Tầm vóc lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc 1858

Với sự kiện Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2017 xếp hạng di tích Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt, có thể nói hậu thế ngày càng nhìn nhận đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858.

Thực ra cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 cũng từng được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, thậm chí từng được xem là thời điểm mở đầu thời kỳ cận đại của lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên căn cứ vào cách người Đà Nẵng nói riêng, người Việt nói chung ứng xử với di tích Thành Điện Hải, hay với di tích Nghĩa trủng Phước Ninh… nhiều năm qua, có thể nói tầm vóc lịch sử cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 vẫn chưa thực sự được nhìn nhận đúng mức.

Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chính thức mở đầu vào sáng ngày mồng 1 tháng 9 dương lịch. Xuất phát từ cảng Yulican ở cực nam đảo Hải Nam từ chiều ngày 30 tháng 8, đoàn tàu chiến của Pháp với những tàu buồm cỡ lớn như Némésis, Fusée, Gironde, Saône, Primauguet, Phlégéton, Mitraille, Alarme, Dragonne, Avalanche và Prigent chở hơn 1.500 binh lính và sĩ quan do Phó Đô đốc Hải quân Charles Rigault de Renouilly chỉ huy và được lệnh hội quân với tàu hơi nước El Cano của Tây Ban Nha chở 450 binh lính và sĩ quan – trong đó nhiều người gốc Philippines – do Đại tá Hải quân Lanzarotte dẫn đầu, đã tập kết trước cửa biển Đà Nẵng vào chiều tối ngày 31 tháng 8.

Và đến 9 giờ 45 sáng hôm sau, đại bác từ tàu chiến của liên quân đồng loạt khai hỏa vào các cứ điểm phòng thủ chiến lược của Đại Nam như Trấn Dương, Phòng Hải, An Hải, Điện Hải… không chờ phúc đáp từ phía chính quyền sở tại về tối hậu thư của Charles Rigault de Renouilly đòi phải bàn giao Đà Nẵng trong vòng hai giờ đồng hồ.

Trên soái thuyền Pháp Némésis – nơi đặt bộ chỉ huy viễn chinh hôm ấy, bên cạnh Charles Rigault de Genouilly còn có Giám mục Pellerin/Bình Linh đóng vai trò cố vấn chính trị và quân sự.

Vì sao Pháp lại chọn cửa biển Đà Nẵng làm điểm khởi đầu cuộc ngoại-giao-pháo-hạm mà thực chất là cuộc tấn công bằng vũ lực nhằm mục tiêu xâm lược nước Đại Nam độc lập có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ? Sao Pháp không chọn cửa biển Thuận An gần kinh thành Huế hơn? Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là ở thời điểm tháng 9 năm 1858, Pháp chưa dám phiêu lưu quân sự.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Pháp phải hội quân với Tây Ban Nha để được “chia lửa” và càng không phải ngẫu nhiên khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha không chọn cửa biển Thuận An đương thời đang còn xa lạ với hải quân các nước Tây phương.

Điều đó có nghĩa với liên quân Pháp-Tây Ban Nha, cửa biển Đà Nẵng “quen thuộc” hơn, bởi dưới vương triều Nguyễn, Đà Nẵng trở thành cảng biển ngoại giao và thương mại duy nhất của nước Đại Nam, tàu thuyền Pháp từng nhiều lần lui tới Vũng Thùng và do vậy có khả năng thu thập được nhiều tin tức tình báo quân sự về độ sâu của cảng biển, luồng lạch ra vào, thủy triều lên xuống, cách bố trí lực lượng phòng thủ của đối phương…

Bản thân Charles Rigault de Genouilly càng không xa lạ với hải phận này bởi tháng 3 năm 1847 khi còn là Trung tá, ông đã được lệnh Chính phủ Pháp chỉ huy tàu chiến Gloire cùng với Đại tá Augustin Lapierre chỉ huy tàu chiến Victorieuse đến cửa Đà Nẵng để thương thuyết với triều đình Huế về việc tự do truyền đạo Thiên chúa; và cả Giám mục Pellerin cũng từng rời Huế vào cửa biển Đà Nẵng vào cuối năm 1856 để lên tàu La Capricieuse của Collier đến Hongkong ngày 13 tháng 2 năm 1857 rồi về Pháp trước khi trở lại Trung Quốc tham gia lực lượng viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần này…

Từ tuyến đầu Tổ quốc, Đà Nẵng đã thay mặt cả nước và cùng cả nước căng mình đối phó với đại bác tàu đồng của quân xâm lược. Đây không phải lần đầu mà là nhiều lần tiếng súng thù từng vang vọng trên vịnh Đồng Long – chẳng hạn năm 1847 tàu chiến Victorieuse của Charles Rigault de Genouilly đã ngang nhiên nổ súng bắn chìm tàu Đại Nam trong khi hai bên đang thương thuyết – ở trên có nói ngoại-giao-pháo-hạm là theo nghĩa đó. Nhưng lần này mọi chuyện dường như khác trước, súng thù không nhả đạn vào chiến thuyền mà nhả đạn vào chiến lũy, và lính viễn chinh lập tức đổ bộ lên đất liền sau cơn mưa pháo… Những khẩu súng thần công trên toàn bộ tuyến phòng thủ Đà Nẵng và nhất là trên thành Điện Hải đã thực sự xung trận, nhằm thẳng quân thù mà bắn…

Những thường dân Đà Nẵng hôm trước còn sống bình yên sáng nay đã thành nghĩa sĩ cùng với quan quân triều đình tắm mình vào khói lửa chiến tranh. Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng bỗng chốc trở thành tư lệnh một chiến trường chưa có tiền lệ trong lịch sử, bởi đây là lần thứ nhất người Việt trực tiếp đối mặt đương đầu với vũ khí và hỏa lực phương Tây.

Khi dựng thành Điện Hải theo dạng kiến trúc quân sự cổ truyền kết hợp với kiểu kiến trúc Vauban, súng ống được trang bị là súng đồng và súng gang được sản xuất phần lớn từ Pháp hoặc Bỉ, người Việt muốn dùng cái thuẫn phương Tây để chống lại cái mâu Tây phương.

Và đây chính là ý tưởng của vua Gia Long – một vị hoàng đế sớm tiếp cận với văn minh kỹ nghệ phương Tây. Thế nhưng cùng với các cứ điểm phòng thủ ven biển và thành An Hải bên hữu ngạn sông Hàn, thành Điện Hải bên tả ngạn sông Hàn cũng nhanh chóng thất thủ. Thành trì đã không giữ được nước.

Chỉ có lòng dân mới giữ được nước. Liên quân Pháp-Tây Ban Nha và bản thân Charles Rigault de Genouilly đã thu thập tương đối chính xác mọi thông số kỹ thuật trong hải hành và mọi thông tin về hệ thống phòng thủ của Đại Nam, và thực tế chiến trường trong mấy ngày đầu chiến tranh Mậu Ngọ đã chứng minh điều đó.

Chỉ có một thông tin mà liên quân Pháp-Tây Ban Nha và bản thân Charles Rigault de Genouilly hoàn toàn bị nhiễu – đó chính là thông tin về lòng dân Đà Nẵng. Từ chiến trường Đà Nẵng, vào ngày 29 tháng 1 năm 1859, viết thư gửi cho cấp trên bên Paris, Charles Rigault de Genouilly than vãn:

“Người ta nói với chính phủ về (…) thái độ sẵn sàng của dân chúng, nó lại khác hẳn với thái độ người ta tiên đoán” (2) – thái độ sẵn sàng của dân chúng ở đây được hiểu là thái độ của lực lượng giáo dân Thiên chúa giáo bản địa được hình dung đang sẵn sàng chờ kết nối cùng liên quân Pháp-Tây Ban Nha với tư cách “đạo quân thứ năm”.

Điều này – đúng như Charles Rigault de Genouilly tận mục sở thị – chỉ xảy ra trong tưởng tượng và dự báo sai lầm của Giám mục Pellerin. Một trăm mười năm sau – năm 1968 – nhà nghiên cứu Henry McAleavy còn nói rõ hơn:

“Bất kể mọi điều bảo đảm của các giáo sĩ truyền đạo, không một giáo dân bản xứ nào đã tụ hợp cùng với các kẻ xâm lăng” (3).

Ngược lại trong suốt quá trình chỉ huy liên quân Pháp-Tây Ban Nha ở mặt trận Đà Nẵng, Charles Rigault de Genouilly đã thực sự đối mặt với một cộng đồng cư dân không giống với những gì ông và chiến hữu của ông từng hình dung trước đó.

Có thể nói người dân Đà Nẵng lần đầu tiên trong đời và cũng có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành nên vùng đất này phải tự tay mình châm lửa đốt nhà để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, góp phần vào việc cầm chân quân thù, làm thất bại âm mưu đánh nhanh chiếm nhanh của địch, góp phần làm nên chiến thắng đầu tiên và duy nhất của Đại Nam từ khi khởi sự chiến tranh cho đến khi người Pháp hoàn toàn áp đặt nền cai trị trên toàn bộ lãnh thổ nước ta cũng như trên toàn cõi Đông Dương. Nhà nghiên cứu Henry McAleavy còn nhấn mạnh:

“Hiển nhiên việc chỉ lảng vảng ở Đà Nẵng sớm bị chứng tỏ là không đạt được một mục đích gì cả (…) và khi mà sau mười chín tháng chiếm đóng cuối cùng quân liên minh đã triệt thoái vào tháng Ba năm 1860, sự kiện duy nhất phơi bày sự đau khổ của đoàn quân là một nghĩa trang với cả ngàn nấm mộ – và con số này không kể đến những người đã chết ở các nơi khác do đã nhuốm bệnh từ hải cảng truyền nhiễm này” (4).

Đương nhiên cái giá người Đà Nẵng phải trả cũng không hề nhỏ: mấy nghìn nghĩa sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 – trong đó có nhiều người Đà Nẵng, và không chỉ người Đà Nẵng mà quân triều đình cũng rất đông, tập hợp từ nhiều quê hương trên cả nước đến đây chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do.

Cho nên không phải ngẫu nhiên ở trên có nói rằng Đà Nẵng đã thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh và thắng Pháp trận đầu, trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải.

Làm nên chiến thắng của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, ngoài vai trò của nhân dân còn có một yếu tố quan trọng nữa là vai trò cá nhân. Trước hết có thể nói vai trò cá nhân của vua Tự Đức có ý nghĩa hết sức quyết định.

Nói Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu là để khẳng định cuộc chiến tranh vệ quốc này phải được nhìn nhận như một chiến dịch cấp quốc gia mà tổng tư lệnh tối cao là vua Tự Đức và tổng hành dinh trực tiếp điều hành chiến dịch đóng ngay ở kinh thành Huế.

Chính nhà vua chứ không ai khác đã nhanh chóng ra lệnh thay thế các tướng lĩnh không đáp ứng được yêu cầu của chiến trường và đã có một quyết định cực kỳ sáng suốt là điều động danh tướng Nguyễn Tri Phương về làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng thay tướng Chu Phước Minh vừa mới được giao giữ nhiệm vụ này ngay sau khi tướng Lê Đình Lý hy sinh, và nhờ vậy mà vai trò cá nhân của Nguyễn Tri Phương đã thực sự tỏa sáng.

Bùi Văn Tiếng (1)


(1) Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng
(2) Dẫn theo Cao Huy Thuần: Đạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân tại Việt Nam, NXB. Hương Quê, 1988
(3) Henry McAleavy, Black Flags In Vietnam, The Story of A Chinese Intervention, The Tonkin War of 1884-85, New York: The Macmillan Company, 1968, Chapter Four: The First French Offensive, bản dịch của Ngô Bắc, Nghiên cứu lịch sử, 28-1-2013
(4) Henry McAleavy: Tài liệu đã dẫn.

Tin liên quan