡ, nón lá trắng, quần áo xanh nẹp trắng, mỗi người cầm một mái chèo sơn nửa vàng nửa đỏ, vừa đi vừa đẩy mái chèo theo nhịp chèo thuyền và hát. Đội gồm có: Tổng mũi (tổng thuyền), tổng khoang (tổng trung), tổng lái (tổng hậu) và khoảng từ 10 đến 16 thành viên gọi là con trạo (tay chèo), số lượng con trạo bao giờ cũng là số chẵn.

– Ba ông chủ lễ, 12 học trò gia lễ.

– Kiệu rước sắc thần Nam Hải được làm bằng khung gỗ, trang trí bằng lá dừa, bẹ chuối do 4 thanh niên to khỏe trong vùng khiêng.

– Sau cùng là đại diện các vị ngư dân cao tuổi, đại diện các ngư dân trẻ tuổi, đại diện hậu cần nghề cá.

Đoàn rước đến sân lăng Ông thì ban nghi lễ làm lễ “sắc thần nhập điện”.

Khoảng 8h, lễ chính được diễn ra, đội hát bả trạo hát “tuồng ông ngư” để tri ân thần Nam Hải giúp cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được thắng lợi, tiếp đến là bản “hò âm linh” nhằm tri ân những vị tiền nhân đã sáng lập ra nghề cá, các âm linh cô hồn chết sông, chết biển. Tiếp đến là lễ cầu mùa, lễ cầu an. Cuối cùng, lễ tạ các vị thần đã về chứng kiến lễ, ngư dân xin tài lộc trong 3 năm tới. Lễ vật cúng chủ yếu gồm các đồ chay, riêng trong lễ tạ có thêm heo, gà, vịt.

Phần hội gồm những hoạt động gắn liền với bà con ngư dân: hát dân ca gắn liền với các chủ đề trên sông nước, đua thuyền, lắc thúng…

Đối với các năm không làm đại lễ, các vạn nghề biển tự tổ chức cúng lễ của riêng vạn nghề.

Lễ hội cầu ngư truyền thống vùng Nại Hiên Đông mang những nét đặc trưng của làng biển miền Trung, vừa thể hiện tính chất tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với đức Ngư Ông linh thiêng, vừa hàm chứa niềm ước vọng của những người làm nghề sông nước, mong một mùa bội thu tôm, cá. Lễ hội cũng thể hiện tính gắn kết cộng đồng, cùng nhau hợp sức chống chọi với thiên nhiên, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Đây cũng là dịp vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa bù đắp những ngày lao động vất vả trên biển khơi.

 

                                                                                                                                         Trần Khánh Ly

Tin liên quan